Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Di sản không phải là chuyện của ngày hôm qua

Ngày 19 Tháng 10, 2022
Công tác quản lý di sản tại Việt Nam hiện nay đang có những cải thiện đáng kể nhưng không khó để bắt gặp những vấn đề nhức nhối, bài toán nan giải trong quá trình quản lý di sản, ở đó lợi ích của các chủ thể, cộng đồng còn nhiều mâu thuẫn...
Di sản không phải là chuyện của ngày hôm qua
 

Vấn đề quan trọng đặt ra là cần xây dựng ngay đội ngũ nhân lực trong ngành có kiến thức cũng như chất lượng để quản trị tài nguyên di sản một cách có hệ thống. Bởi di sản không phải là câu chuyện của ngày hôm qua, mà là của hôm nay, và của tương lai.

Bài toán cung chưa đủ cầu

Cả nước ta hiện có trên 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó UNESCO ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản tư liệu thế giới. Bên cạnh đó là hệ thống 179 bảo tàng lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, với 127 hiện vật và nhóm hiện vật đã được công nhận là di sản quốc gia. Số liệu trên cho thấy nguồn lực cần để vận hành hệ thống quản lý di sản ở Việt Nam là rất lớn, dẫn đến thực trạng nhân sự phân bổ ngành dọc theo hệ thống nhà nước, thậm chí các tổ chức liên quan thường không đủ để cung cấp cho hệ thống. 

Trong khi đó, nhân lực của ngành di sản ở nước ta cũng được đánh giá là có trình độ chuyên môn không đồng đều, không nhiều nhân sự học theo đúng chuyên ngành về di sản, năng lực cũng chưa thật sự cao. Đa số các nhân sự tham gia vào công tác quản lý di sản hiện tại được đào tạo từ các chuyên ngành gần hoặc lĩnh vực hoạt động thực tiễn về bảo tàng, di tích nói chung như văn hóa dân gian, ngoại ngữ, mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng, công nghệ thông tin.

Di sản không phải là chuyện của ngày hôm qua ảnh 1

Thực trạng trên đặt ra nhiệm vụ cần xây dựng một chương trình đào tạo mới dựa trên những phân tích sâu sắc về sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác về di sản để phù hợp với thực tiễn nhu cầu của xã hội. Sự thiên lệch về đầu tư và quản lý di sản theo thời gian khiến rất nhiều di sản dần bị xuống cấp, mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất bất cứ lúc nào bởi những tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa, cơ chế thị trường cũng như biến đổi khí hậu.

Các chương trình đào tạo về chuyên ngành quản lý di sản, bảo tồn văn hóa, bảo tàng đang được triển khai tại một số trường đại học trong cả nước. Đặc biệt tại Đại học Quốc gia Hà Nội, từ vài năm nay, chương trình Quản trị Tài nguyên di sản của Khoa Các khoa học liên ngành đã và đang được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bài bản, chuyên sâu vào lĩnh vực lý luận cũng như thực tiễn về di sản, qua đó mở ra cánh cửa tiềm năng dành cho đối tượng học sinh, sinh viên.

Quản trị tài nguyên di sản để bắt kịp nhu cầu thực tế

Vai trò của những chương trình đào tạo về quản lý văn hóa bảo tàng bảo tồn khảo cổ đối với công tác quản lý di sản đã đang được khẳng định ở khía cạnh thực hành. Tuy nhiên, để giải quyết trọn vẹn bài toán quản lý và bảo tồn di sản thì việc đào tạo mang tính chuyên sâu đơn ngành, phân mảng theo từng công đoạn, lĩnh vực như hiện nay là chưa đủ. Thêm vào đó nhu cầu về nguồn nhân lực có tư duy tổng hợp liên quan liên ngành với cách tiếp cận nhìn nhận về vấn đề đa chiều là những điều kiện tối thiểu để có thể quản lý tài nguyên di sản một cách hài hòa, hướng mục tiêu phát huy bền vững giá trị của di sản trong tương lai.

Là đơn vị có vai trò xây dựng những chương trình đào tạo liên ngành, đóng góp vào tính tiên phong trong hệ thống giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Các khoa học liên ngành đã sớm nhận diện tầm quan trọng của tư duy hệ thống, cách tiếp cận liên ngành trong việc giải quyết các đầu đề phức tạp của thực tiễn quản lý di sản trong nước. Điều mà từ trước tới nay, nếu chỉ dựa vào một hay một vài ngành học riêng lẻ thì không thể giải quyết một cách trọn vẹn. 

