Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Cập nhật Covid-19 ngày 14/12: Hàn Quốc, Nhật Bản những ngày tồi tệ; Một Thủ tướng tử vong; Thêm các nước công bố kế hoạch tiêm chủng

Ngày 14 Tháng 12, 2020
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 72.639.084 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.618.754 trường hợp tử vong và 50.859.567 bệnh nhân bình phục.

Trong 24 giờ qua, toàn cầu ghi nhận thêm 537.361 ca nhiễm Covid-19, đánh dấu gần 1,5 tháng số ca nhiễm luôn ở mức trên 500.000 ca mỗi ngày.

Hiện toàn cầu còn hơn 20,15 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân cần điều trị tích cực chiếm 0,5%.

* Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 ghi nhận tại Mỹ cao nhất thế giới, với lần lượt 187.901 và 1.379 ca. Đến nay Mỹ đã ghi nhận tổng cộng hơn 16,73 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 306.459 ca tử vong.

Toàn khu vực Bắc Mỹ đã xác nhận gần 19,31 triệu ca nhiễm, trong đó có 451.415 trường hợp không qua khỏi.

* Tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, có thêm 38.563 ca nhiễm, trong đó có 626 trường hợp tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh và không qua khỏi do Covid-19 lên lần lượt 11.964.194 và 339.964 ca.

Brazil chiếm phần lớn số ca nhiễm ở Nam Mỹ, với tổng cộng 6,9 triệu ca nhiễm, trong đó có 181.419 ca tử vong.

Brazil hiện là quốc gia có số nhiễm cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Ấn Độ nhưng số ca tử vong lại xếp ngay sau Mỹ.

* Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại các nước tiếp tục cao. Đến nay, toàn châu lục có gần 19,83 triệu ca nhiễm, trong đó có 457.403 trường hợp tử vong.

Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực (28.080 ca), tiếp sau là Anh (18.447 ca), Italy (17.938 ca) và Pháp (11.533 ca).

* Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận thêm hơn 102.300 ca nhiễm, trong đó Ấn Độ có thêm 27.336 ca và Iran thêm 7.451 ca. Hiện toàn châu Á có tổng cộng hơn 19 triệu ca nhiễm với 312.235 ca tử vong.

Ngày 13/12, Bộ Y tế Malaysia đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly phòng dịch Covid-19 từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, áp dụng với những trường hợp có tiếp xúc với các ca bệnh trong nước và người nhập cảnh, bắt đầu có hiệu lực từ 14/12.

Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho hay, quy định này được áp dụng cho việc theo dõi, giám sát tại các trung tâm kiểm dịch hoặc tại nhà.

Theo Tiến sỹ Hisham, một số nước như Anh, Đức, Bỉ hiện cũng giảm khoảng thời gian cách ly kiểm dịch bắt buộc từ 14 xuống 10 ngày, trong khi tại Pháp thời gian cách lý bắt buộc chỉ là 7 ngày.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Malaysia gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày đều ở mức 3 hoặc 4 con số, với nhiều ổ dịch mới.

Tính đến ngày 13/12, Malaysia đã ghi nhận 84.475 ca mắc Covid-19, trong đó 415 trường hợp tử vong.

Tại Nhật Bản, trong ngày 13/12 ghi nhận gần 3 triệu người nhiễm bệnh, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 177.287 ca nhiễm.

Thủ đô Tokyo cũng lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc trung bình trong ngày tính theo tuần gần đây nhất vượt quá 500 người. Chính quyền thủ đô Tokyo đang tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 sau khi số ca nhiễm liên tục tăng cao trong tuần vừa qua.

