Hình ảnh Chuột trong tranh dân gian Đông Hồ
( Nguồn Việt) Trong nền văn minh Lúa nước vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có rất ít loài vật được lựa chọn đưa vào tranh. Đa phần , những con vật được đưa vào tranh Đông Hồ thường gắn liền với đời sống nông thôn Việt Nam như : Lợn, gà, cá ….
Đám cưới Chuột - Tranh Đông Hồ
Chuột dù gây hại cho cuộc sống sản xuất nông nghiệp bất ngờ được xuất hiện trong tranh Đông Hồ với tác phẩm Đám cưới Chuột. Phải chăng, chuột luôn hiện hữu song hành trong đời sống của người nông dân Việt Nam.
Hình ảnh 12 chú chuột với những sắc thái tình cảm khác nhau dường như những hình ảnh ẩn dụ của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Sự ra đời của bức tranh làng Đông Hồ cách đây khoảng 400 năm, phản ánh phần nào thực trạng nông thôn Việt Nam. Bức tranh đặc tả một con mèo tai to mặt lớn và 12 chú chuột, đủ để toát lên mối quan hệ xã hội trong nông thôn Việt Nam ngày đó.
Con mèo to, chiếm chọn một phần tư bức tranh, đại diện tầng lớp thống trị thời phong kiến. 12 chú chuột bé loắt choắt, rải rác đều trong khắp bức tranh Đông Hồ, như hình ảnh những người nông dân nhỏ bé, lam lũ, chân chất và đầy yếm thế trong xã hội.
Hình ảnh trong tranh gồm hai tuyến hình ảnh đầy khác biệt nhưng gộp nên một bức tranh hoàn hảo về ý nghĩa.
Phần trên của bức tranh gồm 4 chú chuột, xếp thành một hàng dọc ngay ngắn đứng trước mặt ông quan Mèo mặt to ngồi bảnh chọe. Chú chuột đứng đầu khúm núm, cong lưng, cúp đuôi, hai tay kính cẩn dâng lễ vật cho quan Mèo.
Chú chuột thứ hai cũng khom lưng xách cá dâng cho Mèo. Cả hai chú chuột đều nhìn Mèo đầy sợ sệt.
Hai con chuột trẻ hơn thổi kèn đứng cuối hàng, có vẻ bạo dạn một chút do được đứng ở xa ông Mèo. Dù vậy trong ánh mặt hai con chuột thổi kèn vẫn toát lên vẻ nhớn nhác sợ hãi.
Họ Chuột đi lễ Mèo, vẫn khôn ngoan nhận ra bàn tay Mèo chìa ra đớp lễ cùng ánh mắt cười cười trên bộ mặt đầy hăm dọa của ông quan Mèo.
Chỉ cần nhìn nửa trên của bức tranh, cũng đủ biết giao dịch mua bán sự bình yên cho đám cưới chuột đã thành công trót lọt.
Sự thành công của phần trên tạo nên một khung cảnh hoạt náo vui tươi cho phần dưới bức tranh Đám cưới chuột.
Hàng dưới, chú rể Chuột cưỡi ngựa đội mũ cánh chuồn, biểu tượng cho việc đỗ đạt vinh hiển, dẫn đầu đoàn rước dâu. Sát ngay phía sau chuột chú rể, hai chú chuột khác, một che lọng, một rước biển “ Nghinh hôn “ tạo nên một không khí vừa nghiêm cẩn, vừa vui nhộn của đám cưới vùng nông thôn Bắc bộ.
Nhân vật chính của buổi lễ, cô dâu chuột với bộ dạng hý hớn ngồi trong kiệu như đang háo hức với buổi lễ “ Đưa nàng về dinh “.
Bốn chú chuột khiêng kiệu với mầu lông khác nhau, hướng nhìn khác khác nhau tạo nên cảm giác động cho bức tranh Đám cưới chuột.
Các nghệ nhân làng Đông hồ xưa dùng gam mầu đỏ, vàng , xanh tươi tắn trên nền giấy dó, khắc họa nên không gian tươi vui cho bức tranh. Với ô, lọng, kiệu, cờ phướn và kèn cùng đoàn rước dâu vui vẻ, bức tranh gần như đặc tả lại những nét chính trong đám cưới ngày xưa. Đám cưới luôn được coi như một dạng lễ hội thu nhỏ của cộng đồng dân cư vùng nông nghiệp trong đơn vị hành chính nhỏ như làng, thôn, ấp.
Thông qua bức tranh Đám cưới chuột, những tác giả dân gian gián tiếp phản ảnh mối quan hệ giữa tầng lớp thống trị (hình ảnh ông Mèo ) và tầng lớp bị trị (đàn Chuột ). Tính châm biếm sâu xa thể hiện rõ trong cảnh ông Mèo oai nghiêm vẫn thò tay nhận hối lộ. Đàn chuột dù phận hèn sức mọn phải cống nạp, nhưng vẫn rất láu lỉnh cảnh giác đối phó.
Tính âm dương, sự kết hợp của các mảng đối lập thể hiện rất minh triết trong bố cục bức tranh. Trong bề dày lịch sử khoảng 400 năm tồn tại, bức tranh được các nghệ nhân làng nghề tranh Đông hồ của các đời đã gạn đục khơi trong, chắt lọc hết những chi tiết rườm rà mang đến những thông điệp phụ.
Tổng hòa của bức tranh Đám cưới Chuột mang đến cho chúng ta cảm giác bình yên trong thế cân bằng động. Thế cân bằng giữa kẻ yếu và kẻ mạnh , cả hai bên đều cần phải biết lựa nhau cùng tồn tại.
Thông điệp sâu xa, biết nhìn nhìn nhau mà sống, của các cụ xưa truyền cho chúng tay ngày nay ắt hẳn còn nguyên giá trị trong ngày đầu xuân năm Canh Tý.