Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Ổ dịch mới trong hai ngõ nhỏ Hà Nội

Ngày 27 Tháng 08, 2021

Trong bốn ngày, 110 ca nhiễm được phát hiện tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân - hình thành ổ dịch mới.

Ngày 26/8, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đánh giá hai con ngõ này là khu dân cư cũ, mật độ dân số rất đông, nên bị lây nhiễm nhiều. Ổ dịch này được phát hiện muộn dẫn đến số ca mắc lớn, hiện đã phong tỏa nhưng diễn biến vẫn phức tạp.

Sở Y tế Hà Nội hôm qua đã đề nghị quận Thanh Xuân tăng cường lực lượng, bố trí chốt trực ở các ngách trong khu phong tỏa ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi. Quận thành lập ít nhất 15 tổ giám sát Covid-19 để thực hiện kiểm soát, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày một lần để nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng.

Trưa 26/8, Hà Nội ghi nhận thêm ổ dịch mới ở Giáp Bát, Hoàng Mai với 12 ca, có liên quan TP HCM. Hiện chưa có đánh giá, nhận định nào được CDC đưa ra về ổ dịch này.

Ngoài ra, Hà Nội còn một số ổ dịch lớn đang lây nhiễm, gồm: ổ dịch ở quận Đống Đa phát hiện những ca bệnh đầu tiên từ đầu tháng 8, đến nay khoảng 300 ca nhiễm; ổ dịch tại tòa nhà HH4C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phát hiện ngày 8/8; hiện ghi nhận 43 ca nhiễm.

Theo ông Tuấn, những ổ dịch này có sự tương đồng là khu đông dân cư, ngõ ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc lớn. Đây cũng là yếu tố gây lây nhiễm nhiều. "Để chống dịch tốt thì quan trọng là người dân đã tiếp xúc với các trường hợp dương tính phải tự giác khai báo để tiếp tục truy vết, khoanh vùng chặn dịch", ông Tuấn nói.

Chốt cách ly ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, trưa 24/8. Ảnh:Tất Định.

Chốt cách ly ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, trưa 24/8. Ảnh:Tất Định.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (nguyên Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tổng kết một số cụm dịch thời gian có chỉ số lây nhiễm khá cao, trung bình một F0 lây nhiễm cho 10-15 người. Điều này cho thấy việc tuân thủ giãn cách trong mỗi khu chung cư, mỗi ngõ ngách, mỗi gia đình chưa tốt; việc áp dụng phong tỏa mỗi khi phát hiện ca bệnh chưa tức thì, chưa kể "F0 vẫn còn lẩn khuất đâu đó ngoài cộng đồng".

"Hà Nội cần khắc phục tình trạng ngoài xanh trong đỏ. Nếu hôm nay phát hiện F0 là phải phong tỏa ngay, để đến hôm sau mới làm là đã muộn", ông Hùng nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại TP Hà Nội luôn rất lớn. Một số ca tìm được trong cộng đồng mới đây xét nghiệm tải lượng virus CT trên 30. "Điều này đồng nghĩa với việc họ đã mắc bệnh từ nhiều ngày và có thể đã lây cho nhiều người", ông nhận xét.

Ngoài ra, ông Nga cho rằng lây nhiễm trong gia đình là nguy cơ lớn. Một người đi ra ngoài, về nhà có thể là nguồn lây nhiễm, biến gia đình thành "ổ ấp virus". Do đó, mọi người dân nên hạn chế đi lại. Trong trường hợp bắt buộc đi ra ngoài phải mang khẩu trang, rửa tay. Khi về nhà nên tắm, rửa, thay quần áo trước khi tiếp xúc với mọi người. Tiếp tục tuân thủ giãn cách, nhà cách ly với nhà, để chặn được đường lây truyền của virus.

Một số chốt phòng dịch có tình trạng ùn ứ, xếp hàng, là nơi có nguy cơ lây truyền dịch bệnh rất lớn. Khu vực này cần tăng cường các biện pháp chống dịch, tránh để ùn tắc. Thành phố đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhóm có yếu tố nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền. "Hà Nội cũng phải có phương án ứng phó tình huống dịch bùng phát như TP HCM để không bị động về nhân lực và phương tiện, đặc biệt là nguồn oxy, máy thở", ông Nga nhấn mạnh.
Theo vnexpress.net