Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Từ Hoa Kỳ nghĩ về Ngày phụ nữ - trẻ em gái và bình đẳng giới 8/3

Ngày 06 Tháng 03, 2021

Nhân dịp ngày mồng 8/3 sắp đến, nhớ về những phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam, tôi viết những dòng này sẻ chia và cảm ơn họ - như một lẽ giản đơn vì họ là phụ nữ và trẻ em gái. Chính họ đã cống hiến để thế giới luôn tốt đẹp hơn...

 Ảnh minh họa

Những ngày đầu tháng 3, thời tiết ở xứ Đông Bắc, Hoa Kỳ đỏng đảnh, chợt nắng, chợt mưa, chợt tuyết... Có những hôm trời nắng vàng óng ả, trời xanh biếc, nhưng trên các thảm cỏ tuyết vẫn trải một màu trắng toát chưa tan. Nhiệt độ lên xuống cứ tầm 34 độ F đến 50 độ F (tức khoảng hơn 1 độ C đến 10 độ C). Tuy vậy, có cái hay là ngoài trời lình xình, ẩm ướt vậy nhưng trong nhà lúc nào cũng khô ráo, ấm áp. Vì bất kỳ là nhà ở hay công sở, nhà máy... điều hoà giữ nhiệt độ ổn định quanh năm.

Những ngày trước mồng 8/3, ở Hoa Kỳ không ồn ào, náo nhiệt, không có vẻ sôi động của ngày Valentine hay ngày Mother Day.

Đã qua thời gian làm việc, tuy không dài, nhưng tôi may mắn được cùng làm việc chung với nhiều người phụ nữ Hoa Kỳ ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ sinh viên cho đến các bậc cao niên. Qua họ, tôi hiểu hơn về sự bình đẳng giới của phụ nữ Hoa Kỳ thực sự ăn sâu vào cuộc sống thường nhật. Chính vì vậy, ngày 8/3 với họ cũng như những ngày khác trong năm. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống, họ được đối xử bình đẳng như nam giới. Và trong xã hội, họ thực sự được tôn vinh với tinh thần "First Lady".

Chính vì vậy, ngày 26/8/2020, phụ nữ Hoa Kỳ đã kỷ niệm tròn 100 năm được hiến pháp bổ sung trong tu chính 19 rằng: Phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới, cấm phân biệt đối xử vì lý do giới tính. Kể từ đó, phụ nữ và trẻ em gái Hoa Kỳ đã được phá bỏ rào cản vô hình, mở ra con đường bình đẳng cho các thế hệ tương lai và có ảnh hưởng lớn đến phụ nữ và trẻ em gái của các nước trên thế giới.

Với bài viết ngắn, tôi không thể kể hết tầng lớp phụ nữ Hoa Kỳ đã làm thay đổi nước Mỹ và suy nghĩ của thế giới về phụ nữ như thế nào. Nhưng có thể nói như bà Jeanette Rankin, khi bà được bầu vào Hạ viện năm 1916 - trước tu chính 19 đến 4 năm - rằng: "Tôi có thể là thành viên nữ đầu tiên của quốc hội, nhưng tôi sẽ không là người cuối cùng". Và sự thực đúng như vậy. Cũng đúng dịp kỷ niệm 100 năm sau tu chính 19, cuối năm 2020, vào ngày 3/11/2020, bà Kamala Harris được vinh danh là phụ nữ quan chức dân cử cấp cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ - bà được phê chuẩn làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ và nhậm chức vào ngày 20/1/2021!

Và có thể kể đến bà Nancy Patricia Pelosi. Bà là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ được bầu vào chức vụ Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ trong 2 nhiệm kỳ không liên tục. Đó là từ 2007 đến 2011 và từ 2019 đến nay.

Phụ nữ Hoa Kỳ đã tham gia vào tất cả các lĩnh vực từ chính trị, khoa học, xã hội, vũ trụ, văn hóa, thể thao và công nghệ... Có thể kể những tấm gương phụ nữ điển hình đã chinh phục thành công trong những việc tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới. Ví dụ: Sally Ride là 1 trong 6 phụ nữ đầu tiên được chọn tham gia trường phi hành gia của NASA vào năm 1978. Ride trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người Hoa Kỳ trẻ nhất bay vào không gian lúc ấy bà 32 tuổi. Sau khi rời NASA, bà đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên SallyRide Science để cải thiện giáo dục toán và khoa học cho trẻ em gái. Và hình ảnh Megan Rapinoe nâng cao chiếc cúp vô địch World Cup nữ sau khi đội tuyển bóng đá Hoa Kỳ đánh bại đội tuyển Hà Lan trong trận chung kết năm 2019, cũng thể hiện phần nào sức mạnh và bình đẳng giới của phụ nữ Hoa Kỳ.

