Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Mô Hình Nào Cho Việc Khai Thác, Phát Huy Di Sản Giáo Dục Khoa Cử Thời Nguyễn

Ngày 23 Tháng 07, 2021
( Nguồn Việt) Trong các di sản văn hóa truyền thống còn lưu giữ, bảo tồn trên đất cố đô, di sản về giáo dục khoa cử thời Nguyễn là một tài sản rất quý, không chỉ có giá trị lớn trong việc giáo dục truyền thống, góp phần giữ gìn “Văn hóa Huế, con người Huế” trong bối cảnh đương đại, mà còn có thể khai thác phát huy giá trị, phục vụ tốt cho kinh tế du lịch dịch vụ, đúng theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.


Từ thời chúa Nguyễn (1636-1774), khi Huế được chọn làm thủ phủ rồi trở thành Đô thành của xứ Đàng Trong, việc học hành thi cử đã được coi trọng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Huế luôn là nơi thu hút nhân tài của đất nước. Đầu thời Nguyễn, cùng với việc xây dựng kinh đô Huế, vua Gia Long đã cho xây dựng Văn Thánh Miếu (1808) ở phía tây chùa Thiên Mụ để thờ Khổng Tử, nêu cao việc học hành và truyền thống Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín. Trước đó 5 năm, nhà vua đã cho dựng Đốc Học đường (từ 1820 đổi thành Quốc Tử giám) ở gần đó để đào tạo nhân tài cho quốc gia. Năm 1807, vua Gia Long đã cho tổ chức thi Hương; năm 1822, vua Minh Mạng tổ chức thi Hội, thi Đình để chọn các bậc đại khoa. Từ đó đến năm 1919, thời Khải Định, qua 39 kỳ thi đã tuyển chọn được 293 vị tiến sĩ. Tên tuổi của họ đều được khắc ghi vào 32 tấm bia đá dựng ở Văn Miếu. Năm 1835, vua Minh Mạng cho dựng Võ Miếu ở phía đông Văn Miếu để tôn vinh những người có võ nghiệp hiển hách, cống hiến nhiều cho đất nước. Thời Tự Đức tổ chức thi 3 kỳ tiến sĩ Võ, chọn đỗ được 10 vị. Các vị này đều được khắc tên vào bia đá. Năm 1908, trường Quốc Tử giám được vua Duy Tân cho dời về phía đông Hoàng thành, trong Kinh thành. Cho đến nay các di tích Văn Miếu, Võ Miếu, Quốc Tử giám cùng nhiều hiện vật, chứng tích liên quan đến giáo dục khoa cử thời Nguyễn vẫn còn được lưu giữ tại cố đô Huế.
Thực ra, việc bảo tồn, khai thác phát huy giá trị hệ thống di tích di sản liên quan đến giáo dục khoa cử thời Nguyễn đã được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm từ rất sớm. Tỉnh đã đầu tư trùng tu di tích Văn Miếu từ đầu thập niên 1990, tiến hành di dời các cơ quan đơn vị đóng trong khu vực Võ Miếu để hoàn trả lại mặt bằng cho đơn vị quản lý di tích; giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế) lập hồ sơ, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng dự án trùng tu, tôn tạo để hoàn thiện cụm di tích Văn Miếu, Võ Miếu, Quốc Tử giám..vv.
Về vấn đề khai thác phát huy giá trị di sản, từ năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký quyết định số 2295/QĐ-UBND ngày 05/12/2012 phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích cố đô Huế đến năm 2020, trong đó ghi rõ:
Đối với “Cụm di tích Võ Miếu - Văn Miếu - Khải Thánh Từ:
- Trùng tu thích nghi di tích Võ Miếu để làm nơi thờ Tổ ngành Võ Việt Nam, kết hợp làm nơi tập luyện, trình diễn và khai thác các dịch vụ liên quan.
- Trùng tu di tích Văn Miếu (bao gồm cả bến thuyền) để khai thác các hoạt động liên quan đến tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về khoa cử truyền thống của Việt Nam, các vị tiến sỹ thời Nguyễn…; tổ chức hoạt động dâng hương, tôn vinh nhân tài của Thừa Thiên Huế hiện nay” (tr.4).
