Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Ngày 14 Tháng 12, 2020
Năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ chính thức rời bỏ Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), động thái nhằm phục vụ chính sách “Nước Mỹ trên hết”.


Quyết định rút khỏi UNESCO thực chất là nhằm phục vụ cho chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

Câu hỏi đặt ra là nếu đắc cử liệu ông Biden có đưa nước Mỹ trở lại UNESCO, cũng như giành lại vị thế lãnh đạo quốc tế như trước hay không?

UNESCO được thành lập vào ngày 16/11/1945 với mục tiêu đóng góp cho hòa bình và an ninh. Sự hợp tác giữa các quốc gia thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa vẫn là nền tảng của một trật tự thế giới hòa bình. Ngay từ những ngày đầu thành lập, người Mỹ đã đóng vai trò quan trọng cho hoạt động của UNESCO.

Archibald MacLeish, thành viên người Mỹ đầu tiên trong ban điều hành của UNESCO, đã viết lời mở đầu cho Hiến chương của UNESCO: “Kể từ khi chiến tranh nảy ra trong tâm trí của nhân loại, thì trong tâm trí của nhân loại cũng hình thành tư tưởng bảo vệ nền hòa bình”.

Mối quan hệ không nồng ấm

Bất chấp những mối liên hệ trong lịch sử, chính phủ Mỹ đã không ít lần tiến hành “chiến tranh lạnh” với UNESCO, nhẹ thì cắt tài trợ, nặng thì rút lui khỏi tư cách thành viên chính thức.

Vào ngày 31/12 năm 2018, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính thức rút khỏi UNESCO. Dù không còn làm thành viên chính thức, Washington vẫn tiếp tục bảo lưu tư cách quan sát viên tại tổ chức này, nhưng sẽ không còn đóng góp tài chính hay được bầu vào cơ quan trọng yếu là Ủy ban Di sản Thế giới.

Vào thời điểm đó, Heather Nauert, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng quyết định rút khỏi UNESCO không hề bị coi nhẹ. “Nó phản ánh mối quan tâm của Mỹ với việc gia tăng các khoản nợ tại UNESCO, nhu cầu cải cách cơ bản trong tổ chức và thành kiến chống Israel tại UNESCO”.

Thế nhưng đây không phải là lần đầu Mỹ rút chân khỏi UNESCO, cũng như không phải lần đầu nước này sử dụng những lý lẽ trên.

Mỹ có quay trở lại UNESCO? ảnh 2

Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel là nguyên nhân cho những lần nước Mỹ rời khỏi UNESCO. Nguồn: AFP

Vào tháng 12/1983, chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đã tuyên bố quyết định rút khỏi tổ chức của Liên hợp quốc với lập luận sau: “UNESCO đã chính trị hóa hầu như mọi chủ đề mà tổ chức này đề cập đến. Nó đã thể hiện sự thù địch đối với một xã hội tự do, đặc biệt là thị trường tự do và báo chí tự do, và nó đã để lộ việc mở rộng ngân sách vô độ”.

Ngoài những lý do kể trên, có thể có một nguyên nhân khác khiến Mỹ không coi trọng vai trò của UNESCO trong chính sách đối ngoại như trước. Các chuyên gia kỳ cựu của UNESCO cho rằng nước Mỹ chỉ đơn giản là không có nhiều quyền lực trong tổ chức hoặc cảm thấy tổ chức không còn khả năng tận dụng như khi mới thành lập.

Russell Riley, một nhà sử học về các đời Tổng thống Mỹ tại Đại học Virginia, chỉ ra rằng vào đầu thập niên 90, nước Mỹ đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh, và hàng loạt những lý do khiến Mỹ gia nhập UNESCO đã tan biến. Do đó, Mỹ không quá coi trọng UNESCO cho tới khi chính sách đối ngoại của nước này thay đổi một lần nữa dưới thời Tổng thống George W.Bush vào năm 2002.

