Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

UNESCO tích cực tham gia các hoạt động quốc tế trong tháng Ba

Ngày 07 Tháng 03, 2023
Tháng Ba là một trong những tháng có nhiều ngày kỷ niệm ý nghĩa nhất của năm mà tất cả cộng đồng quốc tế đều quan tâm, đón nhận. 
UNESCO tích cực tham gia các hoạt động quốc tế trong tháng Ba
 

Nắm bắt sự công bằng cho phụ nữ trong ngày 8/3

(Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Liên Hợp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế)

UNESCO tích cực tham gia các hoạt động quốc tế trong tháng Ba ảnh 1

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Lễ tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận vào năm 1977. Ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, biểu dương ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Trong ngày này, các quốc gia trên khắp thế giới sẽ tổ chức những buổi biểu diễn nghệ thuật, diễn đàn trao đổi, hội thảo, hay các cuộc diễu hành. Đàn ông sẽ tặng hoa và quà cho vợ, bạn gái, mẹ và bạn khác giới của họ để bày tỏ lòng yêu thương, cũng như trân trọng tình cảm, nỗ lực của người phụ nữ trong suốt năm vừa qua.

Năm 2022, UNESCO đã cùng Đại hội đồng Liên hợp Quốc kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ với chủ đề “Bình đẳng giới hôm nay vì một ngày mai bền vững”, ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới, những người đang đi đầu trong chiến dịch thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay được tổ chức trên toàn thế giới với chủ đề “ Nắm bắt sự công bằng”. Tất cả chúng ta đều có thể đối đầu với các định kiến về giới tính, lên án phân biệt đối xử và tìm kiếm sự hòa nhập xã hội.

Chung tay xây đắp hạnh phúc trong ngày 20/3

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 (tiếng Anh: International Day of Happiness, hay còn gọi là Ngày Hạnh phúc)

Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy ý tưởng từ Vương quốc Bhutan, quốc gia được đánh giá có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý, mức sống và chất lượng sống của người dân.

Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, trong ngày này độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Đây cũng tượng trưng cho sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực.

Ngày 20/3 - Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Ngày Quốc tế hạnh phúc sau khi công bố đã được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên hưởng ứng và cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tích cực trong việc hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc.

UNESCO tích cực tham gia các hoạt động quốc tế trong tháng Ba ảnh 2

Gia đình ba thế hệ ngập tràn niềm vui

Xóa bỏ kỳ thị chủng tộc trong ngày 21/3

(Tiếng Anh: International Day for the Elimination of Racial Discrimination)

Ngày 21/3/1960, tại Sharpeville của Nam Phi, cảnh sát đã xả súng vào dòng người biểu tình hòa bình chống đạo luật Apartheid. Sáu năm sau thảm kịch ấy, Ngày Quốc tế xóa bỏ Kỳ thị chủng tộc đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực xóa bỏ phân biệt chủng tộc.

Mặc dù thế giới đang ngày càng phát triển và văn minh hơn, nhiều người trong xã hội vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi sự phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng.

Xây dựng một thế giới công bằng và bình đẳng, chống phân biệt chủng tộc luôn là chủ đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, cũng như các chương trình hành động vì con người.

Trong những năm qua, UNESCO đã kỷ niệm Ngày Quốc tế này bằng cách tổ chức các sự kiện tại Trụ sở chính và các cơ quan, văn phòng của mình, cũng như hợp tác với các quốc gia thành viên của Liên minh quốc tế về các thành phố bền vững và hòa nhập (International Coalition of Inclusive and Sustainable Cities – ICCAR)

Liên hợp quốc kêu gọi thanh niên hãy hành động để thúc đẩy văn hóa toàn cầu về lòng khoan dung, bình đẳng, chống phân biệt đối xử, cũng như chống định kiến về chủng tộc và thái độ không khoan dung.

“Bất kể bạn là ai, từ đâu tới, màu da của bạn ra sao, giới tính của bạn là gì: Hãy cất lên tiếng nói của chính mình..” – Kim Namjoon, Đại sứ Thiện chí của UNICEF, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần 73, 2018.

Những hành động thiết thực, mạnh mẽ của thế hệ trẻ chống phân biệt chủng tộc sẽ góp phần định hình thế giới trong tương lai, nơi nguyên tắc về sự bình đẳng và phẩm giá vốn có của con người được tôn trọng.

Trân trọng môi trường trong Ngày Nước sạch thế giới 22/3

Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Đây không chỉ là vấn đề của từng quốc gia riêng lẻ, mà là vấn đề chung toàn cầu. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tới sức khỏe, chất lượng sống của con người.

Ngày Nước sạch Thế giới được tổ chức vào ngày 22/3 hàng năm. Sự kiện này nhắc nhở mỗi người về tầm quan trọng của nước sạch và ủng hộ việc bảo tồn lâu dài nguồn nước. Đó là hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, nhằm hỗ trợ Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 6: Đảm bảo tiếp cận nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Năm 2022, Ngày Nước sạch Thế giới được tổ chức với chủ đề “Nước ngầm:Biến thứ vô hình thành hữu hình”.

UNESCO đóng góp vào việc kỷ niệm Ngày Nước Thế giới thông qua các hoạt động của Chương trình Thủy văn Liên Chính phủ (IHP), nhằm xây dựng cơ sở tri thức khoa học, giúp các quốc gia quản lý tài nguyên nước một cách bền vững./.

Theo tổng hợp