Campuchia - Câu chuyện bảo tồn di sản thành công
Giáo dục di sản trong nhà trường
Nhằm tạo môi trường hiểu biết về lịch sử Vương quốc Campuchia cho giới trẻ, Bộ giáo dục Campuchia và Cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm về khảo cổ học Angkor, Apsara đã thiết lập một loạt các chương trình giáo dục để khuyến khích học sinh, sinh viên tìm hiểu về các di sản địa phương. Chương trình nhằm mục đích giúp cho học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về di sản văn hóa của họ. Các lớp học, do các cán bộ kỹ thuật và nhà nghiên cứu từ Cơ quan Quốc gia Apsara truyền đạt, tập trung vào ý nghĩa văn hóa của mạng lưới đền thờ rộng lớn của Campuchia. Học sinh cũng đi thực tế đến các ngôi chùa gần trường học.
Ông Im Sokrithy, Giám đốc Cục Bảo tồn Đền thờ ở Angkor cho biết: “Chúng tôi dạy sinh viên cách tiến hành nghiên cứu thế nào là di sản vật thể và phi vật thể ở khu vực họ sinh sống. Ban đầu, chúng tôi chọn những trường nằm gần các khu di sản nên việc đưa học sinh đến các điểm này sẽ dễ dàng hơn ”. Ông cho biết khóa học nhằm mục đích khơi dậy trong sinh viên tình yêu đối với di sản văn hóa để cùng tham gia với cộng đồng bảo vệ những di sản này. Đây cũng là nguồn động viên để giới trẻ tích cực quảng bá di sản văn hóa trong và ngoài cộng đồng của họ.
Để vấn đề giáo dục di sản trở nên dễ hiểu và gây hứng thú cho học sinh, chương trình đã phải đơn giản hóa các tài liệu để các em sinh viên, học sinh dễ dàng trong việc tiếp thu các khía cạnh địa lý, lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Chương trình Giáo dục di sản đã đạt được những kết quả bất ngờ khi nhiều em học sinh có thể hiểu rõ và kể tường tận các lễ hội văn hóa tâm linh và lịch sử đằng sau những ngôi già lam cổ tự Phật giáo mà trước đây chúng hoàn toàn không hiểu. Chea Kunhing - học sinh lớp 5 trường tiểu học Srah Srang cho biết: “ Em quan tâm nhất đến các lớp học về Phật giáo và văn hóa tâm linh. Chương trình đã tạo nên sự khác biệt trong thái độ của học sinh đối với lịch sử và văn hóa. Thái độ của chúng em hoàn toàn được cải thiện khi chúng em đến các ngôi chùa Wat Banteay Kdey. Chúng em học cách giữ im lặng nơi tôn nghiêm, không chơi đùa, ném rác, ngồi trên đá, phá hoại hoặc chạm vào các pho tượng chư Phật và thánh tăng, cũng như các vị thiện thần hộ pháp”.
Nhờ có giáo dục mà các thế hệ Campuchia nối tiếp nhau đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Nhiều trường học tại Campuchia cũng nhận thức rõ, không chỉ là các hoạt động thực tế, lồng ghép di sản vào các hoạt động giảng dạy, trong đó có môn lịch sử, là cách hiệu quả giúp học sinh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của bảo vệ di sản. Để học sinh hứng thú với môn học lịch sử, di sản văn hóa là một trong những phương tiện dạy học đa dạng, sống động nhất. Khi hiểu được các giá trị của di sản địa phương, học sinh, sinh viên sẽ sớm hình thành ý thức bảo tồn di tích và đây cũng chính là một hình thức phát huy di tích hiệu quả.
Sống được bằng di sản
Nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền, phát huy nguồn lực di sản văn hóa là mục tiêu quan trọng lâu dài, mang ý nghĩa then chốt... Tuy nhiên, bảo tồn di sản không có nghĩa là đóng khung di sản vào một lồng kính để ngắm. Chính vì vậy Campuchia đã có không ít dự án du lịch vừa bảo tồn và tạo sức hút cho di sản như một điểm đến hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Các chuyên gia cho rằng, người dân trong vùng lõi và vùng đệm của các di sản thế giới phải sống được bằng di sản. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo tồn di sản thế giới.
Angkor là một trong các di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer. Ngay khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1992, Angkor đã trở thành tiềm lực tăng trưởng kinh tế của quốc gia này khi tăng trưởng lượt du khách trung bình 25% mỗi năm. Ngoài việc phục hồi và nghiên cứu khảo cổ học trong các di sản, đào tạo các chuyên gia bảo tồn tại địa phương, chính quyền cũng ưu tiên tạo điều kiện cho người dân địa phương sống dựa vào di sản. Theo đó những người dân tại đây được bố trí làm việc trong Cơ quan khảo cổ Angkor Apsapa, được đào tạo về chuyên môn phù hợp với trình độ, có nguồn thu nhập ổn định để tránh tối thiểu tác động lên di sản.
