Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Bức tranh chống dịch COVID-19 từ Tây sang Đông

Ngày 10 Tháng 05, 2021
Các nước châu Á tiếp tục chứng kiến tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi châu Âu và Mỹ tập trung đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng đại trà vaccine ngừa dịch.

Tính đến ngày 9-5, trang thống kê Worldometers cho biết trong 24 giờ qua, toàn cầu ghi nhận hơn 783.000 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 158,3 triệu. Số ca tử vong cũng tăng hơn 13.000, tổng khoảng 3,2 triệu. Phần lớn số người nhiễm và tử vong mới đến từ các nước châu Á và tình hình vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Ngày 8-5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tình trạng phân phối không đồng đều vaccine giữa các nước giàu và nước nghèo sẽ không thể giúp xóa sổ đại dịch COVID-19. Theo ông, mọi quốc gia lúc này đều cần tăng tốc sản xuất vacine và tiêm chủng đại trà, theo đài CNBC.

Tình hình Nam Á chưa được cải thiện

Tại Nam Á, điểm nóng Ấn Độ vừa trải qua ngày thứ năm liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt mức 400.000. Tổng số bệnh nhân hiện tại dừng ở mức 22,2 triệu, còn tổng số tử vong vào khoảng 242.000.

Tờ The Times of India cho biết trong khi tình hình ở các TP lớn như thủ đô New Delhi hay Mumbai đang ổn định dần với giường bệnh và nguồn ôxy cho bệnh nhân được bổ sung kịp thời, virus vẫn đang lây lan với tốc độ đáng lo ngại ở các bang và khu vực như Karnataka, Kerala, Tamil Nadu, Andhra Pradesh, Assam và Bengal.

Hiện hầu hết khu vực này đã tự ban lệnh phong tỏa để chặn đà lây lan của đại dịch. Đơn cử, chính quyền bang Karnataka, nơi có TP Bangalore là trung tâm công nghệ của Ấn Độ, đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn bang kéo dài hai tuần từ ngày 3-5. Chỉ riêng TP Bangalore đã thông báo có thêm 950 ca không qua khỏi chỉ trong bảy ngày đầu tháng 5. Tình trạng thiếu ôxy và giường bệnh tiếp tục là nguyên nhân chính làm tăng tỉ lệ bệnh nhân tử vong ở đây.

Nhân viên y tế đẩy một bình ôxy cho các bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 8-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Lo ngại trước tình hình dịch bệnh của nước láng giềng, chính quyền Pakistan ngày 9-5 đã ban hành các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất kể từ giai đoạn phong tỏa kéo dài một tháng hồi năm ngoái.

Theo quy định mới, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh cũng như chợ và công viên trên toàn quốc đều bị đóng cửa trong chín ngày tới - vốn rơi vào thời gian diễn ra lễ hội Eid al-Fitr truyền thống của đạo Hồi, theo hãng tin Al Jazeera. Phản ứng của Pakistan trên thực tế có thể hiểu được bởi tình hình COVID-19 bên trong nước này cũng đang rất ngặt nghèo với tổng số ca nhiễm vượt mốc 850.000 và số ca tử vong vào khoảng 19.000.

Một quốc gia khác có chung đường biên giới với Ấn Độ - Nepal lại đang có nguy cơ trở thành Ấn Độ thứ hai. Nepal đang có tỉ lệ lây nhiễm mỗi ngày là 20 ca/100.000 dân - tương đương Ấn Độ vào hai tuần trước, theo đài CNN. Nepal cũng có tỉ lệ bác sĩ trên đầu người và tỉ lệ tiêm chủng toàn dân thấp hơn so với Ấn Độ. Hiện Nepal có tổng số người bệnh vào khoảng 386.000 với hơn 3.600 người thiệt mạng.

Đông Nam Á đối diện khủng hoảng dịch

Tại khu vực Đông Nam Á, hai nước Thái Lan và Campuchia đang đứng trên bờ vực một cuộc khủng hoảng y tế. Về phía Thái Lan, nước này hai tuần qua liên tục phải chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày vượt mốc 2.000. Tổng số ca nhiễm ở đây vào khoảng 81.000 với 382 người thiệt mạng.

