Nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức", dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Đặc biệt, năm 2020 là năm khó khăn nhất nhưng cũng là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ qua, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương năm 2020. (Nguồn: TTXVN) |
Những quyết sách quan trọng
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng được thể hiện rõ nét thông qua các cương lĩnh, chiến lược và văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII. Cùng với đó, một loạt quyết sách quan trọng khác cũng đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành nhằm phát triển đất nước trong đó có lĩnh vực kinh tế.
Quyết tâm phát triển kinh tế cũng được thể hiện qua một loạt các văn bản được Đảng ta ban hành. Ngay trong Nghị quyết của Đại hội XII đã đặt mục tiêu tổng quát là phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân…
Tiếp đến, Trung ương đã ban hành một loạt các Nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; Nghị quyết số 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Những nghị quyết này thể hiện sự đột phá về tư duy và tầm nhìn, góp phần không nhỏ vào tháo gỡ khó khăn, nút thắt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia và huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Trong các ưu tiên của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được đặt lên là hàng đầu. Chính phủ xác định: Đây là nhiệm vụ trọng tâm để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện các loại thị trường. Qua đó, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; hình thành hệ thống thể chế có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh.
Theo đó, trong 5 năm qua, nhiều "điểm nghẽn" về thể chế đã được Chính phủ phát hiện, xử lý. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh được tháo gỡ. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Năm 2016, xoá bỏ hàng nghìn giấy phép con. Năm 2018, cắt giảm, đơn giản hoá hơn 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Nhờ đó, Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh theo các bảng xếp hạng toàn cầu. Khoảng cách điểm số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta so với nhóm các nước dẫn dầu ASEAN đang thu hẹp lại.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhiều lần tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương, nhằm đưa ra những định hướng, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
TheoTGVN