Hà Nội hỗ trợ 700.000 – 3 triệu cho đồng lao động mất việc, giảm giờ làm
Người lao động tại Hà Nội bị giảm giờ làm, mất việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng sẽ được hỗ trợ mức từ 700.000 – 3.000.000 đồng…
Ảnh minh họa.
Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do thiếu việc làm, mất việc làm trong doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, đơn vị này đã lên kế hoạch triển khai hỗ trợ cho 1.481 trường hợp với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố đang triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 06/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn về hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng với mức tiền từ 700.000 – 3.000.000 đồng.
Các đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn gồm: Đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022; các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022 bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023; công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Cụ thể, người lao động bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc nếu là đoàn viên hoặc không là đoàn viên nhưng là nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, đang mang thai, đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người; lao động không là đoàn viên mức 700.000 đồng/người.
Điều kiện là bị giảm thời gian làm việc hàng ngày hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng hoặc bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên. Thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 38 (vùng I: 4.680.000đ/tháng; vùng II: 4.160.000đ/tháng). Ngoài ra, có thời gian bị giảm giờ làm việc, ngừng việc từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023.
Đối với lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, mức hỗ trợ là 2.000.000 đồng/người, trường hợp không là đoàn viên mức 1.400.000 đồng/người.
Người lao động được hỗ trợ khi có các điều kiện như: Tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên; thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023; thời điểm bắt đầu tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023.
Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022 bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/người; người lao động không là đoàn viên mức 2.100.000 đồng/người.
Điều kiện hỗ trợ là bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; bị xử lý kỷ luật sa thải; thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Lao động mất việc làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh – N.Dương.
Liên đoàn Lao động Hà Nội lưu ý, với mỗi trường hợp, người lao động được chi trả hỗ trợ một lần. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.
Trường hợp đã được hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn, thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 mức hỗ trợ. Tổng số tiền mà đoàn viên, người lao động hưởng hỗ trợ tối đa bằng mức hỗ trợ của chính sách cao nhất.
Ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội nhận định, dự kiến tình hình kinh tế, xã hội trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, vì vậy người lao động không tránh khỏi những ảnh hưởng đến đời sống, việc làm. Do đó, công đoàn cơ sở phải linh hoạt nắm bắt thực tiễn, dự báo sớm tình hình và quan hệ lao động, từ đó có cơ sở để tham mưu tốt, kịp thời trong công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Ngoài hỗ trợ tiền mặt, giải pháp tạo việc làm cho người lao động cũng được tính đến. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, phần lớn người lao động mất việc cuối năm ngoái khi đã cận Tết, nên thực tế để tìm được một công việc phù hợp tại thời điểm đó là rất khó.
Vì vậy, hiện nay nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động đang khá nhiều, căn cứ các đơn hàng tuyển dụng của doanh nghiệp, trung tâm sẽ cung cấp thông tin về những vị trí việc làm trống, để hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường.
Theo Vneconomy