Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Bảo Tồn Di Sản văn Hóa Huế Trong Bối Cảnh Phát Triển Đô Thị Hiện Đại

Ngày 23 Tháng 07, 2021
( Nguồn Việt) Huế là một đô thị di sản. Cố đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt nam cũng là nơi duy nhất còn bảo lưu gần như hoàn hảo cả một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, đặc biệt là di sản văn hóa cung đình. Tuy nhiên, không chỉ vậy, cần phải đặc biệt lưu ý rằng, đặc trưng nổi trội của đô thị Huế là một đô thị phong thủy, đô thị hài hòa tuyệt vời với cảnh quan thiên nhiên của vùng đất sông Hương núi Ngự…

Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, khi mới đóng vai trò là đô thị đầu não của Đàng Trong, quy mô của Đô thành Phú Xuân đã rất lớn, bởi nó bao gồm cả các yếu tố phong thủy từ chân dãy Trường Sơn-thượng nguồn sông Hương (phía Tây) đến phá Tam Giang, cửa Thuận An, Tư Hiền và dải cát ven biển Đông (về phía Đông). Nhà bác học Lê Quý Đôn, khi nhận xét về địa cuộc của thành Phú Xuân khi ấy đã “nhận chân” diện mạo phong thủy của đô thị này một cách đầy đủ và thật tinh tế:
Thành trấn Phú Xuân ở Thuận Hóa, thu nước bốn đầm lớn mà nắm bốn cửa biển: đằng trước thì phá Hà Trung chảy ra cửa biển Tư Dung (tục gọi là cửa Ông, lại gọi là cửa Mù U), đàm Bạc chảy ra cửa Cảnh Dương, đầm Sam chảy ra cửa biển Ải Vân, phía tả và đằng sau thì phá Tam Giang chảy ra cửa Nhuyễn, tục gọi là cửa Eo.
Dinh Phú Xuân có năm lần hổ thủy [nước về phía hữu] ôm đằng trước; một là nguồn Hữu Trạch chảy xuống là sông Phú Xuân, hai là sông nhỏ An Nông, ba là nguồn Hưng Bình chảy vào nguồn Hà Trung, năm là nước từ đèo Mệt Mỏi chảy xuống đèo Cảnh Dương. Có ba lần long sa [cát ở bên tả] ngăn bên tả; một là phố Thanh Hà ở bên tả sông cầu Lạc Nô, hai là các xã Hồng Phước, Thuận Hóa ở bên tả thượng lưu sông con ngã ba Sình, ba là các xã Bình Trị, Thai Dương ở bên tả hạ lưu phá Tam Giang thẳng đến cửa Eo”.
     Sở dĩ có được các yếu tố đó nên Phú Xuân mới thống lĩnh được thiên hạ, “là chỗ nổi bật ở giữa đất bằng ngôi vị càn [tây - bắc], trông hướng tốn [đông - nam], dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông, đằng trước là quần sơn, chầu về la liệt, toàn thu nước về bên hữu, vật lực thịnh giàu. (Phủ biên tạp lục).
          Sang thế kỷ XIX, khi đóng đô tại đây, triều Nguyễn đã nâng cấp, mở rộng Phú Xuân, nhưng chỉ là khu vực bên trong, chủ yếu dọc theo tuyến sông Hương (bao gồm cả phần “dương cơ”-là Kinh thành, chợ búa, hành cung- ở phía Đông và “âm phần”-với lăng tẩm, đền miếu-ở phía Tây), còn các yếu tố thiên nhiên bao quanh vốn được xem như cái nền phong thủy có từ thời chúa Nguyễn thì vẫn được giữ gìn. Đó chính là lý do khiến kinh đô Phú Xuân càng hòa hợp với thiên nhiên, trở thành một mẫu mực về “Thơ-kiến trúc đô thị” (M’Bow).
          Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc (1885-1945) và cả hai cuộc kháng chiến sau đó (1945-1975), sự xuất hiện của khu phố Tây bên bờ nam sông Hương, rồi sự hình thành các khu phố mới với kiến trúc hiện đại tiếp sau đó về cơ bản vẫn chưa làm phá vỡ cảnh quan kiến trúc của đô thị Huế. Đặc biệt, khu phố Cũ (phố Tây) đã tạo nên một sắc thái mới cho đô thị Huế, khiến cố đô có sự chuyển tiếp hài hòa sang kiến trúc hiện đại. Sự phát triển này không gây nên ảnh hưởng đáng kể đối với các di sản phong phú của Huế, ngoại trừ những sự tàn khá khốc liệt của chiến tranh.
          Kể từ sau khi đất nước mở cửa và Đổi Mới, đô thị Huế đã có nhưng thay đổi rất nhanh. Những thành tựu của sự phát triển đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chính sự phát triển này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các di sản văn hóa. Nhìn một cách tổng thể có thể thấy, thực trạng phát triển đô thị Huế hiện nay là rất đáng lo ngại: Đó là việc chậm triển khai quy hoạch chi tiết tổng thể Thành phố và các khu vực liên quan; Sự phát triển nhanh và tập trung đông dân cư trong khu vực đô thị khá nhỏ hẹp (Thành phố Huế chỉ có diện tích 71km2 nhưng dân số đến 36 vạn, mật độ dân số là 15.400người/km2, trong khi đó diện tích toàn tỉnh TTH là 5.030km2 nhưng dân số chưa đến 1,2 triệu người, mật độ dân số chung là 218 người/km2). Sự yếu kém trong quản lý đô thị còn thể hiện cụ thể qua sự tập trung quá lớn các công trình cao tầng (chủ yếu phục vụ du lịch, dịch vụ) vào vùng lõi đô thị Huế và sự phát triển cơ sở hạ tầng ồ ạt trong các khu vực cận kề các khu di sản... Điều đó khiến không gian bảo vệ của các di sản bị thu hẹp, bị ô nhiễm về nhiều mặt; các yếu tố thiên nhiên vốn là điều kiện cần làm nên vẻ đẹp của kiến trúc Huế đã bị mai một rất nhiều… (Khuyến nghị của UNESCO). Chính vì vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa Huế trong bối cảnh phát triển đô thị hiện đại đã và đang đứng trước những thử thách to lớn.
***

