Cúng biển Mỹ Long - Lễ hội truyền thống của ngư dân vùng biển Trà Vinh
Cúng biển Mỹ Long, còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông là tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa dân gian của cư dân làm nghề biển lớn nhất ở Nam Bộ, đến nay hơn 100 năm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Như một thông lệ hằng năm, vào các ngày mùng từ 10-12/5 âm lịch (năm nay nhằm ngày 8/6-10/6/2022) tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, diễn ra Lễ hội Cúng biển Mỹ Long. Hàng vạn người khắp nơi trong và ngoài tỉnh về tham dự, hàng trăm tàu thuyền cũng tạm ngưng ra khơi đánh bắt thủy sản để ra biển Nghinh Ông.
Nghi thức Chánh tế Lễ hội Cúng biển Mỹ Long được người dân địa phương tổ chức trang trọng để cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, khoang thuyền đầy cá tôm trong những chuyến ra khơi.
Sinh hoạt văn hóa đậm tính dân gian
Nghinh Ông là tưởng nhớ công ơn loài cá voi, được ngư dân miền biển phong là vị Đại tướng quân Nam Hải vì theo truyền thuyết cá voi đã có công cứu giúp ngư dân đi biển vượt qua song to gió lớn mỗi khi gặp bão tố. Khi “cá Ông” gặp nạn hoặc chết, xác trôi dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng.
Các nghi thức, nghi lễ và những hoạt động diễn ra đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của ngư dân, tạ ơn Thần Nam Hải, che chở, hỗ trợ ngư dân làm nghề khai thác đánh bắt xa bờ, đóng đáy hàng khơi; cầu mong sự bình an khi ra biển, mùa màng tôm cá bội thu và cũng để các ngư dân tạ ơn những người đã chế tạo ra phương tiện, ngư cụ trong khai thác, đánh bắt hàng khơi.
Ông Lê Văn Đẹp, Chánh bái miếu Bà Chúa xứ Mỹ Long cho biết: Cúng biển Mỹ Long có các lễ chính như Nghinh Ông (rước trên biển), Chánh tế (tại miễu Bà), dâng Mâm lộc (tại miễu Bà), Nghinh Ngũ phương (đám rước khắp thị trấn), Tống Quái (đưa trên biển)...
Trong Lễ hội Nghinh Ông, buổi lễ chính quan trọng nhất chính là lễ rước Ông, chiêm bái Ông một cách thành kính với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, khoang thuyền chở đầy tôm cá…
“Phần lễ diễn ra trang nghiêm với nhiều nghi thức đậm chất truyền thống của ngư dân miền biển. Đoàn rước Ông gồm đội múa lân đi trước, theo sau là các học trò lễ, các đoàn binh sĩ, nữ thanh lịch…cung thỉnh Ông về ngự trong lăng để phù hộ cho làng nước bình yên, ngư dân trúng mùa tôm cá.
Lễ được khởi hành tại Lăng Ông, sau đó diễu hành quanh thị trấn Mỹ Long và tiến lên ghe ra biển cúng, dân chúng đứng hai bên đường hò reo, cổ vũ tạo nên không khí lễ hội thật náo nhiệt”, ông Đẹp nói.
Sau lễ Chánh tế Chúa Xứ trong chính điện là hát bóng rỗi - hình thức diễn xướng tổng hợp có chức năng thực hành nghi lễ.
Năm nay, Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức không gian ẩm thực, không gian đờn ca tài tử, trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật và chiếu phim tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, tổ chức gian hàng du lịch giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Trà Vinh đến với du khách và các giải thể thao và các trò chơi dân gian...
Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh: Cúng biển Mỹ Long góp phần đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng.
Đây là lễ hội truyền thống giàu tính nhân văn, sáng tạo đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và trong đời sống tâm linh của ngư dân miệt biển Trà Vinh. Thông qua các hoạt động lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng, giá trị nổi bật về lễ hội dân gian tỉnh Trà Vinh.
“Bên cạnh đó, chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra để tạo sân chơi bổ ích cho người dân vùng biển cũng như du khách. Qua đó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành du lịch của tỉnh. Nhân đây, cũng là cơ hội tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa xúc tiến thương mại...”, ông Sum nói.
Múa bóng rỗi trên tàu lễ Nghinh Ông tại Lễ hội Cúng biển Mỹ Long.
Khát vọng vươn ra biển lớn
Lễ hội Nghinh Ông có sức lan tỏa ngày càng xa rộng, giàu sức sống bền lâu trong tâm thức và nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân vùng biển. Lễ hội còn là dịp để chào đón, giới thiệu về tình đất, tình người Trà Vinh “thân thiện, hiếu khách”.
Nếu như những năm trước, lễ hội chỉ có trên 100 chiếc ghe, thì năm nay có khoảng 200 chiếc, có cả tàu, ghe ở ngoài tỉnh như Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…tham dự; số người dự hội rất đông.
Ngư dân Nguyễn Văn Hạnh ở thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) bộc bạch: “Từ nhỏ tôi đã được cùng với cha theo những chuyến tàu ra khơi đánh bắt nên tình yêu với nghề bén duyên từ khi nào không biết. Lớn lên, lập gia đình riêng cũng đi biển, quyết tâm bám biển, bởi đây là nghề truyền thống của gia đình.
Người ta nói đi biển là nghề hạ bạc, nhưng với tôi, biển sẽ không bạc nếu chúng ta biết trân trọng và bảo vệ những gì mà biển đã ban tặng cho con người”.
Hàng chục chiếc ghe, tàu được trang hoàng cờ phướn, cùng các lễ vật nối đuôi nhau tiến ra cửa biển để thực hiện nghi thức rước Ông với không khí phấn khởi, vui tươi.
Không bằng lòng với việc chỉ khai thác ở vùng biển Tây Nam truyền thống, giờ đây nhiều ngư dân Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) đã có khát vọng vươn ra xa, tới vùng Biển Ðông.
Anh Huỳnh Thanh Vĩ, xã Mỹ Long Nam vừa đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Tàu cá của anh khai thác được gần 4 tấn cá ngừ, bán tại chỗ được hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, do chi phí cao nên tàu của anh cũng không lời được bao nhiêu.
Thời gian tới, anh Vĩ dự tính đầu tư cải thiện lại dàn lưới kéo, truyền lại kinh nghiệm cho các ngư dân khác để tham gia đánh bắt cá ngừ hiệu quả hơn.
Cúng biển Mỹ Long kết thúc trong sự lưu luyến của khách thập phương. Ngàn lời cầu chúc tốt lành sẽ như những luồng gió mới thổi căng những cánh buồm đang khao khát ra khơi của ngư dân miệt biển Trà Vinh trong mùa biển mới.
Theo baoquocte.vn