Có thể kể đến nữ phi hành gia mang tên Kathy Sullivan. Đây là người phụ nữ đầu tiên đi bộ trong không gian, cũng là người phụ nữ duy nhất trên thế giới lặn xuống điểm sâu nhất được biết đến dưới đại dương là Challenge Deep. Hơn thế, bà còn là Tiến sỹ và là nhà hải dương học. Chính bà và nhà thám hiểm Victor L. Vescovo cần khoảng 90 phút để lặn hơn 11 km để xuống đáy rãnh Mariana, nằm cách đảo Guam hơn 300 km về phía nam.

Hoặc hai nữ phi hành gia Jessica Meir và Christina Koch đang tạo dáng bên trong Trạm vũ trụ quốc tế. Cả hai đã thực hiện đi bộ ngoài không gian đầu tiên dành cho đoàn phi hành gia toàn bộ là nữ giới vào tháng 10/2019. Bà Meir đã phát biểu với báo giới rằng: "Những gì chúng tôi đang làm bây giờ thể hiện tất cả công việc trong nhiều thập kỷ trước, tất cả những người phụ nữ đã làm việc để đưa chúng tôi đến vị trí hôm nay". Câu nói ấy đã thể hiện đầy đủ sự nỗ lực của phụ nữ Hoa Kỳ để xứng đáng được vinh danh và bình đẳng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tôi không thể kể hết những gì phụ nữ Hoa Kỳ đã làm nên kỳ tích trong các lĩnh vực. Chỉ có thể nói rằng, để có được kỳ tích ấy, người phụ nữ và trẻ em gái đã được hưởng quyền bình đẳng giới về mọi mặt từ tuổi ấu thơ.

Nói về phụ nữ Hoa Kỳ, tôi lại luôn nghĩ về những người mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là những đội quân tóc dài, những anh hùng như chị La Thị Tám và 10 cô gái Ngã ba Đồng lộc. Bất chợt lời bài hát "Người con gái sông La" của nhạc sỹ Doãn Nho lại gợi cho tôi cảm xúc thật sâu lắng: "Quân thù xéo nát đất này từng ngày. Mà em đứng đó, tóc em tung bay. Em là chồi biếc của mùa Xuân Việt Nam". Đúng vậy, họ là những chồi non, lộc biếc luôn luôn đâm chồi, nảy lộc trên đất nước ta. Hay chị Út Tịch, bà Ba Định ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta cũng vậy. Chính các bà, các mẹ, các chị, các em... đã góp phần to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn và độc lập cho dân tộc ta.

Và kể cả trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hôm qua và hôm nay. Họ luôn dám tiên phong khởi nghiệp trong các mặt của đời sống để góp phần xoá đói, giảm nghèo. Và trên mặt trận chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, họ là những y tá, bác sỹ hay điều dưỡng viên nữ luôn tiên phong trong các bệnh viện cứu chữa các bệnh nhân và nghiên cứu vaccine. Đó chính là sự kế tục truyền thống bắt nguồn từ tấm gương của Hai Bà Trưng. Có thể nói, Hai Bà Trưng là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, là bản anh hùng ca và là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.

Khi nghĩ về phụ nữ Việt Nam, tôi lại luôn nghĩ về những người phụ nữ Hoa Kỳ đã cùng làm việc với tôi hôm nay ở đây. Họ cho tôi niềm vui trong công việc và hiểu hơn về bình đẳng giới mà họ thụ hưởng trong cuộc sống quá khứ và hiện tại. Họ đã từng làm việc với tôi mấy năm qua với những tên thân mật như Lisa, Nicole, Liz, Linda, Laura, Rose... Họ chia sẻ với tôi rằng: Có thể các tiêu chuẩn khi tuyển dụng vào, họ không được ngang bằng như nam giới, nhưng để được nhận vào làm việc thì họ được ưu tiên trước nam giới. Từ tiền lương, giờ làm và các chế độ bảo hiểm, thai sản..., họ luôn được quan tâm đúng luật pháp qui định. Họ là những phụ nữ mấy thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở xứ sở Cờ Hoa. Họ hiểu về những giá trị cơ bản của bình đẳng giới mà phụ nữ Hoa Kỳ được có như một lẽ hiển nhiên.

Nhưng ở đâu đó trên thế giới, người phụ nữ vẫn có thể được đối xử chưa tốt, chưa bình đẳng và thiếu tôn trọng. Tôi có hỏi họ về ngày 8/3 là ngày quốc tế phụ nữ, họ không biết và cũng chẳng quan tâm. Tôi đành kể lại sự hình thành và khai sinh ngày ấy cho họ nghe. Rằng ngày 8/3 có lịch sử khai sinh từ nước Mỹ, chính xứ sở mà chúng ta đang làm việc và sinh sống. Họ cũng cảm thấy tự hào được là nơi góp phần đấu tranh cho quyền lợi của Phụ nữ trên thế giới. Ấy là cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ. Do công nghiệp phát triển, cần nhiều nhân công trong các nhà máy, nên giới chủ đưa cả phụ nữ và trẻ em vào làm, nhưng lại đối xử bất bình đẳng với họ như tăng giờ làm và không bảo vệ sức khỏe của họ, trả lương rẻ mạt... Chính vì vậy, phụ nữ ở New York và Chicago đã nổi dậy biểu tình. Sau đó lan rộng ra toàn nước Mỹ và các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu. Vì vậy năm 1910, tại Copenhagen (Đan Mạch) đã tổ chức Đại hội Phụ nữ và quyết định lấy ngày 8/3 là Ngày quốc tế Phụ nữ.

