Qua đó đã giúp giờ học về văn hóa dân tộc tại các trường học ở Điện Biên trở nên cuốn hút…
Học mà chơi
Giờ học môn Giáo dục địa phương của cô và trò lớp 10C, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên diễn ra đầy sôi nổi, hào hứng. Lớp học được chia thành 5 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm chuẩn bị sẵn bài thuyết trình, thể hiện quan điểm, hiểu biết về chiếc áo cóm của dân tộc Thái.
Cũng như các bạn trong lớp, Lò Thị Kiều Oanh bày tỏ sự háo hức với giờ học. Oanh tâm sự, là người Thái nên em tự tin với sự chuẩn bị cũng như phần thuyết trình của mình. Từ việc thiết kế, lên kế hoạch và xây dựng bài viết đều phát huy trí tuệ tập thể.
“Để có sự chuẩn bị tốt nhất, chúng em đã trao đổi, tìm hiểu và chắt lọc thông tin từ chính các bà, mẹ của mình về nguồn gốc, cách làm ra chiếc áo cóm; nét đặc trưng và điểm nổi bật nhất trên bộ trang phục. Việc hoàn thành bài học đã giúp em hiểu hơn giá trị và tự hào với nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình”, Oanh bộc bạch.
Còn tại Trường Tiểu học Quài Tở (huyện Tuần Giáo), giờ học trải nghiệm với chủ đề “Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc” diễn ra mới đây cũng để lại nhiều ấn tượng. Không chỉ có cô và trò như thường lệ, hoạt động đã thu hút sự tham gia của đông đảo phụ huynh cùng đại diện lãnh đạo địa phương.
Theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Cậy, giờ học đã thành công với việc mang lại giá trị kép. Vừa tạo không gian học tập sống động, hiệu quả, song mục tiêu lớn hơn là giáo dục học sinh về văn hóa truyền thống dân tộc vùng Tây Bắc.
Thu hút và hấp dẫn nhất là trải nghiệm các công đoạn làm ra một quả còn. Học sinh được chia theo khối lớp, mỗi lớp phụ trách một công đoạn. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh, các em trực tiếp hoàn thiện sản phẩm. Sau đó dùng sản phẩm của mình để tham gia trò chơi ném còn.
“Một số em lần đầu tiên được thực hành và hiểu cách làm ra một quả còn. Có phụ huynh chia sẻ chưa bao giờ có dịp cùng con chơi ném còn vui đến thế. Đặc biệt, chúng tôi thấy rõ sự hào hứng trên khuôn mặt của cả học sinh và phụ huynh. Khi các em hứng thú, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn”, cô Cậy bộc bạch.
Cũng theo cô Cậy chia sẻ, liên quan đến công tác tổ chức nên những hoạt động như thế này không diễn ra thường xuyên. Song nhà trường luôn nỗ lực để lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa. Vừa tạo không gian học mà chơi, vừa giáo dục truyền thống và tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh.
Cô trò lớp 10C, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên trong giờ học về “Nét đẹp áo cóm dân tộc Thái”. |
Đa dạng nguồn học liệu
Đưa văn hóa dân tộc vào trường học là chủ trương chung được ngành Giáo dục Điện Biên quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều năm qua. Với mỗi vùng miền, khu vực có cách triển khai, tổ chức và việc làm cụ thể. Bên cạnh giờ học chính khóa, những nét văn hóa dân tộc tiêu biểu còn xuất hiện thường xuyên, liên tục tại giờ ra chơi và hoạt động ngoại khóa.
Tại Trường Tiểu học Nậm Cản, thị xã Mường Lay, từ lâu cứ mỗi thứ 6 hàng tuần, học sinh đều mặc trang phục truyền thống đến trường. Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: Học sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau, song chủ yếu là người Thái (ngành Thái trắng) nên đây là nét văn hóa đặc trưng thể hiện rõ nét nhất.
“Học sinh tiểu học là độ tuổi quan trọng trong việc hình thành tư duy, nhận thức. Chính vì vậy, nhà trường chú trọng công tác giáo dục văn hóa truyền thống cho các em. Nhiệm vụ này được chúng tôi lồng ghép cho phù hợp với điều kiện thực tế; tạo điều kiện để học sinh được tiếp xúc, trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống, từ trang phục, trò chơi dân gian đến lễ hội…”, cô Thu chia sẻ.
Hàng năm, nhà trường đều tổ chức cuộc thi trò chơi dân gian giữa các lớp vào ngày lễ, tết, khai giảng hoặc lồng ghép trong hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, hoạt động thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh tham gia; hưởng ứng nhiệt tình nhất là hội chợ, cuộc thi bài trí không gian Tết…
“Các hội thi này có đánh giá, chấm điểm để khích lệ trò. Để phát huy sức sáng tạo, mỗi lớp, khối lớp sẽ bài trí một không gian riêng, tái hiện lại khung cảnh ngày xưa. Tại đây, nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền được giới thiệu, như: Trang phục truyền thống, thực phẩm, nông cụ, đặc sản địa phương…”, cô Thu cho hay.
Đặc biệt, để văn hóa dân tộc thực sự đi vào trường học và phát huy hiệu quả, sở GD&ĐT đã xuất bản cuốn sách “Tài liệu giáo dục địa phương”. Theo cô Lê Thị Quý, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên, đây chính là nguồn học liệu sống động mang đầy đủ giá trị về lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa dân gian của vùng miền.
“Nhà trường và mỗi giáo viên dựa trên tài liệu này để tổ chức lồng ghép vào môn học chính. Không chỉ giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương, tài liệu còn giúp học sinh có góc nhìn đa dạng, đầy đủ hơn giá trị văn hóa các dân tộc thông qua lễ hội, di sản, ngành nghề truyền thống… mang đậm bản sắc. Thông qua đó, các em có góc nhìn sâu, thực tế hơn để ứng xử văn minh hơn với văn hóa dân tộc”, cô Quý tâm sự.
Theo giaoducthoidai.vn