Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Mở cổng nhận hồ sơ đề cử cho Di sản Tư liệu UNESCO giai đoạn 2022-2023

Ngày 02 Tháng 08, 2021
UNESCO đang mời các đề cử mới đăng ký xét duyệt trở thành Di sản Tư liệu Thế giới (Chương trình Ký ức Thế giới), nơi liệt kê các hạng mục di sản tư liệu có ý nghĩa lịch sử. Hạn chót nhận hồ sơ vào ngày 30/11/2021.
Mở cổng nhận hồ sơ đề cử cho Di sản Tư liệu UNESCO giai đoạn 2022-2023
 

Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào, với sự đồng ý trước bằng văn bản của chủ sở hữu hoặc người trông giữ tư liệu, đều có thể đệ trình hồ sơ thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO hoặc cơ quan Chính phủ có liên quan phụ trách đối ngoại với UNESCO, trong trường hợp không có Ủy ban Quốc gia UNESCO. Các tổ chức quốc tế đáp ứng các tiêu chí nêu trong Hướng dẫn chung của Chương trình Ký ức Thế giới cũng có thể gửi đề cử.

Cách thức gửi đề cử

Các đề cử phải được gửi trước ngày 30/11/2021 theo một trong ba cách:

1. Thông qua nền tảng trực tuyến được thiết lập cho việc gửi đề cử;

2. Điền vào biểu mẫu đề cử và gửi đến Ban Thư ký Chương trình Ký ức Thế giới qua email mowsecretaries@unesco.org

3. Điền vào biểu mẫu và gửi hồ sơ đến địa chỉ: Fackson Banda, Head, Documentary Heritage Unit (Memory of the World Programme), Communication and Information Sector, 7 Place de Fontenoy, 75352 Paris 07 SP, France.

Thông tin chi tiết xem tại: Gửi đề cử (tiếng Anh)

Có thể đề cử những tư liệu nào?

Các hồ sơ đề cử được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí, bao gồm: tính xác thực, tính toàn vẹn và ý nghĩa thế giới, kèm theo đó cần nêu rõ tác động và tầm quan trọng của di sản tư liệu đối với ký ức thế giới. Hướng dẫn Chung của Chương trình Ký ức Thế giới đã được Ban Chấp hành UNESCO thông qua trong phiên họp thứ 211, cung cấp thông tin chi tiết về các tiêu chí lựa chọn cũng như quy trình đề cử.

 

Di sản tư liệu có thể bao gồm các tài liệu từ nhiều lĩnh vực và hình thức khác nhau, bao gồm hình ảnh, âm thanh, bản giấy và kỹ thuật số, có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích...

Các hạng mục được đề cử của di sản tư liệu cũng phải được xác định là hữu hạn và có tính chính xác; các đề cử quá rộng, chung chung hoặc kết thúc mở sẽ không được chấp nhận.

Trong trường hợp di sản tư liệu tồn tại ở một số địa điểm, hoặc nhiều chủ sở hữu hoặc người quản lý, thì thông tin chi tiết đầy đủ về từng thành phần, chủ sở hữu hoặc người trông coi phải được cung cấp cụ thể.

Được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới mang lại những lợi ích gì?

Các di sản tư liệu sẽ nhận được những cơ hội chiến lược thông qua quyền sử dụng biểu tượng Ký ức Thế giới (Di sản Tư liệu Thế giới) của UNESCO như nâng cao nhận thức của cộng đồng, cơ hội nhận được tài trợ và kinh phí để gìn giữ và bảo tồn di sản.

UNESCO đã khởi động Chương trình Ký ức của Thế giới vào năm 1992 để bảo vệ và tránh làm mai một đi những ký ức nhân loại, thông qua bảo tồn những tài liệu lưu trữ có giá trị và đảm bảo chúng được phổ biến rộng rãi. Chương trình cũng được coi như một công cụ giúp mạng lưới các chuyên gia trao đổi thông tin và nâng cao nguồn lực để bảo tồn và tiếp cận nguồn tài liệu tư liệu thế giới.

Việt Nam hiện nay có 3 Di sản Tư liệu Thế giới do UNESCO công nhận là Mộc bản Triều Nguyễn (2009); 82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc 1442-1779 (2011); Châu Bản Triều Nguyễn (2017).

Theo UNESCO