Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Đề xuất học sinh 'vùng xanh' được tới trường

Ngày 16 Tháng 10, 2021

Với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị tính toán phương án cho học sinh ngoại thành thuộc 'vùng xanh' tới trường.

Một học sinh Trường Tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội) được tặng máy tính để học trực tuyến. Ảnh: Quỳnh Anh

Ngay từ đầu năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT khẳng định, đây là năm học có nhiều xáo trộn, khó khăn vì phải đối mặt diễn biến dịch COVID-19. Do đó, các địa phương chủ động, linh hoạt phương thức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc truyền hình phù hợp tình hình thực tiễn để hoàn thành kế hoạch năm học. Trong đó, không “đồng phục” một hình thức dạy học cho toàn tỉnh, toàn thành phố mà linh hoạt đến từng trường, tận dụng thời gian vàng khi dịch được kiểm soát để học sinh học trực tiếp.

Đối với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có ý kiến đề nghị tính toán phương án cho học sinh các huyện ngoại thành thuộc “vùng xanh” trở lại trường.

Ngày 15/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ tiếp nhận tài trợ chương trình “Máy tính cho em”. Ngành giáo dục đã huy động được hơn 100 tỷ đồng tiền mặt, hơn 100.000 máy tính bảng, máy tính, thiết bị thông minh, thiết bị học tập trực tuyến từ các nguồn vận động, tài trợ học sinh nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) cho rằng, ở những huyện “vùng xanh”, lãnh đạo nên tính toán cho học sinh đầu cấp, cuối cấp đi học trực tiếp. Khi phụ huynh đã đi làm, không có người giám sát con học trực tuyến sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ về tai nạn thương tích. Ngoài ra, học sinh có thể lén truy cập các trang mạng có thông tin xấu, độc, hoặc chơi game trực tuyến.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội), ông Phùng Ngọc Oanh, nói rằng, các trường học tại địa phương đã sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại. Các trường đã có sẵn cơ sở vật chất, phòng y tế, phương án phân luồng học sinh… “Trước mắt, lãnh đạo thành phố nên tính toán cho học sinh lớp 6, 9, 12 đi học. Các lớp học giãn cách, không tổ chức hoạt động đông người như chào cờ, hoạt động ngoại khóa. Nếu sau 1-2 tuần, việc học an toàn, các trường dần mở rộng các khối lớp khác tới trường là phù hợp”, ông Oanh nói.

Mới đây, Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp tại những vùng đã kiểm soát được dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn ngay từ tháng 10. Giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp các đơn vị khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường dạy học trực tiếp trở lại.

Trả lời phóng viên Tiền Phong chiều 15/10, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến đến khi có thông báo mới. Ngành giáo dục vẫn chưa thông báo thời điểm cụ thể học sinh quay lại trường.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết để thích ứng với việc phòng chống dịch COVID-19, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn trường học an toàn cho học sinh trở lại trường trong tình hình mới. Bộ Y tế đã có chủ trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em từ 12-17 tuổi. Dự kiến từ tháng 11, các địa phương sẽ triển khai tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12-17 tuổi, tạo thuận lợi cho học sinh an tâm trở lại trường học tập an toàn.

Theo Bộ GD&ĐT, đến nay có 23 địa phương cho học sinh đến trường học trực tiếp, 31 địa phương dạy học trực tuyến hoàn toàn và 9 địa phương đang kết hợp giữa dạy trực tuyến và trực tiếp.

Thiếu người giám sát trẻ học trực tuyến

Đầu tháng 9, một học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) bị điện giật tử vong tại nhà trước giờ học trực tuyến. Mới đây, một học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nam Anh (Nghệ An) tử vong trong giờ học trực tuyến; nguyên nhân đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Hai vụ việc đau lòng này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, nhất là khi bố mẹ đã đi làm, trong khi con vẫn phải học trực tuyến ở nhà, không có người giám sát.

Trả lời phóng viên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Thành, nói rằng, học sinh tử vong sau tai nạn trong giờ học trực tuyến là sự việc đau lòng và đáng tiếc. Trước đó, Nghệ An có hơn 63.000 học sinh thiếu thiết bị để học tập trực tuyến. Các em đang được các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều em đã có thiết bị nhưng là điện thoại, máy tính cũ không đảm bảo an toàn. Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường rà soát thiết bị và có lưu ý cha mẹ học sinh về nguồn điện, ổ cắm đảm bảo an toàn.

Theo ông Oanh, việc học trực tuyến thời điểm này gặp khó khăn hơn khi phụ huynh đã đi làm, học sinh ở nhà không có người giám sát.

Đà Nẵng sắp cho học sinh học trực tiếp

Ngày 15/10, UBND TP Đà Nẵng cho hay đã thống nhất tổ chức cho học sinh trở lại trường. Theo đó, học sinh phổ thông ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đến trường từ ngày 18/10. Học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đi học từ ngày 25/10. Học sinh các cấp học khác ở Đà Nẵng sẽ học trực tiếp từ ngày 1/11. Hiện có gần 1.000 giáo viên và hơn 6.000 học sinh ở các địa phương khác trở về Đà Nẵng để chuẩn bị cho việc tới trường học trực tiếp.
Theo tienphong.vn