Nghệ sĩ biểu diễn trống Kotsuzumi
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản, trong bối cảnh quan hệ của hai nước đang phát triển mạnh mẽ, PLANDO Việt Nam cùng một số doanh nghiệp hảo tâm tổ chức “Chương trình hòa nhạc từ thiện Ryoma Quartet & Sức Sống Mới” – “Đêm nhạc vì trẻ em Việt Nam”. Chương trình không chỉ là nơi trao đổi, giao lưu văn hóa và thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia, mà còn là nơi lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp. Toàn bộ lợi nhuận từ số tiền bán vé và số tiền tài trợ từ các mạnh thường quân được sử dụng cho Quỹ “Xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao miền núi của Việt Nam”. Đóng góp nên sự thành công của chương trình phải kể đến các nghệ sĩ thuộc ban nhạc Ryoma Quartet (Nhật Bản) và dàn nhạc Sức Sống Mới (Việt Nam) với những món ăn tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc.
Chương trình hòa nhạc từ thiện được mở ra với các tiết mục đến từ ban nhạc Ryoma Quartet (Nhật Bản). Ban nhạc gồm 4 thành viên Makakatsu (NS đàn Shamisen), Sui (NS sáo Shinobue), Ryoma (NS đàn Violin) và Jin (NS Trống). Bốn nghệ sĩ với 4 loại nhạc cụ, đã thể hiện những cảm xúc, cá tính rất khác nhau nhưng lại hết sức hài hòa trong không gian khán phòng. Điểm đặc trưng trong các tác phẩm mà Ryoma Quartet đem tới đêm nhạc là âm thanh cao, sắc nét, của tiếng trống Kotsuzumi. Tiết tấu đều đặn, kéo dài xuyên suốt từ đầu tới cuối các tác phẩm, kết hợp cùng Kagura-suzu và các nhạc cụ truyền thống Nhật Bản khác đã tạo nên sự ổn định, quen thuộc cho khán giả về phong cách Âm nhạc Nhật. Các bản phối được thể hiện hết sức tinh tế khi đưa vào những đoạn nhạc độc tấu của Đàn Shamisen và Sáo Shinobue, nhằm phô diễn những kỹ thuật tài tình, điêu luyện của các nghệ sĩ và gián tiếp quảng bá đặc trưng nhạc cụ truyền thống, văn hóa tinh thần nước Nhật. Sự kết hợp giữa các nhạc cụ truyền thống Nhật Bản và nhạc cụ phương Tây (Violin), cũng như thể hiện các bản nhạc Nhật quen thuộc bằng cách chơi mới mẻ, thú vị, ban nhạc đã vẽ lên những giai điệu hết sức đa dạng. Đó cũng là thông điệp mà Ryoma Quartet mong muốn gửi gắm: Hiện đại trên tinh thần truyền thống; thông qua âm nhạc đưa văn hóa Nhật Bản đến với thế giới bằng ngôn ngữ âm nhạc không biên giới.
Nối tiếp các tiết mục Âm nhạc của nước bạn Nhật Bản là sự xuất hiện của Dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới (Việt Nam). Dưới sự chỉ huy tài tình của Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, “Sức Sống Mới” đã đem đến cho khán giả chiêm ngưỡng những thanh âm vô cùng đẹp và mang đậm bản sắc dân tộc Việt qua các tác phẩm nổi tiếng như “Bèo dạt mây trôi” (Dân ca Việt Nam), “Buôn làng mở hội” (Nguyễn Văn Thương - Đồng Văn Minh),… Đàn T’rưng chiếm vị trí quan trọng và số lượng lớn nhất trong dàn nhạc, vừa giữ vai trò làm âm thanh chủ đạo, vừa tạo nên giai điệu hòa tấu nhiều bè cho tác phẩm. Bên cạnh đó, đàn tranh, đàn bầu và sáo cũng chiếm vị trí đặc biệt trong việc thể hiện những đặc trưng của tác phẩm. Một nét Văn hóa Âm nhạc không thể Việt Nam hơn khi có sự xuất hiện của văn hóa cồng chiêng “Cảm xúc Tây Nguyên”, cảnh làng quê “Bèo dạt mây trôi” hay hoạt động lao động “Mùa hái quả”. Chương trình còn có sự xuất hiện của NSUT Đồng Văn Minh – nghệ sĩ biểu diễn và chế tác nhạc cụ dân tộc. Ông đã giới thiệu đến khán thính giả cây đàn mà ông tự tạo ra, đó là đàn Piano Việt Nam, hay còn gọi là Bamboo Piano. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì cấu tạo của chiếc đàn có phần thân, phím bấm giống như đàn piano, nhưng kích thước nhỏ hơn và được chế tác thủ công từ tre. Loại nhạc cụ với tên gọi và âm thanh hết sức độc đáo này đã tạo nên điểm nhấn cho chương trình, cũng như gián tiếp đưa cho khán giả trong nước và ngoài nước biết thêm về sự đa dạng của kho tàng nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
Các nhạc cụ truyền thống Nhật Bản
Kế thừa những truyền thống rất đỗi tự hào mà cha ông để lại, dựa trên quan hệ ngoại giao song phương tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản, ban nhạc Ryoma Quartet và dàn nhạc Sức Sống Mới đã có những màn hòa tấu kết hợp các nhạc cụ truyền thống Việt Nam và nhạc cụ truyền thống Nhật Bản. Mỗi loại nhạc cụ cũng như nền văn hóa âm nhạc của mỗi nước đều có nét đặc trưng, độc đáo riêng, nhưng khi kết hợp với nhau đã tạo nên sức hút vô cùng lớn. Những tiếng vỗ tay theo nhịp không ngừng vang lên, những câu hát ngân nga theo giao điệu quen thuộc, hay những ánh đèn flash,.. tất cả đã thể hiện sự yêu thích, tình cảm lớn lao của khán giả dành cho ekip chương trình nói chung và các nghệ sĩ biểu diễn nói riêng.
Đồng hành cùng chương trình là sự góp mặt của các Cựu Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; Công ty PLANDO Việt Nam; Giám đốc Canon Electronics Việt Nam Vũ Quang Anh; Họa sĩ Nguyễn Minh Sơn; các nhà hảo tâm cùng các quý thính giả. Với mong muốn tổ chức đêm hòa nhạc từ thiện, chương trình không chỉ kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao 50 năm với Nhật Bản, mà còn gây quỹ xây dựng điểm trường cho các em nghèo vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Nghệ sĩ biểu diễn đàn Shamisen
KẾ HOẠCH XÂY DỰNG ĐIỂM TRƯỜNG
Thời gian dự kiến: Tháng 11 năm 2022
Sau khi buổi hòa nhạc kết thúc, Công ty PLANDO Việt Nam sẽ trực tiếp lên địa điểm dự kiến xây dựng điểm trường để khảo sát địa hình, lên thiết kế và lập dự toán kinh phí xây dựng điểm trường phù hợp với mục tiêu đưa ra (2.000.000 Yên – tương đương 340.000.000 đồng).
Địa điểm: Dự kiến là điểm trường Chan II do trẻ em mầm non thuộc trường mầm non Đường Đăng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.
Mục đích: Xây dựng điểm trường cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Điện Biên, gồm:
- 02 phòng học, mỗi phòng 45m2
- 01 phòng công vụ dành cho 04 giáo viên
- 01 bếp nấu ăn cho 57 học sinh và 04 giáo viên
- 01 nhà kho đựng đồ dùng học tập
- 01 nhà vệ sinh
Công ty đã lập tài khoản riêng để sử dụng cho các hoạt động từ thiện (bao gồm Chương trình buổi hòa nhạc từ thiện này và các dự án từ thiện trong tương lai).
Tên tài khoản: CT TNHH PLANDO VIET NAM
Số tài khoản: 1012248888
Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Ba Đình.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Công ty cam kết mọi khoản thu, chi được công khai, minh bạch và hoạch toán rõ ràng, tuân thủ mọi quy định của Pháp luật Việt Nam.
Ban nhạc “Ryoma Quartet” (Nhật Bản)
NSUT Đồng Văn Minh biểu diễn sáo và Piano Việt Nam – Bamboo Piano
Cận cảnh đàn Piano Việt Nam – Bamboo Piano
Dàn nhạc “Sức Sống Mới” (Việt Nam)
Chú thích ảnh
Dàn nhạc “Sức Sống Mới” (Việt Nam) hòa tấu cùng ban nhạc “Ryoma Quartet” (Nhật Bản)