Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Công nhận 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia

Ngày 04 Tháng 11, 2022
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình duy nhất của Chính phủ tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2022. (Ảnh: Vietnam+)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2022. (Ảnh: Vietnam+)

Tối 2/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Đây là những sản phẩm đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và là những sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự, phát biểu ý kiến chỉ đạo và trao biểu trưng cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao biểu trưng cho các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao biểu trưng cho các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022.

Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, uy tín và chất lượng cao, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm.

Năm 2022, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia lần thứ 8 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn một nghìn doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Sau hơn chín tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 29/9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có quyết định công nhận 172 doanh nghiệp, với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. So năm 2020, năm nay, cả nước có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Đặc biệt, 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600 nghìn lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi lễ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi lễ.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Việc xây dựng Thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn, đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Đây là nguồn lực của từng doanh nghiệp, nhưng cũng là của quốc gia, nên việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.

Trong bối cảnh khó khăn thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bằng bản lĩnh, trí tuệ, tư duy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm với đất nước, cùng đội ngũ người lao động đoàn kết, gắn bó, vẫn luôn vững vàng, nỗ lực vượt khó, duy trì, thúc đẩy sản xuất, giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần quan trọng cho những thành quả chung của đất nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng không chỉ thể hiện xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, chung tay với cả nước phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân khắc phục bão lụt và nhiều hoạt động, nghĩa cử cao đẹp khác.

Các doanh nghiệp đã thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, có thể thấy kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là đáng trân trọng, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm và có quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn, cố gắng hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tạo được thương hiệu rất khó, duy trì thương hiệu khó gấp trăm nghìn lần”.

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời gian tới cần tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị cho xã hội.

Các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam. Không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, hội nhập trên các lĩnh vực...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Với tinh thần trách nhiệm cao, khí thế và niềm tin của cả nước cũng như đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng tin tưởng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có hơn 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

theo baomoi.com