Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chỉ cần một khâu, một cá nhân, một cơ sở, một khoảnh khắc chủ quan, buông lỏng là dịch bệnh có thể xuất hiện trong cộng đồng. Khi đó dù chúng ta có phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thật nhanh, thật hiệu quả thì du lịch cũng đã phải hứng chịu hậu quả rất lớn. ẢNh: VGP/Đình Nam
Thông điệp đó được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Ninh Bình năm 2021, tối 30/4, tại Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 được tổ chức vào dịp Lễ hội Hoa Lư – Lễ hội truyền thống vinh danh Vị Hoàng đế Đại Thắng Minh Hoàng đế - vị Hoàng đế đầu tiên sáng lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên của Việt Nam như sử gia Lê Tung viết trong Việt giám thông khảo tổng luận: "Vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy".
Như các lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia được thực hiện thường kỳ từ năm 2003 tới nay, lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 sẽ được tiếp nối bằng nhiều hoạt động trên phạm vi cả nước và cả ở nước ngoài nhằm quảng bá cho du lịch Việt Nam, cho đất nước, con người Việt Nam và thúc đẩy những việc làm cần thiết, có ý nghĩa từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách của các cơ quan nhà nước đến từng hành vi thường nhật của mỗi người dân để du lịch nước nhà phát triển.
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 được tổ chức vào dịp Lễ hội Hoa Lư – Lễ hội truyền thống vinh danh vị Hoàng đế đầu tiên sáng lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang phải đối mặt với Đại dịch CCOVID-19, ngành du lịch thế giới là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất và chịu những thiệt thòi rất lớn, hết sức nặng nề mà phải nhiều năm sau mới có thể trở lại như trước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống, sự hy sinh quên mình của các lực lượng chức năng và đặc biệt là sự tham gia của nhân dân, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, được thế giới đánh giá là một trong số ít những quốc gia chống dịch tốt nhất.
Mặc dù nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng Việt Nam vẫn vững vàng và sẵn sàng cho cả những thách thức và cơ hội phía trước.
Lễ hội Hoa Lư là hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, tiền Lê, Lý. ẢNh VGP
Sự phát triển ấn tượng, vượt bậc
Những năm vừa qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, có thể nói là vượt bậc. Tới thời điểm trước dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đón và phục vụ trên 100 triệu lượt khách trong nước và trên 18 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp 9,2% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm và thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất và giành được rất nhiều các giải thưởng quốc tế có uy tín về du lịch như du lịch di sản số 1 thế giới, du lịch ẩm thực số 1 thế giới, du lịch Golf số 1 châu Á v.v…
Rất đáng tự hào, Ninh Bình cũng được vinh danh là một trong 50 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (Tạp chí Business Insider, 2018), một trong 20 điểm đến lý tưởng của du lịch khám phá (Hostelworld, 2020) và đặc biệt vừa qua Ninh Bình được bình chọn là “Điểm đến hiếu khách” nhất (Traveller Review Awards, booking.com, 2021).
Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới bước phát triển mạnh mẽ đó phải kể tới tâm huyết và trí tuệ của đội ngũ làm công tác du lịch. Nổi bật là nhiều nhà đầu tư du lịch đã giúp hệ thống hạ tầng du lịch phát triển rất nhanh với nhiều công trình quy mô và những sản phẩm chất lượng ngang tầm quốc tế.
Đó còn là sự đóng góp không thể thiếu của người dân khắp mọi miền đất nước, từ trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ du lịch và các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách tới việc tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, khắc phục những bất cập mà có lúc đã trở thành những nỗi sợ được du khách phản ảnh nhiều lần.
Mỗi người, mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp tự vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình cho dù có thể bị ảnh hưởng tới lợi ích vật chất, thay đổi một vài thói quen để phát triển du lịch.
“Chúng ta cũng chân thành sẻ chia và trân trọng cám ơn các doanh nghiệp và cả những hộ gia đình, cá nhân tham gia làm du lịch đã và đang đứng trước muôn vàn khó khăn do không còn du khách quốc tế và du khách trong nước cũng giảm sâu đột ngột mỗi khi có ca bệnh trong cộng đồng.
Nhưng tất cả vẫn hết sức nỗ lực để duy trì các nguồn lực du lịch mà nếu buông xuôi thì phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được. Đó không chỉ là lòng yêu nghề mà còn là trách nhiệm với ngành du lịch, trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Các tiết ục biểu diễn tái hiện không gian văn hóa trong một Việt Nam được kết nối quá khứ - hiện tại, qua mạch bản sắc đặc trưng của các vùng miền. Ảnh VGP
Phục hồi, phát triển an toàn trước dịch bệnh
Phó Thủ tướng cho rằng, trong khi chưa thể mở cửa đón khách quốc tế thì đây là dịp tốt để du khách trong nước khám phá thêm những nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa của Tổ quốc mình; bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn Dân tộc; thưởng thức những dịch vụ cao cấp mà trong điều kiện bình thường phần nhiều là những người có thu nhập cao, khách ngoại quốc mới có điều kiện chi trả.