Thông báo tái gia nhập UNESCO của chính phủ Mỹ khi đó đã làm nhiều nhà ngoại giao bất ngờ, nhưng động thái này cũng khẳng định cam kết sẵn sàng hợp tác quốc tế của Tổng thống Bush.

Trả lời tờ New York Times, một quan chức của chính phủ Pháp khi đó cho rằng việc Mỹ trở lại làm thành viên của UNESCO là “một quyết định chuẩn xác và là một thông điệp đơn giản và hiệu quả rằng xu hướng hợp tác quốc tế đang trở lại”.

Việc tái gia nhập UNESCO được đánh giá là bước đi nhỏ nhưng mang tính biểu tượng của chính phủ Mỹ để gây ấn tượng với các nhà ngoại giao Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc chiến tại Iraq.

Khoảng trống quyền lực

Cốt lõi của những mâu thuẫn giữa chính phủ Mỹ và UNESCO nằm ở cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Vào tháng 10 năm 2011, UNESCO đã kết nạp các vùng lãnh thổ của Palestine vào tổ chức với tư cách là một quốc gia thành viên độc lập có tên là Palestine.

Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã đáp trả lại bằng cách cắt tài trợ cho bất kỳ tổ chức nào công nhận một nhà nước Palestine độc lập. Hàng năm, chính phủ Mỹ chỉ trả 22% (80 triệu USD) cho ngân sách hoạt động của UNESCO.

Tới năm 2013, sau khi Mỹ không hoàn tất các khoản ngân sách còn nợ cho UNESCO, tổ chức này đã đình chỉ quyền biểu quyết của Mỹ. Do đó, Mỹ đã không còn là thành viên thực sự của UNESCO trong một thời gian.

Mối quan hệ giữa đôi bên đã gần như nguội lạnh cho tới năm 2017, khi UNESCO tuyên bố thị trấn Hebron ở Bờ Tây là di sản thế giới của người Palestine - một động thái mà chính phủ Israel cho rằng phủ nhận các liên kết của người Do Thái với thị trấn và dẫn đến sự rút lui của Israel khỏi UNESCO.

 

Quyết định rời khỏi UNESCO của chính quyền Trump do đó chỉ như một bước công nhận chính thức tình trạng này và tranh thủ ghi điểm trong mắt giới bảo thủ vốn có xu hướng thân Israel và chống Liên hợp quốc, cũng như tranh thủ tiết kiệm một khoản ngân sách.

Mỹ có quay trở lại UNESCO? ảnh 3

Cặp đôi Joe Biden và Kamala Harris được dự đoán sẽ tái lập vai trò lãnh đạo quốc tế. Nguồn: Getty Images.

Richard Gowan, một học giả tại viện nghiên cứu Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, ví von cuộc chia tay của Mỹ và UNESCO “giống như thể một cặp vợ chồng đã sống ly thân trong nhiều năm cuối cùng đã đồng ý ly hôn.”

Trong khi đó, David Bosco, một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Indiana (Mỹ), nhận định: “UNESCO từ trước đó đã làm quen với việc nước Mỹ không còn đóng góp ngân sách, vì vậy hậu quả của việc chính thức rút khỏi tổ chức là rất nhỏ”.

“Mối quan ngại của UNESCO khi đó chỉ là liệu động thái của Mỹ có khiến một số thành viên khác rời khỏi tổ chức hoặc chậm thanh toán chi phí hàng năm. Các tổ chức như UNESCO luôn đấu tranh để các thành viên đóng hội phí đúng hạn trong mọi trường hợp”, ông Bosco chỉ ra.

Tuy nhiên, việc Mỹ để lộ một khoảng trống quyền lực trong UNESCO cũng là cơ hội để các quốc gia khác nhảy vào thế chân để gây sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.

“Các quốc gia không thuộc phương Tây đã là một khối hùng mạnh trong UNESCO, và ảnh hưởng của họ sẽ còn tăng lên nữa sau khi Mỹ rút lui”, ông Gowan nhận định.

