Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Triển vọng xuất khẩu đầu năm

Ngày 15 Tháng 01, 2023

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương bắt tay hoàn thiện các đơn hàng đưa ra thị trường thế giới. Một vận hội mới, cơ hội mới tràn đầy sinh khí bắt đầu từ những đơn hàng đầu xuân như thế.

Cà pháo, bánh nậm, bánh lọc của Sông Hương Foods được xuất khẩu sang Mỹ ngay từ đầu năm 2023.

Cà pháo, bánh nậm, bánh lọc của Sông Hương Foods được xuất khẩu sang Mỹ ngay từ đầu năm 2023.

Tại nhà máy Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (huyện Bình Chánh) những ngày này, không khí làm việc khẩn trương, nhộn nhịp ở tất cả các bộ phận. Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Lê Quốc Tuấn chia sẻ tin vui, ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1/2023, đơn vị đã đưa 14 tấn bánh nậm, bánh lọc xuất khẩu sang thị trường Mỹ; đồng thời, tăng tốc làm những đơn hàng mới cho thị trường trong và ngoài nước.

“Chúng tôi gần như ăn ngủ tại công ty để bảo đảm đơn hàng xuất khẩu “mở hàng” đúng tiến độ, tạo đà thuận lợi trong suốt cả năm", ông Tuấn nói. Để đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, ông Tuấn cho hay: Mất hơn sáu tháng làm xét nghiệm sản phẩm đầu vào, giấy chứng nhận FDA… Hiện các sản phẩm bánh nậm, bánh lọc tại thị trường này đã cháy hàng. Ngoài Mỹ, Sông Hương Foods còn muốn mở rộng sang Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Nga, Trung Quốc.

“Tôi tin chắc rằng, những món ăn ngon mang đặc sản vùng miền chắc chắn sẽ được kiều bào ưa thích, vì khi nghĩ đến quê hương Việt Nam, họ thật sự muốn ăn món quê nhà”, ông Tuấn nhìn nhận. Cẩn thận kiểm tra những công đoạn cuối cùng trước khi đưa sản phẩm đến cảng Cát Lái xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food) - chuyên chế biến nha đam và thạch dừa, ông Nguyễn Diệp Pháp cho biết: Hơn 700 lao động đã làm việc cật lực cho kịp tiến độ đưa hàng xuất khẩu ngay sau Tết.

“Tuy phải tăng tốc, làm việc ngày đêm nhưng những đơn hàng xuất khẩu ngay thời điểm những ngày đầu năm mới này chính là động lực, tín hiệu vui để những đơn hàng tiếp theo của chúng tôi hanh thông, thuận lợi trong suốt năm 2023”, ông Pháp bộc bạch. Năm nay, Công ty G.C Food vạch cho mình những chiến lược cụ thể, đó là sẽ đa dạng hóa khách hàng, tìm thêm thị trường mới như Đông Âu, Đông Nam Á, Trung Đông…; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi cách đóng gói, chia nhỏ sản phẩm; nghiên cứu thêm nhiều công thức mới; tìm thêm những nguồn nông sản Việt Nam đưa ra thị trường quốc tế… Hiện tại doanh nghiệp đã có đơn hàng chiếm 30% sản lượng trong năm 2023. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng để G.C Food vững vàng vượt lên phía trước.

Trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chững lại thời điểm cuối năm 2022 do gặp khó về đơn hàng, thì Công ty cổ phần Dh Foods chuyên sản xuất gia vị vẫn đều đặn đưa hàng đến nhiều thị trường khó tính. Như trong thời điểm cuối tháng 12/2022 vừa qua, công ty đưa hai container sản phẩm mới đi Nhật Bản. “Chúng tôi đang đàm phán với nhiều khách hàng xuất khẩu lớn.

Doanh nghiệp cũng tốc lực thực hiện đơn hàng để xuất đi thị trường Pháp và Hà Lan ngay trong tháng 1/2023 này, riêng đơn hàng đi Pháp để vào hệ thống siêu thị Carefour & E.Leclerc đã trị giá gần ba tỷ đồng”, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dh Foods chia sẻ. Cũng ngay trong ngày đầu năm 1/1/2023, tại cửa khẩu cảng biển lớn nhất nước Tân Cảng-Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), lô hàng đầu tiên được xếp lên tàu để đến Hong Kong (Trung Quốc), sau đó trung chuyển tiếp đến Mỹ.

“Sang năm 2023, với sự thay đổi lớn khi Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid, chúng ta phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đón nhận làn sóng dịch chuyển thương mại đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam vẫn là điểm sáng về kinh tế ở khu vực và thế giới”, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đại tá Ngô Minh Thuấn cho hay. Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu trong năm 2023, Tổng Giám đốc Dh Foods Nguyễn Trung Dũng cho rằng, có nhiều triển vọng lớn, trong đó, thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Pháp có nhiều tín hiệu tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Dẫu vậy, doanh nghiệp phải biết nắm bắt và tận dụng cơ hội. “Muốn xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam vào nhiều quốc gia, mình phải đến tận nơi, tiếp xúc các khách hàng để tìm hiểu nhu cầu của họ. Cụ thể như tại Dh Foods có hơn 100 loại gia vị, tùy theo từng thị trường mà có các sản phẩm phù hợp. Đơn cử như châu Âu ít ăn cay thì mình sẽ có các loại sốt, muối ít cay và dễ ăn, hay năm 2023 chúng tôi có kế hoạch tham gia hai triển lãm hàng Natural rất quy mô tại thị trường Mỹ - ưu tiên sản phẩm tự nhiên không bột ngọt, thì chúng tôi cũng có sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu đó”, ông Dũng bật mí.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Đình Tùng nhận định: Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, trong đó có rau quả, đặc biệt quả sầu riêng có nhiều kỳ vọng khi Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện Việt Nam có bốn mặt hàng có Nghị định thư với Trung Quốc là sầu riêng, chuối, khoai lang, chanh dây (thí điểm). Năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán thêm tám mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch theo Nghị định thư với Trung Quốc. Đây là những yếu tố tích cực trong năm 2023.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Việt Nam đã ký kết hơn 15 FTA song phương và đa phương với các khu vực và quốc gia trên thế giới. Các FTA đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư. “Đồng thời, doanh nghiệp cần gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Ngoài các thị trường truyền thống, cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức như thị trường các nước thuộc khối Ả Rập, Mỹ La-tinh, các nước Hồi giáo hoặc các dòng sản phẩm dành riêng cho các phân khúc khách hàng riêng biệt, các thị trường ngách…”, ông Thiện tư vấn.

theo baomoi.com