Theo đó, chính quyền Tokyo đang thảo luận về việc tiếp tục yêu cầu các cửa hàng ăn uống rút ngắn thời gian kinh doanh đến 10 giờ tối, thời gian áp dụng kéo dài đến ngày 11/1/2021, đồng thời xem xét khoản tiền hỗ trợ cho các cửa hàng do doanh thu bị giảm sút.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, ngày 14/12, chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp các chuyên gia để thảo luận về các biện pháp tăng cường phòng chống dịch cụ thể, trong đó có việc tạm thời loại thủ đô Tokyo và thành phố Nagoya thuộc tỉnh Aichi ra khỏi danh sách ưu đãi của chiến dịch Goto Travel.

Tại Hàn Quốc, ngày 13/12, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi dốc toàn lực để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, tuyên bố cuộc chiến chống dịch bệnh của Hàn Quốc đang ở "giai đoạn then chốt" trước khi quyết định liệu có nâng mức giãn cách xã hội lên mức cao nhất hay không.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc đã ghi nhận 750 ca nhiễm bệnh, giảm so với con số kỷ lục trwocs đó một ngày là 1.030 ca.

Hiện các cơ quan y tế Hàn Quốc đã nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức 2,5 trong thang bậc 5 cấp hồi đầu tuần này (mức 3 là cao nhất), song vẫn không làm chậm tình trạng lây nhiễm.

Các nhà dịch tễ học Hàn Quốc cho biết, nếu xu hướng này không được ngăn chặn, rất có thể số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục vượt ngưỡng từ 1.500 đến 2.000 ca/ngày trong tuần tới. Để ngăn chặn nguy cơ "quá tải", các chuyên gia khuyến cáo ngoài việc nâng mức cảnh báo (lên cấp độ cao nhất) còn phải thực hiện các biện pháp chuyên sâu như tiến hành các xét nghiệm cho tất cả người dân.

* Châu Phi hiện ghi nhận hơn 2,39 triệu ca nhiễm, trong đó có 56.428 bệnh nhân tử vong.

Chính phủ Eswatini thông báo, Thủ tướng nước này Ambrose Dlamini đã tử vong ngày 13/12 tại một bệnh viện ở Nam Phi.

Ông Dlamini, 52 tuổi, được đưa tới một bệnh viện ở nước láng giềng Nam Phi vào đầu tháng 12, 2 tuần sau khi ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Eswatini, trước đây gọi là Swaziland, là chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng của châu Phi.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 13/12, Italy thông báo, biểu tượng “hoa anh thảo” cùng khẩu hiệu “Italy tái sinh với một bông hoa” sẽ hiện diện trong suốt chiến dịch tiêm chủng của nước này, dự kiến bắt đầu vào giữa tháng 1/2021.

Ủy viên Domenico Arcuri cho biết, cơ quan chức năng đang nỗ lực để chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Italy sẽ được triển khai vào thời điểm trên, đồng thời khẳng định các nhân viên y tế và nhân viên, khách hàng các viện dưỡng lão sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cũng nêu rõ tháng 1/2021 sẽ là tháng tiêm chủng và trọng tâm của chiến dịch sẽ vào dịp xuân hè, đồng thời nhấn mạnh việc tiêm chủng hoàn toàn tự nguyện và phải được được kiểm soát nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Hiện Italy đã lên kế hoạch phân bổ và triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên cả nước. Theo ủy viên Domenico Arcuri, 1.874.323 người sẽ được tiêm vaccin trong giai đoạn đầu, trong đó, vùng Lazio và Lombardy chiếm số đông với lần lượt 356.824 người và 308.494 người.

Tại Canada, vaccine ngừa Covid-19 do Tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ và Công ty BioNTech (Đức) phối hợp phát triển sẽ bắt đầu được tiêm cho người dân Canada.

Theo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, vaccine sẽ bắt đầu được vận chuyển đến 14 địa điểm phân phối trên khắp đất nước vào tối 13/12 (giờ địa phương). Hiện 10 tỉnh của Canada đã có địa điểm nhận vaccine, nhưng vaccine chưa tới được các vùng lãnh thổ.

Nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi sống tại các cơ sở chăm sóc y tế sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng
PV tổng hợp