Năm 2010, nhân dịp tháp tùng Đoàn công tác của Thủ tướng sang thăm Đan Mạch, chúng tôi đã có dịp ghé thăm nơi đã ban hành nghị quyết Ngày quốc tế về Phụ nữ 8/3 tại đây.

Khi tôi kể, những chị em ở đây lắng nghe rất chăm chú. Trong số ấy có cả sinh viên nữ, nhưng ấn tượng với tôi là Laura. Cô ấy với nước da bánh mật, mũi thẳng, không cao, không mập, săn chắc. Cô ấy học nghề y trong quân đội đã hơn 2 năm. Do đại dịch Covid-19 nên cô ấy chọn học trực tuyến buổi tối để ngày đi làm. Cô ấy kể rằng, bố cô là phi công trong quân đội Mỹ. Nhưng trong tấm ảnh cô ấy đưa cho tôi xem thì chỉ có 3 mẹ con. Cậu em trai cũng cao lớn, đẹp trai, da trắng hồng, mắt xanh, tóc nâu. Mẹ cô ấy là 1 phụ nữ trung tuổi nhưng toát lên vẻ đẹp nền nã với mái tóc ngang vai màu đen huyền như Laura. Laura có nhiều nét giống mẹ. Khi tôi hỏi tại sao cậu em lại mang nhiều nét khác từ mắt, tóc và màu da, Laura không ngần ngại trả lời là do cùng mẹ nhưng khác bố. Khi tôi hỏi về 2 người bố của 2 chị em thì Laura bảo cô không biết và chưa gặp bố mình và em trai cô cũng chưa từng gặp bố của cậu ấy. Cô chỉ biết là cô và em trai có bố là phi công phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Cả ba mẹ con Laura cũng đều phục vụ trong quân đội nên mặc đồng phục chụp ảnh trông như một bức tranh. Laura kể về cuộc sống gia đình riêng của mình trong sự phấn khích và tự hào. Riêng bản thân, cô ấy vốn tự lập từ lúc còn nhỏ nên mọi việc cô đều quen tự chủ.

Năm trước theo thường lệ, mọi người thấy tôi mua hoa để tặng vợ và con gái nhân dịp ngày 8/3, ai cũng nghĩ chắc là ngày sinh nhật của vợ hoặc con gái. Khi tôi nói vào Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, theo truyền thống văn hoá của Việt Nam, nam giới luôn nhớ mua hoa tặng mẹ, vợ hoặc người yêu, bạn gái hay con gái của mình, họ lấy làm ngạc nhiên.

Vâng, một số phụ nữ Hoa Kỳ dần lãng quên lịch sử Ngày quốc tế Phụ nữ mồng 8/3, vì ngày này với họ đã được trộn hoà lẫn với bao nhiêu ngày của năm; vì với họ bình đẳng giới như một lẽ hiển nhiên, giản đơn và bình dị. Đó cũng chính là lời tuyên ngôn độc lập của xứ sở Cờ Hoa tuyên bố từ năm 1776 rằng: "Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Và không ai khác, trước toàn thể đồng bào vào ngày 2/9/1945, Bác Hồ cũng long trọng trích lời bất hủ ấy của Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776 để tuyên bố trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà rằng: "Hỡi đồng bào cả nước: tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng...". Chính đó là sợi dây kết nối hai quốc gia cách xa nhau nửa vòng trái đất. Và chúng ta đã khép lại quá khứ, mở ra tương lai để kết nối và lan tỏa những giá trị văn hoá.

Nhân dịp ngày mồng 8/3 sắp đến, nhớ về những phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam, tôi viết những dòng này sẻ chia và cảm ơn họ - như một lẽ giản đơn vì họ là phụ nữ và trẻ em gái. Chính họ đã cống hiến để thế giới luôn tốt đẹp hơn. Cũng như ở Việt Nam, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng có nhiều phụ nữ từ các quốc gia khác đến góp phần cùng phụ nữ Việt Nam tô điểm cho đất nước ta đàng hoàng và to đẹp hơn. Đó chính là điều Bác Hồ vẫn hằng mong ước. Và thực sự phụ nữ Việt Nam luôn xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Hà An (Hoa Kỳ)