Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Tình hình COVID-19 ngày 1/11: Hà Nội công bố phân cấp dịch, đồng ý cho học sinh 18 quận huyện tới trường

Ngày 02 Tháng 11, 2021

Thông tin được quan tâm nhiều nhất trong ngày 1/11 về tình hình dịch COVID-19 trong nước, là việc mở cửa trường học trở lại. TP Hà Nội đã đồng ý cho một bộ phận học sinh được đi học trực tiếp. Bên cạnh đó là thông tin số nhiễm mới tiếp tục tăng trên cả nước.

Số trường hợp nhiễm mới trong nước vẫn tăng

Tính từ 16 giờ ngày 31/10 đến 16 giờ ngày 1/11, Việt Nam ghi nhận 5.598 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Kiên Giang có số mắc trong ngày tăng cao nhất.

Trong các ca nhiễm mới, có 3 ca nhập cảnh và 5.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 91 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 2.321 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Kiên Giang (tăng 174 ca), Tây Ninh (tăng 47 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 45 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 4.871 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 923.451 ca nhiễm. Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 921.881 ca, trong đó có 819.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Từ 17 giờ 30 ngày 31/10 đến 17 giờ 30 ngày 1/11, cả nước ghi nhận 52 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.135 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội thêm 52 ca F0, thông báo đánh giá cấp độ dịch

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 31/10 đến 18 giờ ngày 1/11, Hà Nội ghi nhận 57 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó có 8 ca cộng đồng, 33 ca trong khu cách ly, và 6 ca trong khu phong tỏa.

Kiểm soát dịch COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Các ca nhiễm mới phân bố tại các quận, huyện: Mê Linh (18 ca), Hoàng Mai (11 ca), Hà Đông (8 ca), Hoài Đức (8 ca), Gia Lâm (2 ca), Quốc Oai (2 ca), Long Biên (2 ca), Đống Đa (1 ca), Nam Từ Liêm (1 ca), Ứng Hòa (1 ca), Ba Đình (1 ca), Cầu Giấy (1 ca), Sơn Tây (1 ca).

Đặc biệt, trong số các ca nhiễm mới, có 4 ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt. Trong 4 ca này, có 2 mẹ con được phát hiện khi đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 1 bệnh nhi (sinh năm 2019) được phát hiện khi ho sốt, xét nghiệm tại Phường phát hiện dương tính SARS-CoV-2.

Cũng trong ngày 1/11, UBND thành phố Hà Nội ra thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố (cập nhật 18 giờ ngày 28/10/2021).

Nhân viên Trung tâm Y tế quận Đống Đa dùng loa đọc tên từng người vào lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN

Cụ thể, thành phố Hà Nội thuộc cấp độ 2; 30/30 quận/huyện/thị xã cấp độ 2; 332 xã/phường cấp độ 1 và 245 xã/phường cấp độ 2, hai xã/phường cấp độ 3.

Việc đánh giá này được thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ - CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Hai Bộ phối hợp để đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học

Chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến việc tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại.

Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng thống nhất cho rằng: Việc học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng. Do đó, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.

Hai Bộ trưởng đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp; tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng, chống dịch COVID-19.

Một bộ phận học sinh Hà Nội sẽ trở lại trường từ ngày 8/11

Ngày 1/11, UBND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương cho học sinh được đến trường, ưu tiên các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; riêng cấp học mầm non vẫn nghỉ tại nhà; giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Thời điểm học sinh được đến trường là từ ngày 8/11/2021.

Với hình thức học trực tiếp: Hà Nội ưu tiên cho các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp. Cụ thể: cấp Tiểu học khối lớp 5; cấp Trung học Cơ sở khối lớp 6 và lớp 9; cấp Trung học Phổ thông khối lớp 10 và lớp 12. Các khối còn lại học trực tuyến. Riêng cấp học mầm non vẫn phải nghỉ ở nhà.

Các trường được phép đón học sinh trở lại tại các đơn vị xã/phường/thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày (tính đến thời điểm 8/11/2021) không có các ca F0 trong cộng đồng. Những trường có học sinh trên nhiều địa bàn khác nhau thì nhà trường phải xác định nắm rõ thông tin của các học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi học sinh cư trú.

Trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế Hà Nội; có phương án bảo đảm giãn cách, giảm sĩ số học sinh/buổi dạy.

Đặc biệt, giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng chống COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.

Học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh: “Một cung đường, hai điếm đến”; phụ huynh học sinh bảo đảm tiêm vaccine ít nhất 1 mũi đạt trên 90%.

Trường học không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Chỉ tố chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày, tổ chức dạy học luân phiên đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh; kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý với những nội dung giảng dạy, đạt hiệu quả cao nhất.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, tại địa phương, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện/thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương báo cáo tình hình dạy học trực tiếp

Trong ngày 1/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 4983/BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, nhằm thúc đẩy mở cửa trường học và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo báo cáo tiến độ và kết quả triển khai hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp quận/huyện tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với ngành giáo dục địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước mắt, đề nghị các địa phương báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Các địa phương chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lên phương án, kịch bản xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra trong trường học; kiện toàn, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục đều có nhân viên y tế trực, có đầu mối cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục và cùng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch.

Hà Nội: Lễ cưới không quá 30 người, phòng tập thể thao giảm 50% công suất

Theo kế hoạch mới được ban hành, TP Hà Nội vẫn cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ quán rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ nhưng phải đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày; áp dụng phòng dịch mức độ cấp 2 trên toàn thành phố.

Theo đó, các biện pháp hành chính áp dụng chung cho toàn Thành phố tương ứng cấp độ dịch cấp 2. Tuy nhiên, có một số địa bàn xã, phường áp dụng cấp độ 3, 4.

Cơ quan, công sở hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp. Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống được phép hoạt động.

Vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, trò chơi điện tử, bán hàng rong, vé số dạo... vẫn ngưng hoạt động.

Hoạt động dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm đẹp cần phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch COVID-19; chủ cơ sở và nhân viên được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19.

Đối với bảo tàng, triển lãm, thư viện phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19; Mỗi đoàn không quá 10 người; Cán bộ, nhân viên phục vụ được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19.

Đối với các hoạt động tập trung đông người, TP Hà Nội yêu cầu hoạt động tập luyện thể dục, thể thao trong nhà giảm quy mô phòng tập (công suất tối đa 50% và không quá 30 người trong cùng thời điểm); hàng ngày cơ sở cung ứng dịch vụ phải thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trang thiết bị. Người hướng dẫn, người tham gia hoạt động tập luyện thể dục thể thao đáp ứng điều kiện đã được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19...

Đối với các tổ chức có hình thức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời, TP Hà Nội yêu cầu phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, các điều kiện về chuyên môn như cần đáp ứng như vaccine, xét nghiệm do Bộ Y tế hướng dẫn. Địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định về số lượng người tham gia.

Với các hoạt động tập thể trên 30 người, TP Hà Nội khuyến khích thực hiện trực tuyến; trong trường hợp tổ chức trực tiếp phải xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch và xin phép chính quyền địa phương và thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế.

Đặc biệt, 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Với các hoạt động dưới 30 người, TP Hà Nội vẫn khuyến khích thực hiện trực tuyến, trong trường hợp thực hiện bằng hình thức trực tiếp cần tuân thủ như quy định của các hoạt động trên 30 người.

Lễ cưới không quá 30 người/thời điểm; phải tuân thủ 5K trong quá trình tham dự; luôn giữ khoảng cách giữa các bàn, người giữa các bàn không tiếp xúc gần với nhau; gia đình không thực hiện chúc mừng tại từng bàn. Ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương.

Rút ngắn tối đa thời gian tổ chức lễ cưới, địa điểm tổ chức lễ cưới: đảm bảo thông thoáng, tăng cường thông khí, hạn chế sử dụng điều hòa.

Hoạt động tang lễ với người tử vong do nhiễm/nghi nhiễm COVID-19 (tại cộng đồng): thực hiện theo văn bản số 2233/QĐ-BCĐQG ngày 29/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Theo baotintuc.vn