            Còn đối với “khu vực Bảo tàng- Quốc Tử giám, nối kết các khu vực Đại Nội- Bảo tàng- Lục bộ- hồ Tịnh Tâm”, Đề án này cũng ghi rõ:
“- Quy hoạch và sắp xếp lại khu vực Bảo tàng - Quốc Tử giám, tổ chức trưng bày chủ đề về cổ vật, học hành, khoa cử truyền thống của Việt Nam...
- Dịch vụ chủ yếu tại khu vực này là khai thác các hoạt động dịch vụ đa dạng liên quan đến bảo tàng, cổ vật, đời sống và trang phục truyền thống, tư liệu và việc học hành, khoa cử truyền thống…” (tr.3).
Trên cơ sở đề án này, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan, từng bước triển khai hoạt động trùng tu, bảo tồn và khai thác phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2020, do phải tập trung vào nhiều mục tiêu, dự án trọng điểm khác nên mức độ đầu tư để khai thác phát huy giá trị di sản khoa cử truyền thống mới chỉ đạt được những kết quả rất khiêm tốn. Văn Miếu được tôn tạo hai nhà che bia, trùng tu Linh Tinh môn, tôn tạo cảnh quan môi trường; Võ Miếu thì mới chỉ có một số dự án nghiên cứu quốc tế đề xuất ý tưởng phục dựng bằng công nghệ. Riêng Quốc Tử giám thì dù được đầu tư trùng tu một bước (Di Luân đường, hai dãy nhà ngang vốn là phòng học thời Duy Tân) những do vẫn giao cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh sử dụng làm không gian trưng bày của bảo tàng nên chưa thể triển khai các nội dung của đề án.
Sau khi Nghị quyết 54 của Bộ chính trị được ban hành, cả hệ thống chính trị của Thừa Thiên Huế đã và đang nỗ lực triển khai nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Đối với ngành Văn hóa, việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản càng trở nên quan trọng và cấp thiết, trong đó có di sản về giáo dục và khoa cử truyền thống.
Đầu tháng 5/2020, các hiện vật thể khối lớn liên quan đến chiến tranh như xe tăng, đại bác, máy bay của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã được dời chuyển ra khỏi Kinh thành. Theo kế hoạch, toàn bộ Bảo tàng Lịch sử cũng sẽ dời chuyển lên vị trí mới để sớm trả lại không gian Quốc Tử giám cho Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý và khai thác. Như vậy, cơ hội và điều kiện để khai thác, phát huy giá trị di sản giáo dục và khoa cử truyền thống tại khu vực Quốc Tử giám, Văn Miếu, Võ Miếu đã mở ra rất thuận lợi.
Theo đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích cố đô Huế, Quốc Tử giám là một bộ phận quan trọng trong chuỗi liên kết các di tích từ Đại Nội ra Lục Bộ đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây cũng là điểm đến lí tưởng, rất thuận tuyến trong tour tham quan của du khách, sau khi viếng thăm Đại Nội và Bảo tàng Cổ vật Cung đình. Vì vậy, việc tổ chức một không gian trưng bày cùng các hoạt động liên quan đến việc giới thiệu quảng bá về giáo dục khoa cử thời Nguyễn tại đây sẽ rất phù hợp, góp phần làm phong phú thêm các nội dung giới thiệu về di sản văn hóa truyền thống Huế.
Vậy mô hình trưng bày quảng bá tại Quốc Tử giám như thế nào là phù hợp? Thiết nghĩ, việc thành lập một bảo tàng về giáo dục khoa cử hay trưng bày theo phương pháp truyền thống của bảo tàng tại khu vực này xem ra không phù hợp lắm, cả về cơ sở pháp lý và tính hấp dẫn, hiệu quả trong khai thác. Bản chất của Quốc Tử giám được thiết kế theo kiểu một trường học truyền thống, bao gồm tòa Di Luân đường và hai dãy phòng học, thư viện ở phía sau (từ 1923 đã chuyển thành Bảo tàng Khải Định, tức Bảo tàng Cổ vật Cung đình hiện nay). Vì vậy, không gian này chỉ phù hợp để tổ chức một trung tâm diễn giải về giáo dục khoa cử kết hợp với các hoạt động tương tác đa chiều giữa chủ thể tổ chức và du khách.