Đâ cũng là dịp các cơ quan quản lý rà soát lại những chủ trương, chính sách, định hướng phát triển. Cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch hoàn thiện, chau chuốt, nâng cấp để các sản phẩm của mình được nâng lên một bước, sẵn sàng cho một bước phát triển mới khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, dù rất khẩn trương để thị trường du lịch sớm nhộn nhịp nhưng chúng ta không quên rằng thực tiễn vừa qua đã cho thấy, chỉ cần một khâu, một cá nhân, một cơ sở, một khoảnh khắc chủ quan, buông lỏng là dịch bệnh có thể xuất hiện trong cộng đồng. Khi đó dù chúng ta có phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thật nhanh, thật hiệu quả thì du lịch cũng đã phải hứng chịu hậu quả rất lớn.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn rất phức tạp hiện nay ngành du lịch phải cùng nhau thực hiện thật nghiêm chỉnh các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo để có thể “chung sống an toàn” và tiếp tục phát triển trong đại dịch.
“Khó có thể nói rằng chúng ta hoàn toàn thoải mái khi phải đeo khẩu trang, phải giữ khoảng cách. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng phải mất thêm công sức để thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch. Nhưng đó là việc làm cần thiết khi chúng ta hiểu sâu sắc rằng việc đó là vì chính chúng ta, vì cả cộng đồng, vì đất nước thì chúng ta sẽ có động lực, trong lòng sẽ có thêm niềm vui”, Phó Thủ tướng nói.
Trình diễn hòa tấu Chăm và Khơmer. Ảnh VGP
Hướng tới “một nền du lịch điện thoại thông minh”
Tạo điều kiện cho du lịch phục hổi và phát triển trong thời gian tới, trước hết Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTT&DL, các bộ ngành, địa phương cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách thật cụ thể để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch và các ngành dịch vụ liên quan tới du lịch.
Bộ VHTT&DL cùng các Bộ ngành cần phối hợp với các hiệp hội du lịch để đề xuất các chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp để ngành du lịch bớt được phần nào khó khăn do đại dịch COVID-19. Cùng với đó là việc chủ động chuẩn bị để có thể đón lại du khách quốc tế một cách an toàn, hiệu quả khi điều kiện cho phép.
Hiện nay, cả thế giới đang đứng trước thời cơ và thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, mà trực tiếp là yêu cầu chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ngành du lịch cần triển khai những giải pháp quyết liệt để thực hiện chuyển đổi số du lịch ở tất cả các khâu một cách đồng bộ, hướng tới “một nền du lịch điện thoại thông minh”. Mọi việc từ thị thực, đặt chỗ, mua vé, thanh toán. v.v... tới phiên dịch đều có thể thông qua điện thoại di động để hỗ trợ du khách một cách thuận tiện.
Chúng ta cần tiếp tục chú trọng và chú trọng hơn nữa tới việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa. Kết hợp chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa các chương trình, đề án nhằm một mặt gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, của từng địa phương, mặt khác xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, hợp với xu thế trên thế giới.
Tất cả đều cần sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp, mang lại những xung lực mới cho ngành du lịch của các địa phương và cả nước.
Hòa tấu Cồng chiêng và múa vưới chủ đề Khát vọng Cao Nguyên. Ảnh VGP
Việt Nam - điểm đến hiếu khách nhất hành tinh
Nhắc lại câu ca dao ca ngợi vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Ninh Bình, vùng đất địa linh nhân kiệt, kinh đô của nước Việt Nam độc lập thực thụ đầu tiên, vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không chỉ kiên trung, anh dũng trong lịch sử giữ nước, Ninh Bình cũng là địa phương có nhiều sáng tạo và đang vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ Đổi mới.
Nhờ tầm nhìn, quyết tâm cùng những giải pháp đúng đắn, kinh tế xã hội và đặc biệt du lịch, Ninh Bình đã có bước phát triển rất nhanh. Những con số về doanh thu, số lượng du khách, những công trình, cơ sở phục vụ du lịch mới có tầm vóc và nét đẹp riêng có hay cả việc Ninh Bình xuất hiện trong những tác phẩm điện ảnh bom tấn của thế giới, trong các giải thưởng du lịch thế giới đã nói lên điều đó.
Ảnh VGP
“Điều làm rất nhiều người ấn tượng nhất là bình chọn điểm đến “hiếu khách” nhất như nói ở trên. Chỉ một từ “hiếu khách” nhất thôi cũng nói lên nhiều điều. Và chúng ta cùng mong rằng không chỉ Ninh Bình mà cả Việt Nam sẽ được bình chọn là điểm đến hiếu khách nhất hành tinh”, Phó Thủ tướng nói và tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ cả trong thời kỳ khó khăn hiện nay cũng như sau khi Đại dịch COVID-19 được kiểm soát trên quy mô toàn cầu . Từ đó đóng góp ngày càng quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân, góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam và để nền văn hiến Việt Nam trường tồn, tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.
Nguồn Chính Phủ