Người bệnh viêm gan nên ăn gì?
Tôi mới được chẩn đoán bị viêm gan. Xin hỏi bác sĩ tôi cần lưu ý gì trong chế độ dinh dưỡng để bệnh không tiến triển nặng hơn?
BS.TS Trịnh Văn Sơn, khoa Bệnh lây đường máu (A4A), Viện Lâm Sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Bệnh nhân viêm gan mạn tính nhưng chưa có biểu hiện xơ gan, không cần chế độ ăn đặc biệt. Hãy cố gắng lựa chọn thức ăn tốt cho gan và sức khỏe nói chung.
Một số thực phẩm cần lưu ý bao gồm:
Trái cây và rau củ: Tiêu thụ những thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp bạn giảm lượng thức ăn kém lành mạnh hơn như thịt mỡ hoặc đồ ngọt. Các nghiên cứu cho thấy rau xanh có lợi ích làm giảm thành phần acid béo trong gan, giúp bảo vệ gan.
Ngũ cốc: Thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc bao gồm bánh mì, mì ống, gạo và yến mạch. Các hướng dẫn về chế độ ăn uống đề xuất rằng ít nhất một nửa số ngũ cốc bạn tiêu thụ là ngũ cốc nguyên hạt, thay vì ngũ cốc tinh chế (chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo trắng hoặc mì ống trắng). Ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng lượng protein của bạn, duy trì lượng cơ bắp phù hợp.
Protein: Tiêu thụ đúng lượng protein là điều quan trọng khi bạn bị viêm gan mạn tính. Ăn đủ chất đạm có thể giúp bạn tránh bị suy dinh dưỡng và suy giảm cơ bắp. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều protein có thể dẫn đến các biến chứng như tăng khả năng tiến triển bệnh não gan.
Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên tiêu thụ từ 1 đến 1,5 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Một trong những vấn đề quan trọng là cung cấp loại protein mà cơ thể cần, chúng có trong các thực phẩm như: Các loại đậu (đậu tương, đậu hà lan, đậu phộng ….), sữa ít béo, sữa chua, phô mai, sữa đậu nành, cá, thịt gia cầm, thịt nạc, trứng và đậu phụ.
Chất béo: Bạn nên tiêu thụ ít hơn 10% calo mỗi ngày từ chất béo bão hòa và loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa. Các chuyên gia gợi ý rằng bạn nên thay thế cả hai loại này bằng chất béo lành mạnh hơn. Chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa. Chất béo chuyển hóa (dầu hydro hóa một phần) có thể tìm thấy chúng trong một số thực phẩm như đồ ăn nhanh chiên hoặc đồ nướng đã qua chế biến.
Glucose: Các hướng dẫn dinh dưỡng khuyến nghị bạn nên tiêu thụ ít hơn 10% calo mỗi ngày từ đường bổ sung, thường được tìm thấy trong nước ngọt có đường, đồ uống nước trái cây và món ăn có đường khác. Những người bị viêm gan nên đặc biệt lưu ý để chỉ tiêu thụ đường ở mức độ vừa phải. Viêm gan có liên quan việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và giảm lượng đường bổ sung có thể giúp giảm nguy cơ này.
Thực phẩm có hàm lượng sắt cao: Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và bài tiết sắt. Một số người bị viêm gan mạn tính không thể thải sắt ra khỏi cơ thể và có thể bị ứ sắt, làm tăng nguy cơ tổn thương mô trong gan. Vì vậy, những người bị viêm gan mạn tính có thể cần giảm lượng thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn uống của họ.
Những thực phẩm này bao gồm thịt đỏ, gan, hàu, đậu lăng, mơ và ngũ cốc tăng cường chất sắt. Tuy nhiên, sắt là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của bạn, vì vậy không nên cắt bỏ hoàn toàn. Điều quan trọng cần lưu ý là vitamin C làm tăng sự hấp thụ sắt từ thực phẩm.
Cà phê: Nếu bạn là người thích uống trà hoặc cà phê, không cần thiết phải thay đổi thói quen đó. Chúng không có hại với gan. Một vài nghiên cứu chỉ ra là chúng có thể có tác dụng bảo vệ gan. Tuy nhiên, các bằng chứng không đủ mạnh để khuyến cáo với những người không có thói quen dùng đồ uống trên.
Đồ uống có cồn: Đồ uống có cồn có thể làm tổn thương gan và làm cho tình trạng viêm gan trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, để an toàn, bạn không nên uống rượu, bia và đồ uống có cồn.
Độc giả Đỗ Huệ