Làng Thượng Giáp xưa vốn là cái nôi của nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn. Cùng với sự phát triển chung của xứ Lường, không gian của làng nghề nồi đất bây giờ đã trở nên sầm uất, nhà cửa mọc lên san sát. Ảnh: Huy Thư
Bên cạnh những ngôi nhà kiểu mới, khang trang, hiện đại, giữa làng vẫn còn những ngôi nhà ngói cũ được xây dựng cách nay trên dưới nửa thế kỷ, là không gian quen thuộc của những người thợ nặn nồi Trù Sơn. Ảnh: Huy Thư
Tại "làng nồi", có nhiều ngôi nhà cũ đang có người ở hoặc chủ nhà đã rời quê hương nhưng cho người dân địa phương mượn trở thành những cơ sở sản xuất nồi quan trọng trong vùng. Một số hộ xây dựng được nhà mới to đẹp, nhưng vẫn giữ nguyên nhà cũ để làm nơi nặn nồi phơi nồi. Ảnh: Huy Thư
Trong khuôn viên của những ngôi nhà cũ này, từ nhà đến sân, vườn... đều được sử dụng phục vụ việc sản xuất nồi đất. Bà con làm nghề có thể vừa làm nồi, phơi, đốt nồi cũng như tập kết nồi đất trước lúc xuất hàng. Ảnh: Huy Thư
Theo người dân địa phương, nghề nặn nồi cần một không gian rộng để phơi hong, tập kết củi, rơm để nấu nồi. Do đó những ngôi nhà cũ có khoảng sân rộng, dọi nắng dễ phơi nồi rất thích hợp cho việc làm nghề, còn những ngôi nhà mới có mái tôn rộng che hết sân thì không thuận tiện lắm. Ảnh: Huy Thư
Bà Nguyễn Thị Lương (52 tuổi) ở xóm 6, xã Trù Sơn cho biết: Trong quá trình làm nồi, bà đã mượn được nhà cũ của người quen để hành nghề. Khi trời nắng, mọi người có thể làm nồi trong nhà, trên thềm, phơi nồi ngoài sân, phơi cả trên thềm. Còn khi trời mưa thì di chuyển nồi vào cất trong nhà rất thuận tiện. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến những ngôi nhà cũ, mái ngói rêu phong tồn tại cùng nghề nồi đất. Ảnh: Huy Thư
Sự chấn hưng của nghề nồi đất cùng với sự đổi thay của quê hương đã khiến "làng nồi" khởi sắc, cuộc sống của người dân làm nghề đã đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, không gian làm nghề quen thuộc của ở "làng nồi" thì vẫn được gìn giữ hay nói đúng hơn là gắn bó với họ như mối quan hệ hữu cơ mật thiết. Ảnh: Huy Thư
Không gian xưa cũ của nhà cửa, sân vườn, nồi đất, lò nung, củi, lá... tại "làng nồi" không chỉ thích hợp với nghề "nặn đất thành hoa", mà còn tạo nên không gian gần gũi, quen thuộc, hấp dẫn, gợi sự tò mò của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Huy Thư
Cái "xưa" ở "làng nồi" còn được thể hiện bên trong những ngôi nhà gỗ xây tường chất đầy nồi đất, những chuồng trại bằng gỗ vốn dùng để chăn nuôi trâu bò nay đã chuyển sang làm nơi tập kết nồi đất đã chín màu nâu đỏ. Âm thanh của những tiếng gõ nồi nồi vang lên trong không gian xưa cũ như gợi nhắc cả một miền ký ức thân quen. Ảnh: Huy Thư
Tại những gia đình, những cơ sở còn làm nghề nồi đất ở Trù Sơn, không chỉ có những người nghệ nhân già, bởi hầu hết những người làm nghề nồi đất ở Trù sơn đều là người trung tuổi và người già, những chiếc khuôn gỗ xưa cũ, mà còn có cả những vật dụng đặc biệt như xe đạp thồ cùng những chiếc sọt một thời đựng nồi đi bán dạo. Ảnh: Huy Thư
Đến làng nồi, mọi người còn được đi trên những con đường làng quen thuộc in đậm dấu ấn thời gian với những bức tường nhà, những đoạn bờ rào cũ kỹ xây bằng đá ong đã bị phong hóa do mưa nắng. Nét xưa cũ, độc đáo, thân thương ở làng nồi thật sự để lại ấn tượng khó quên cho du khách khi về đây tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Huy Thư