Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Nhà làm phim nỗ lực vượt khó trong mùa dịch COVID-19

Ngày 09 Tháng 05, 2021
Nhằm phòng, chống dịch COVID-19, ba phim điện ảnh Việt là “Trạng Tí”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Lật mặt: 48h” phải tạm ngừng chiếu tại các cụm rạp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này đặt ra nhiều khó khăn cũng như thách thức đối với các đạo diễn, nhà sản xuất phim.
Hình ảnh trên trường quay của đoàn làm phim “Vua bánh mì” - Ảnh: Người lao động
Hình ảnh trên trường quay của đoàn làm phim “Vua bánh mì” - Ảnh: Người lao động
 

Khởi sắc về doanh thu trước khi dừng chiếu

Ra mắt vào tháng 4/2021, “Trạng Tí”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Lật mặt: 48h” là ba dự án phim Việt được đầu tư công sức, tâm huyết bởi các nhà làm phim có tiếng, vốn đã tạo được tên tuổi của mình trước đó. Chính vì thế, không khó để các tác phẩm này khi ra mắt nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả.

Thời gian qua, ba phim đều có doanh thu tốt tại các cụm rạp. Cụ thể, sau ba ngày công chiếu, “Trạng Tí” thu hơn 16 tỷ đồng; “Thiên thần hộ mệnh” thu hơn 34 tỷ đồng sau 4 ngày chiếu và “Lật mặt: 48h” thu hơn 152 tỷ đồng sau 2 tuần chiếu chính thức.

Sau dịp lễ 30/4-1/5, theo thống kê từ Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ), phim “Thiên thần hộ mệnh” hiện thu được gần 35 tỷ đồng, dẫn đầu doanh thu phòng vé Việt mùa lễ. Phim “Trạng Tí” - dự án phim thiếu nhi hiếm hoi công chiếu trên màn ảnh rộng được đầu tư chỉn chu về kịch bản cũng như bối cảnh, sau khi ra rạp ba ngày đã thu được gần 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 153 tỷ đồng là doanh thu của “Lật mặt: 48h” sau một thời gian dài trụ rạp.

Ngay sau khi các rạp ở Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động để phòng dịch, đại diện các cụm rạp đã tiến hành hoàn tiền (bằng tiền mặt hoặc qua thanh toán online) cho những khán giả đã mua vé trước. Đại diện các rạp phim tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc ba dự án phim “Thiên thần hộ mệnh”, “Lật mặt: 48h”, “Trạng Tí” phải ngừng chiếu là điều mà không chỉ nhà làm phim mà các rạp cũng rất tiếc nuối bởi ba phim này đang có doanh thu ổn định. Vì thế, sau khi có thông báo được phép hoạt động trở tại, các rạp sẽ chủ động làm việc với các nhà làm phim để đưa các tác phẩm nói trên trở lại rạp nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Về việc bù thêm thời gian chiếu tại rạp do mất thời gian ngừng chiếu vì dịch COVID-19, chị Nguyễn Huyền Trang, đại diện cụm rạp Galaxy tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sự thỏa thuận với các nhà làm phim. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, cần ưu tiên sức khỏe cộng đồng và công tác chống dịch lên hàng đầu. Ngoài ra, còn do nhu cầu của khán giả, nếu khán giả vẫn mua vé ủng hộ các phim kể trên sẽ không có lý do gì rạp không tăng suất chiếu và thời gian chiếu.

Thích ứng để vượt qua khó khăn

Các rạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tạm đóng cửa. Tuy nhiên, tác phẩm của ba đạo diễn Victor Vũ, Lý Hải, Ngô Thanh Vân vẫn duy trì lịch chiếu ở một số tỉnh thành. Dù biết doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng nhưng đây vẫn được cho là biện pháp thiết thực, tiếp thêm động lực cho các nhà làm phim.

 

Chia sẻ về dự án phim Trạng Tí khi vừa mới ra rạp được ba ngày đã ngừng chiếu, Đạo diễn Ngô Thanh Vân cho biết, đây là dự án phim trải qua nhiều chông gai, thử thách, không ít ý kiến trái chiều nhưng vẫn nhận được nhiều sự tin yêu từ khán giả, đó là niềm vui và động lực của đoàn phim. Dù phim phải tạm dừng chiếu nhưng chắc chắn sẽ trở lại vào một ngày gần nhất, hy vọng khán giả vẫn giữ trọn được tình thương với dự án phim.

Bên cạnh đó, phim “Bẫy ngọt ngào” do Minh Hằng đảm nhận vai trò diễn viên kiêm nhà sản xuất cũng vừa có thông báo hoãn buổi ra mắt. Diễn viên Minh Hằng cho biết, lịch ra mắt đã mời hơn 800 khách sau nhiều lần dời từ tháng 12/2020 đến nay. Trước đó, đoàn phim đã dời lịch một lần từ tháng 4 sang tháng 5. Tuy nhiên, cô mong rằng, bộ phim sẽ ra mắt vào thời điểm tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Đoàn phim đang tiến hành họp với các nhà đầu tư nhằm đưa ra thời điểm ra mắt hợp lý nhất để khán giả có thể yên tâm ra rạp ủng hộ phim.

Theo đạo diễn Victor Vũ, Nhà sản xuất phim “Thiên thần hộ mệnh”, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, việc chủ động ứng phó với khó khăn, tìm hướng phát triển cho thị trường điện ảnh trong nước là hết sức cần thiết. Các nhà phát hành, đạo diễn và diễn viên không thể kêu gọi khán giả đến rạp chiếu phim để thưởng thức và ủng hộ phim Việt Nam vì quy định bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc các bộ phim được phát hành trong thời gian gần đây phải chịu nhiều thiệt thòi.

Thế nhưng, khó khăn đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Việc bảo đảm hoạt động ổn định và bền vững cho cả nền công nghiệp điện ảnh mới là bài toán hóc búa đòi hỏi các cấp, ngành quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất loại hình “nghệ thuật thứ bảy” nhanh chóng có lời giải hữu hiệu.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan cho rằng, những khó khăn cũng là thách thức để các nhà làm phim thể hiện năng lực, bản lĩnh, đồng thời rèn luyện thêm về nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đây là thời điểm để các đoàn làm phim có thời gian trau chuốt kịch bản, hậu kỳ, nâng cao chất lượng tác phẩm, đồng thời đẩy mạnh phát hành trên các nền tảng trực tuyến.

Theo đó, xu hướng và cách thức giải trí của khán giả đang thay đổi và ngành Điện ảnh cần nắm bắt, tiếp cận nhu cầu ấy để chọn hướng phát hành phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh ở lĩnh vực điện ảnh đang củng cố lại các khâu: nhân lực, khách hàng, đầu tư... nhằm thích nghi với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó xác định thời điểm kết thúc.

Tương tự, theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh Dương Cẩm Thúy, những năm gần đây, thành công từ các tác phẩm điện ảnh như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Hai Phượng", "Mắt biếc"... cho thấy khán giả chưa bao giờ quay lưng với điện ảnh nước nhà nói riêng và "nghệ thuật thứ bảy" nói chung. Chính vì thế, thách thức từ dịch COVID-19 cũng là cơ hội để những người làm điện ảnh, một lần nữa, nhận diện những khó khăn bất cập, có những điều chỉnh trong phát triển nỗ lực vượt qua khó khăn, giải quyết các bất cập, tiếp tục sáng tạo và phát triển.
Theo Ngày Nay