Theo tờ The Bangkok Post, nếu số ca nhiễm mới trong ngày không giảm dưới 2.000 thì trong vài ngày tới sẽ xảy ra tình trạng quá tải số giường bệnh chăm sóc tích cực (ICU). Hồi cuối tháng 4, Bộ Y tế Thái Lan từng ước lượng trên toàn quốc còn trên dưới 1.000 giường loại này. Chủ nhiệm Khoa y tế của BV Siriraj ở thủ đô Bangkok - GS Prasit Watanapa cũng đã cảnh báo Thái Lan đang tiến rất gần tới một giai đoạn khủng hoảng y tế thực sự và kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch để chặn đứng đợt bùng phát mới.

Hiện các cơ quan chức năng Thái Lan đang chạy đua với thời gian để nâng cao khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là tăng số giường ICU, thành lập các bệnh viện dã chiến và trưng dụng một số cơ sở như khách sạn để chuyển đổi thành nơi tập trung bệnh nhân.

Còn ở Campuchia, nước này đang phải trải qua thời kỳ đen tối nhất trước làn sóng dịch thứ hai. Với số ca nhiễm mỗi ngày bất ngờ tăng vọt ba con số, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này chỉ từ 500 vào cuối tháng 2 nay đã lên tới hơn 18.000 với 114 nạn nhân tử vong.

Tờ The Khmer Times đưa tin chính quyền Campuchia ngày 8-5 đã tuyên bố sẽ chi khoảng 20,6 triệu USD cho chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đại trà kéo dài trong chín tháng tới. Chương trình dự kiến sẽ tiêm ít nhất 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng cho khoảng 10 triệu dân (tương đương 62% dân số Campuchia). Mục tiêu cuối cùng là đạt tỉ lệ tiêm phòng đầy đủ trên 95% dân số vào giữa năm sau.

Phương Tây tăng cường nỗ lực tiêm vaccine

Tại khu vực châu Âu, các chương trình tiêm chủng vaccine đại trà đang được triển khai rộng khắp, góp phần khiến số ca nhiễm mới giảm dần. Số bệnh nhân mới trong ngày 9-5 được ghi nhận khoảng 27.000, giảm gần 73.000 ca so với một ngày trước đó.

Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) vừa ký kết một thỏa thuận với hai hãng dược BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) về việc cung cấp thêm 1,8 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19. Hiện khối này đã tiêm khoảng 200 triệu liều cho gần 450 triệu cư dân của mình, tập trung phần lớn ở các nước đầu tàu như Pháp và Đức. Song song với đó, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây cũng thông báo sẽ công bố ba phương pháp điều trị mới vào tháng 10 và cho phép sản xuất và lưu hành hai loại thuốc đặc trị COVID-19 vào cuối năm nay.

Về phía Mỹ, hiện nước này vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 33,4 triệu ca nhiễm và 596.000 ca tử vong. Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, nhiều bang ở Mỹ đã từ chối nhận thêm vaccine do chính quyền liên bang phân phối bởi số lượng người đăng ký tiêm vaccine giảm vì lo ngại về độ an toàn của vaccine.

Tính đến ngày 8-5, số liều vaccine được tiêm mỗi ngày của Mỹ chỉ còn khoảng 2 triệu, giảm 20% so với tuần trước đó. Với đà này, mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm vaccine trước ngày 4-7 do Tổng thống Joe Biden đặt ra sẽ khó đạt được. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), gần 46% dân số nước này đã được nhận ít nhất một liều vaccine và khoảng 34% dân số đã được tiêm đủ hai liều vaccine.•

Tranh cãi về vấn đề bản quyền vaccine COVID-19

Mới đây, Tổng thống Joe Biden bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ cố gắng nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ với một số loại vaccine COVID-19, qua đó giúp các nước trên thế giới tăng cường sản xuất và đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.

Bước đi của Mỹ lập tức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các tổ chức quốc tế lớn hoan nghênh. Tuy nhiên, cách tiếp cận trên đang vấp phải rào cản. Theo hãng tin Reuters, quyết định cuối cùng về việc có từ bỏ hay không bản quyền vaccine ngừa COVID-19 do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gồm 164 thành viên quyết định. Nếu chỉ một quốc gia bỏ phiếu chống, đề xuất sẽ thất bại.

Đồng minh quan trọng của Mỹ là EU hiện đã ra thông báo cho biết lãnh đạo khối này chưa đưa ra quyết định về vấn đề tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine phòng COVID-19 vì cho rằng còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét. Một số nước châu Âu như Ý và Đức thì lên tiếng riêng phản đối, cho rằng đề xuất của Mỹ không giúp tăng số lượng vaccine được tiêm chủng trên toàn cầu.
Theo PLO