Làng nghề nhộn nhịp vào vụ Tết
Thời điểm hiện tại, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… của Thủ đô đang nhộn nhịp, tất bật với việc bảo đảm các đơn đặt hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19, nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề đã chủ động điều tiết sản xuất hàng hóa, tăng cường hoạt động kết nối để vừa bảo đảm nguồn hàng cho thị trường, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Tập trung đẩy mạnh sản xuất
Những ngày này, làng nghề giò chả Ước Lễ, xã Ước Lễ (huyện Thanh Oai) nhộn nhịp suốt ngày đêm. Ông Nguyễn Đức Bình - một trong những người làm nghề có tiếng trong làng, cho biết, hiện các hộ làm nghề giò chả ở Ước Lễ đang hoạt động hết công suất để hoàn thành những đơn hàng giao cho các siêu thị, nhà hàng ở Hà Nội và các địa phương khác. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các hộ dân làm giò chả nhận đặt hàng qua kênh bán hàng trực tuyến; đồng thời chủ động bố trí nhân công làm việc luân phiên.
Theo Chủ tịch UBND xã Ước Lễ Nguyễn Anh Minh, trên địa bàn xã hiện có gần 500 hộ dân làm giò chả và cứ vào dịp cuối năm, làng nghề lại tất bật. Hiện tại, nhu cầu thị trường tương đối ổn định, có khả năng tăng cao hơn vào những ngày giáp Tết. Để bảo đảm hoạt động của làng nghề, xã đã hướng dẫn và tổ chức giám sát các hộ sản xuất trong việc tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm.
Làng nghề làm miến dong - làng So thuộc xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) cũng đang rất nhộn nhịp. Trên các cánh đồng của làng So đều được phủ trắng những giàn phơi miến. Anh Vương Đình Bắc chia sẻ: "Hiện cơ sở sản xuất của gia đình tôi có hơn 20 lao động làm việc cho vụ miến Tết. Năm nay, dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm miến. Hiện công suất làm miến của gia đình tôi đạt 4 tấn miến/ngày, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng 6-8 tấn/ngày".
Không chỉ làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, các làng nghề thủ công mỹ nghệ cũng nhộn nhịp vào vụ sản xuất dịp Tết. Ông Nguyễn Nghĩa, ở thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) cho hay: "Thời điểm này, xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình tôi đang hoạt động hết công suất để đáp ứng được các đơn hàng, do dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm bàn ghế, tượng gỗ… tăng cao".
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong số 318 làng nghề được thành phố công nhận hiện có 66 làng nghề chế biến nông sản; 23 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 12 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh… Cuối năm là thời điểm các làng nghề tập trung đẩy mạnh sản xuất để cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán.
Kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế nông thôn, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, các làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn Thủ đô đều có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu, trong đó, hơn 100 làng nghề đạt doanh thu bình quân 10-20 tỷ đồng/năm/làng nghề; gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20-50 tỷ đồng/năm/làng nghề và khoảng 20 làng nghề có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm/làng nghề. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, dịp cuối năm, hầu hết làng nghề đều tăng công suất gấp 2-3 lần so với những tháng trước đó, đặc biệt là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm… Trong dịp Tết Nguyên đán, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương, các quận, huyện mở nhiều điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, để giúp các làng nghề tiêu thụ sản phẩm, từ tháng 11-2021, huyện đã tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm và đang tích cực chuẩn bị để mở các điểm bán hàng, hội chợ... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện đã mở một số hội chợ xuân tại các xã có nghề trên địa bàn, mặc dù quy mô không lớn nhằm bảo đảm phòng, chống dịch song hàng hóa đa dạng, qua đó hỗ trợ các làng nghề tiêu thụ sản phẩm.
Ở góc độ cơ sở sản xuất, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh ở làng nghề đã chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các kênh khác nhau. Ông Nguyễn Đức Bình, chủ hộ sản xuất giò chả tại xã Ước Lễ (huyện Thanh Oai) cho biết: “Gia đình tôi đã chủ động lập trang bán hàng trực tuyến nên hầu hết các đơn hàng được đặt online. Nhiều siêu thị, cửa hàng cũng thu mua theo hình thức đặt hàng trên mạng nên chúng tôi vừa chủ động trong sản xuất, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo hanoimoi.com.vn