Trung tâm diễn giải (Interpretation Centre) không phải là một mô hình mới mà đã phổ biến ở châu Âu và các nước có ngành bảo tàng phát triển từ nhiều năm trước. Mô hình này đã chứng tỏ sự hiệu quả đặc biệt của nó trong việc khai thác, phát huy giá trị di sản. Tại Việt Nam, một số trung tâm diễn giải di sản đã được thiết lập tại Thừa Thiên Huế và Lào Cai thông qua sự hợp tác, hỗ trợ của vùng Nouvelle- Aquitaine, Cộng hòa Pháp. Trung tâm BTDTCĐ Huế đã từng phối hợp với đối tác Pháp xây dựng một trung tâm diễn giải về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tại khu vực Hiển Lâm các- Thế Tổ miếu trong Hoàng thành nên đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ưu thế của trung tâm diễn giải là có thể sử dụng kết hợp các loại hình diễn giải, biểu đạt rất phong phú, bao gồm cả trưng bày kiểu truyền thống (tài liệu, hiện vật), video clip hình ảnh, âm thanh, phim 3D, projection mapping… kết hợp với thuyết minh, trao đổi tương tác đa chiều. Xây dựng một trung tâm diễn giải về khoa cử giáo dục truyền thống tại Quốc Tử giám không chỉ phát huy hết lợi thế về không gian vốn có, các nguồn tư liệu hiện tồn trong và ngoài nước, phát huy tối đa các các ưu thế của khoa học công nghệ trong thời đại hiện nay để biến nơi đây thành một điểm tham quan hấp dẫn. Hơn thế, các hoạt động giáo dục cộng đồng, tôn vinh nhân tài, tưởng niệm tiền nhân sẽ được bổ trợ rất tốt nếu được tổ chức tại không gian này.
Đối với cụm công trình Văn Miếu, Võ Miếu, theo nội dung Đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích cố đô Huế, các di tích này sẽ từng bước được trùng tu, bảo tồn gắn liền với việc khai thác phát huy giá trị, riêng Võ Miếu thì sẽ trùng tu theo phương án thích nghi để khai thác các hoạt động liên quan đến nền võ học truyền thống.
Về việc xây dựng tour du lịch khai thác di sản khoa cử giáo dục truyền thống dành cho những đối tượng phù hợp, cố đô Huế cũng sẽ rất thuận lợi khi kết nối các điểm: Quốc Tử giám- Văn Miếu- Võ Miếu ở bờ bắc sông Hương với Trường Quốc Học- Trường Hai Bà Trưng (Nguyên là Trường trung học nữ sinh Đồng Khánh) ở bờ nam sông Hương. Các trường Quốc Học, Đồng Khánh đều là những ngôi trường nổi tiếng, đã có lịch sử trên 100 năm, có thể xem là sự kế tục trực tiếp truyền thống giáo dục của vùng đất cố đô sau thời kỳ quân chủ.
Tour du lịch này có thể đi bằng đường bộ (ôtô, xe điện, xe máy, xe đạp) hoặc đi bằng đường thủy (thuyền, ca nô) gắn liền với dòng sông Hương, đi qua nhiều danh thắng, nhiều cảnh đẹp nổi tiếng của Huế.
Khai thác di sản giáo dục khoa cử truyền thống của Huế cũng có thể lồng ghép trong các tour du lịch về di sản nói chung, trong các hoạt động giáo dục cộng đồng, tôn vinh di sản văn hóa, đặc biệt là trong các sự kiện văn hóa nổi bật như festival Huế..vv..
Như vậy, tiềm năng để khai thác di sản giáo dục khoa cử truyền thống của Huế là rất lớn. Xây dựng những mô hình khai thác phù hơp không chỉ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch dịch vụ của cố đô Huế mà còn có ý nghĩa tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo, hiếm có của vùng đất này./.
Theo TS. Phan Thanh Hải