Thực tế là việc rút khỏi một tổ chức văn hóa quốc tế khiến Mỹ có cái nhìn xấu đi trong mắt quốc tế, vào thời điểm mà sự ủng hộ của thế giới về nước Mỹ đã rơi tự do, dường như không phải là một mối quan tâm lớn của chính quyền Trump.

“Tổng thống Trump sẽ có cơ hội để tỏ ra cứng rắn trước vấn đề Liên hợp quốc, mặc dù động thái này cũng nằm trong sách lược cắt giảm các khoản chi để tiết kiệm ngân sách”, ông Gowan chỉ ra. “Các quốc gia không thuộc phương Tây như Trung Quốc sẽ nhân cơ hội để tuyên bố rằng đây là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ muốn tách rời khỏi thế  giới và từ đó dần thế chân. Nói một cách lạc quan, đây là một thương vụ có lợi cho các bên”.

Một nước Mỹ rất khác

Trong một bài viết trên trang nhất ngày 10/11, tờ New York Times cho biết ông Joe Biden “không giấu giếm ý định chôn vùi chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của đương kim Tổng thống Donald Trump” nếu đắc cử.

Phyllis Bennis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) có trụ sở tại Washington, cho rằng, nếu đắc cử chắc chắn ông Joe Biden sẽ đảo ngược chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm và tích cực tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc.

Nếu ông Joe Biden chiến thắng, không ít quan chức Liên hợp quốc thở phào nhẹ nhõm và nhanh chóng đăng đàn chúc mừng nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ.

Ngày 9/11, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết ông Guterres đã gửi lời chúc mừng tới bộ đôi liên danh tranh cử của đảng Dân chủ là ông Biden và nữ Thượng nghị sỹ Kamala Harris.

Tổng Thư ký Guterres khẳng định mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Liên hợp quốc là một “trụ cột quan trọng của hợp tác quốc tế,” vốn cần thiết để giải quyết những thách thức nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay kêu gọi ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các thể chế quốc tế, đặc biệt là tổ chức này.

Cụ thể, bà Azoulay nhấn mạnh các thách thức trên toàn cầu hiện nay đòi hỏi nước Mỹ phải “làm mới” các cam kết của mình trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa.

Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về việc ông Biden sẽ hoàn toàn ủng hộ UNESCO bởi ông Biden là một người ủng hộ chính phủ Israel và chính trong nhiệm kỳ ông làm Phó Tổng thống, chính phủ Mỹ đã ngừng chi trả các khoản tài trợ ngân sách cho tổ chức này.

“Đối với UNESCO, dù ông Biden có thể quyết định quay trở lại tổ chức văn hóa của Liên hợp quốc, nhưng không có khả năng đồng ý hoàn trả gần 600 triệu USD chi phí chưa thanh toán mà Washington đã nợ kể từ khi ngừng đóng phí vào năm 2011”, bà Bennis nhận định.

Trong khi đó, tiến sĩ Adams dự đoán chính quyền mới của Mỹ sẽ tái tham gia một cách có hệ thống với hệ thống đa phương, thay vì tìm cách làm suy yếu, rút lui hoặc phá hủy nó.

“Tôi nghĩ Joe Biden và Kamala Harris nhận thức sâu sắc về những bất công trong quá khứ của nước Mỹ và những thách thức về nhân quyền mà đất nước của họ phải đối mặt trong 4 năm qua,” ông Adams nói. “Tôi hy vọng họ sẽ mang nhận thức đó ra toàn cầu và trở thành những nhà đấu tranh nhất quán cho nhân quyền và công lý quốc tế ở mọi nơi. Chúng ta cần họ củng cố các chuẩn mực và luật pháp quốc tế mà chính quyền Trump đã cố gắng bỏ qua hoặc phá hoại trong nhiệm kỳ của mình”.