Tranh thủ sự hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế rất quan trọng để giúp bảo vệ và phát triển Khu di tích lịch sử Angkor- Đây là khẳng định của người phát ngôn cơ quan bảo vệ Angkor- điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở Campuchia. Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh vào Danh sách Di sản Thế giới vào năm 1992, Ủy ban Điều phối Quốc tế về Bảo vệ và Phát triển Di tích Lịch sử Angkor (ICC-Angkor) được thành lập để điều phối mọi hỗ trợ nước ngoài cho việc bảo tồn và phát triển khu di tích cổ.
Trong quá trình hoạt động của mình, ICC-Angkor đã trở thành một nền tảng đa phương, nơi đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến việc bảo vệ và phát triển Angkor. Với cơ chế quốc tế này, nhiều nước như Pháp, Đức hay các tổ chức quốc tế như UNESCO đều có các chuyên gia hỗ trợ Campuchia trong nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản. Công việc bao gồm phục hồi và nghiên cứu khảo cổ học trong các di sản, đào tạo các chuyên gia bảo tồn tại địa phương bảo đảm phát triển bền vững chiến lược đã được thông qua trong thập niên trước.
Mặc dù Angkor phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng sức sống của di sản với mô hình quản lý chuẩn chỉ vẫn thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Thành công của Angor đã minh chứng cho hiệu quả thực hiện của Công ước Di sản Thế giới và sự đoàn kết quốc tế.
Bảo tồn đi đôi với phát triển du lịch
Vào năm 2016, ngành du lịch Campuchia đem về hơn 3,6 tỷ USD cho đất nước, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. “Quốc gia nhiệm màu” này được ghé thăm nhiều nhất bởi du khách Trung Quốc, với 1,2 triệu lượt trong năm 2017, tiếp theo đó là du khách Việt Nam, Lào, Thái Lan và Hàn Quốc. Để có được con số này, quốc gia Đông Nam Á này có những kế hoạch chiến lược toàn diện, hiệu quả trong việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch.
Điển hình là việc chính phủ Campuchia đã có những bước đi kịp thời để giải quyết sớm những tác động lên di sản. Ngay sau khi UNESCO cảnh báo về tình trạng quá tải khách du lịch đổ về Angkor, chính phủ nước này đã có những biện pháp hiệu quả như giới hạn số lượng khách tham qua cũng như thời gian thăm quan. Việc phát triển các khu du lịch biển tại các hòn đảo và thị trấn Kép thuộc Sihanoukville ngoài mục đích khai thác tài nguyên du lịch biển còn nằm trong chủ trương giãn khách khỏi Angkor, hướng khách du lịch những sản phẩm du lịch khác để giảm sức ép cho di sản. Lo ngại tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, chính quyền địa phương ngay lập tức ban hành các biện pháp cấm sử dụng rác thải nhựa tại một số khu vực để giảm lượng rác gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài việc bảo tồn di sản để phát triển du lịch bền vững, Campuchia còn thực thi nhiều giải pháp đáng để các quốc gia khác học tập trong việc thúc đẩy du lịch. Trong các kế hoạch xây dựng các địa điển phát triển du lịch văn hóa và tự nhiên như Phnom Penh, Siem Riep và Sihanoukvill, một quy hoạch tổng thể và tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn về kiến trúc, chỉ giới xây dựng được áp dụng, nhằm thu hút khách du lịch, như việc các khách sạn không được phép cao quá 3 tầng, các tuyến phố cổ, phố cũ nằm trong khu vực bảo tồn và các nhà phải sơn cùng một màu, giữ lại tất cả các cây cầu cổ...Các chi tiết nhỏ cũng được tính đến trong kế hoạch bài bản thu hút khách du lịch như yêu cầu khắt khe đối với hướng dẫn viên du lịch tại Angkor. Những hướng dẫn viên được hành nghề ở đây đều phải trải qua những khoá đào tạo bài bản từ chính UNESCO hoặc những đỉa chỉ dạy nghề có uy tín đã được Nhà nước thừa nhận. Vé tham quan Angkor cũng là một điều thú vị. Với khách quốc tế, giá vé được phân định theo thời gian tham quan. Cách làm này không chỉ tạo tâm lý được tiếp đón của du khách mà còn kích thích du khách ham muốn khám phá, tìm hiểu sâu kỹ về quần thể di tích vĩ đại này. Khách càng tìm hiểu sâu, nền văn hoá – lịch sử Campuchia càng được quảng bá rộng và đó là cách quảng bá, xúc tiến tại chỗ tốt đến không thể tốt hơn.
Chính phủ Campuchia cũng thực hiện một loạt các chính sách về du lịch như tổ chức hàng loạt chương trình quảng bá, xúc tiến hướng tới các tỉnh thành trọng điểm có lượng khách tới Campuchia đông tại các quốc gia châu Á, Âu, Mỹ; cải thiện hệ thống đường sá, phát triển nhiều điểm du lịch sinh thái tại các tỉnh miền sâu, miền xa phía Bắc; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh như cấp visa ngay tại các cửa khẩu, sân bay, miễn visa cho một số quốc gia; bố trí cảnh sát du lịch tại tất cả các điểm du lịch… Tất cả những chính sách này đã tạo ra hình ảnh mới về một Campuchia thân thiện, cởi mở, sẵn sàng chào đón và cực kỳ chuyên nghiệp.