Đại võ sư Tấn Vương (môn phái Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Lập bộ như tiền trong bài Kim ngưu quyền
Con trâu (sửu) đứng thứ 2 trong 12 con giáp, là con vật rất gần gũi với người dân Việt Nam, là biểu tượng của chữ tín, niềm tin, lòng trung thành, quả cảm. Hình ảnh con trâu gắn liền với thăng trầm lịch sử của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trâu đã góp phần kéo pháo, kéo ô tô bị lầy, hay cùng người vận chuyển đạn, nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men phục vụ chiến trường.
Theo tài liệu các môn phái thì trong võ cổ truyền Việt Nam, có những động tác chiến đấu mô phỏng từ con trâu, thường được gọi là ngưu quyền. Nhiều thế võ mang hình tượng của trâu như: Thiết ngưu canh địa, thiết ngưu sừ địa, kim ngưu chiếu giác, ngưu quyền thiết chưởng, si phong sậu võ khai ngưu giác…
Tuy không phong phú và đa dạng về đòn thế chiến đấu như hổ, báo, xà, hạc…, nhưng bù lại võ trâu lại mang một sức mạnh riêng và nguy hiểm mỗi khi đánh trúng đối phương.
Về hình thái, võ trâu thể hiện đặc trưng tinh hoa của võ thuật truyền thống dân tộc, với những độc tác uyển chuyển nhanh, mạnh, và sức chiến đấu quật cường. Kỹ thuật chiến đấu trong võ trâu chính là dùng chiêu thức, những vũ khí tự nhiên là cặp sừng và bộ móng to khỏe để triệt hạ đối phương một cách nhanh chóng nhất.
Một thế trong bài Kim ngưu quyền (ảnh tư liệu Võ phái Bích Quang)
Bài Roi Thái Sơn xuất xứ từ Bình Định (một trong số ít bài quyền của võ thuật cổ truyền Việt Nam được giới thiệu cả chữ Hán, chữ Nôm và phú), mô phỏng tư thế, động tác của tám con vật là rắn, lân, tê giác, thỏ, mèo, trâu, gà, hổ. Trong lời thiệu bài quyền này có câu: "Gió rung lá rung ồ ồ/Sừng trâu mở rộng côn đồ chiến chinh”.
Các chiêu thức của bài Roi Thái Sơn biểu thị cả hình và ý của nhiều loài thú nên hết sức biến ảo, lúc tấn công thì ra đòn mạnh như vũ bão, lúc lui về thế thủ thì nhẹ nhàng, uyển chuyển, linh hoạt để né tránh. Rồi từ thế thủ chuyển sang thế tấn công ra đòn liên tiếp để hạ đối phương. Bài đặc trưng với những kỹ pháp tấn công như đâm, bắt, lắc, đả, kỹ thuật phòng thủ như triệt, chặn, khắc…
Hay trong bài Thảo bộ thiền sư (võ cổ truyền Bình Định) và bài Kim ngưu quyền (Võ phái Bích Quang - Khánh Hòa) có thế ‘Kim ngưu chiếu giác’. Trong bài Kim kê quyền (tài liệu môn phái Hoàng Vũ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có thế ‘Kim ngưu chuyển giác’; trong bài Kim kê quyền (tài liệu võ thuật Tân Khánh Bà Trà) có thế ‘Kim ngưu chi giác’.
Trong các bài võ liên quan đến các thế đánh của con trâu thì bài Kim ngưu quyền của Võ phái Bích Quang (Khánh Hòa) được giới chuyên môn đánh giá cao.
Một bức tranh mô phỏng sức mạnh chiến đấu của con trâu, họa sĩ Ngô Thanh Hùng (Đà Nẵng).
Tại Hội nghị chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ 9 năm 2007 tại Khánh Hòa, với 20 đoàn, 75 đại biểu về dự, võ sư Đoàn Đức Phước, truyền nhân đời thứ tám Võ phái Bích Quang, trưởng Võ đường Bích Quang, giới thiệu và đích thân thị phạm bài quyền này, được Hội nghị bình chọn là bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Từ đó đến nay, bài Kim Ngưu quyền đã được tập luyện trong các lớp tập huấn chuyên môn toàn quốc tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam…
Kim Ngưu quyền có 22 câu thiệu gồm 64 chiêu thức, 100 động tác kỹ thuật, mang tính liên hoàn, phối hợp hài hòa giữa đòn thế với nhau. Thế đánh mang hình tượng chiến đấu của con trâu. Khi thi triển bài quyền, có lúc cương, lúc nhu, khi cao, khi thấp, uyển chuyển nhưng dũng mãnh, đặc biệt là các thế lặn hụp, tránh né, sử dụng cùi chỏ để công thủ như đôi sừng trâu, mang tính chiến đấu đặc thù ấn tượng của võ cổ truyền Việt Nam.
Trong kho tàng võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ trâu luôn gợi lên trong tâm trí người luyện võ một ấn tượng sâu sắc về quá khứ hào hùng, truyền thống thượng võ chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chính vì vậy, võ trâu cần được lưu truyền cho thế hệ mai sau.