Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Tôn vinh nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ ở Gia Lâm là di sản quốc gia

Ngày 12 Tháng 03, 2021
 Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, là một trong 8 di sản văn hóa quốc gia được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận mới đây, hôm 9/3.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa, làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ, nay thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Theo sổ sách, nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, dưới thời Hậu Lê.

Ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang - Hàn lâm Viện trực học sĩ. Một lần ông đi sứ bên Trung Quốc học được nghề dát dập vàng bạc để sơn son thếp vàng các đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối...

Về nước, ông truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ, rồi bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề quỳ vàng bạc và lấy ngày ông ra đi (17/8 Âm lịch) làm ngày cúng giỗ Tổ sư hàng năm.

Ngoài ra, dân làng Kiêu Kỵ còn có tục lệ cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng giêng. Các gia đình theo nghề quỳ vàng bạc làm lễ xôi gà đem đến cúng Tổ nghề tại điện thờ trong nhà Tràng, sau đó về nhà làm nghi thức "khai tràng" (tức là lễ khai búa đập quỳ). Do đó ngày 12 tháng giêng trở thành ngày khai tràng đập quỳ của dân làng.

 

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề làm vàng quý khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước và tranh sơn mài...

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một.

Sau ngày thống nhất đất nước đến nay, nghề truyền thống này được khôi phục và phát triển.

Hiện có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ ở Kiêu Kỵ, nhiều hộ sản xuất quy mô lớn và gây tiếng vang khắp trong nước lẫn quốc tế.
Theo Ngày Nay