 

Chia sẻ về chương trình đào tạo Quản trị tài nguyên di sản, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành cho biết: “Ngành học được thiết kế gồm khối kiến thức về Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học quản lý, Khoa học tự nhiên, Kinh tế, Công nghệ…” 

Đối tượng học viên/sinh viên của ngành được giảng dạy chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, các công cụ quản lý dự án, phát triển kỹ năng toàn diện như nghiệp vụ gây quỹ tài trợ, xây dựng sản phẩm truyền thông, kỹ thuật quay phim chụp ảnh, khởi sự kinh doanh. Đồng thời người học được cung cấp nền tảng không chỉ kiến thức học thuật, rèn luyện kỹ năng cọ sát với thực tiễn để dần thâm nhập vào thị trường lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Từ khi ra mắt, chương trình đào tạo Quản trị tài nguyên di sản của khoa đã trở thành mảnh ghép hoàn hảo giúp bức tranh đào tạo di sản văn hóa ở Việt Nam trở nên toàn vẹn, gắn với nhu cầu thực tiễn và tiếp cận với tư duy mới - tư duy liên ngành”, ông Hiệu nhấn mạnh.

Di sản không phải là chuyện của ngày hôm qua ảnh 2

Trong cương vị học viên ngành Thạc sĩ Di sản học, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Di sản không phải là câu chuyện của ngày hôm qua, không đơn giản là những rêu phong trầm tích, không phải là những thứ được gắn biển đề tên mà cần nhận ra từ đó một cơ hội cực kỳ lớn để tạo ra những thay đổi ngoạn mục trong xã hội. Cái mà chúng ta gọi là quá khứ thực ra đang và sẽ chi phối rất nhiều đến quyết định của chúng ta trong hiện tại và tương lai”. 

Nhận định về chương trình giảng dạy di sản tại Khoa Các Khoa học liên ngành, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng Thẩm định Công ước 2003 (nhiệm kỳ 2017-2022) UNESCO, hiện đang là giảng viên cơ hữu tại Khoa cho biết: “Trên thực tế, với kinh nghiệm và sự tận tâm của các chuyên gia đầu ngành, sinh viên/học viên ngành Quản trị tài nguyên di sản có cơ hội thực địa tại các bảo tàng, địa điểm di sản, được trực tiếp quan sát, trình bày, tham gia thảo luận, trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn cho bản thân”.

Người học được tham gia trải nghiệm nhiều môn học thú vị khác về di sản đô thị cổ, di sản kiến trúc, sinh thái cảnh quan và môi trường di sản, kinh tế học di sản, văn hóa học với di sản, khảo cổ học di sản... với các thầy cô vừa giỏi, vừa có phương pháp sư phạm và kinh nghiệm thực tế.

“Đặc biệt từ năm 2022, đối với môn Thực địa liên ngành về di sản người học sẽ giảng viên chia sẻ kỹ lưỡng các phương pháp thực địa, cách thu thập tài liệu tại địa bàn, phỏng vấn nhân vật để có những thông tin tốt nhất cho chủ đề nghiên cứu... Ngoài ra, các bạn học viên/sinh viên còn được trải nghiệm nhiều hình thức du lịch liên quan đến di sản, chiêm ngưỡng cảnh đẹp do mẹ thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất hình chữ S”, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nói. 

Hiện tại Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đào tạo bài bản, chuyên sâu về ngành Di sản với đủ cả 3 bậc: Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Khoa là thành viên của mạng lưới các trường đào tạo ĐH về di sản ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; hướng tới trở thành đại sứ của UNESCO trong mạng lưới giáo dục về di sản. Trong thời gian sắp tới, Khoa Các khoa học liên ngành sẽ hoàn thành việc ký kết trao đổi sinh viên/học viên; sinh viên/học viên ngành Di sản của Khoa sẽ có cơ hội thực tập tại trụ sở của UNESCO ở các nước như Thái Lan, Pháp, Trung Quốc… khi đáp ứng đủ các tiêu chí của UNESCO đề ra.

theo ngaynay.vn