Với Nghị quyết 54-NQ/TƯ ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, sự nghiệp bảo tồn di sản Huế đang có những điều kiện rất thuận lợi để tiến hành một cách thành công trong bối cảnh phát triển nhanh của đất nước.
          Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai và thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đặc biệt là việc phối hợp với Chính phủ và các bộ ngành trung ương để xây dựng Đề án xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc trung ương.
          Với các phương án mở rộng đô thị Huế, trung tâm của Thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai sẽ có diện tích lên đến hơn 266 km2 từ ngày 1/7/2021, Thành phố Huế sắp tới sẽ bao gồm cả các đô thị bao quanh như Tứ Hạ, Bình Điền, Thuận An, một phần của thị xã Hương Thủy cùng một không gian tự nhiên rộng lớn. Đây là điều kiện lý tưởng để vừa xây dựng Huế thành một đô thị hiện đại- đô thị trung tâm về chính trị-ngoại giao, tập trung các hoạt động thương mại và trung tâm du lịch, vừa  bảo tồn được các di sản văn hóa, lịch sử của cố đô. Vì vậy cần phải “phân vùng” để xây dựng phát triển và bảo tồn di sản đô thị Huế, trong đó: Vùng đô thị cổ: là khu vực sẽ trở thành vùng đô thị bảo tồn, có tính lịch sử văn hóa truyền thống như Kinh thành, phía bắc sông Hương và các khu vực liên quan (Kim Long, Hương Sơ, Bao Vinh). Vùng đô thị cũ: là khu vực phía nam sông Hương (khu phố Tây cũ).
Vùng phát triển mới: phát triển về phía đông (các xã phía tây nam huyện Phú Vang hay khu vực An Vân Dương). Việc phân vùng này rất phù hợp với đặc trưng của Huế, tuy nhiên cần chú ý là vùng đô thị cần bảo tồn không chỉ nằm ở phía bắc sông Hương, mà còn phải bao gồm cả khu vực phía tây, tây-nam Thành phố, tức khu vực thượng nguồn và dọc theo hai bờ sông Hương, nơi chứa đựng những nhân tố phong thủy quan yếu với đô thị Huế vốn đã được xác định từ xưa.
*
          Có khá nhiều bài học về bảo tồn và phát triển các đô thị di sản tương tự như Huế mà chúng ta rất cần tham khảo. Ở đây, xin nêu bài học về Tô Châu (Trung Quốc).
          Tô Châu là một thành phố vườn, cũng từng là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến với hệ thống di sản văn hóa phong phú. Trong thập niên 1960, để “hiện đại hóa” và “quét sạch tàn dư của chế độ phong kiến”, người ta đã đập phá thành Tô Châu (chu vi 14km, xây bằng gạch đá tương tự Kinh thành Huế) và một số kiến trúc cổ, xây dựng mới nhiều công trình hiện đại trong khu vực thành cổ (vùng lõi đô thị)… Cuối thế kỷ XX, sau một thời gian nhìn nhận lại quá trình xây dựng phát triển, đặc biệt là từ khi các khu vườn cổ Tô Châu được công nhận là Di sản Thế giới, Thành phố Tô Châu đã chấp nhận trả một cái giá khá đắt để “sửa sai”.
Chính quyền thành phố đã cố gắng bảo tồn lại khu vực thành cổ (kể cả việc xây dựng lại khoảng 1/3 tường thành Tô Châu), phục hồi các di sản văn hóa, tạo không gian cho các khu vườn có giá trị, đồng thời quy hoạch và xây dựng các khu đô thị hiện đại nằm cách xa vùng lõi đô thị cũ. Tô Châu hiện nay được đánh giá là một trong những thành phố đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và là thành phố phát triển hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, có những sai lầm trước đây đã không thể khắc phục được (như không thể xây lại toàn bộ tường thành do đã xây dựng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng xuyên qua, không thể trả lại các không gian nguyên thủy của những khu vườn cổ điển, dù nó đã trở thành Di sản thế giới…).
          Dĩ nhiên, Huế không hoàn toàn giống Tô Châu. Các di sản văn hóa cùng không gian tự nhiên của Huế vẫn còn khá nguyên vẹn, nhất là Kinh thành và hầu hết các khu vực dọc theo sông Hương. Cơ hội để giữ gìn di sản Huế một cách toàn vẹn vẫn còn.

Vì vậy, cần phải có một chiến lược đúng cùng những giải pháp phù hợp để vừa phát triển Huế (sau này là Thành phố Thừa Thiên Huế) trở thành một đô thị hiện đại mà vẫn bảo tồn tốt các di sản văn hóa. Có lẽ đây cũng là con đường phù hợp nhất để Huế cất cánh bằng chính tiềm năng và sức mạnh của chính mình./.
Theo TS. Phan Thanh Hải