Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Về Kinh Bắc nghe chuyện Võ miếu Đại Trung

Ngày 04 Tháng 11, 2022
Ở Bắc Ninh còn tồn tại một Võ miếu có tuổi đời lên tới trên 360 năm, thờ những võ quan cao cấp thời phong kiến, với nhiều giá trị độc nhất, vô nhị.
Voi - ngựa - bia đá của miếu còn rất nguyên vẹn.
Voi - ngựa - bia đá của miếu còn rất nguyên vẹn.

Võ miếu ấy có tên Đại Trung ở thôn Dũng Quyết, xã Việt Hùng (Quế Võ). Võ miếu được khởi dựng vào năm 1660 và hoàn thành vào năm 1708 thời chúa Trịnh Cương. Bảy vị võ quan được thờ ở đây đều là những võ tướng thiện nghệ, uyên thâm mưu lược, khí chất tinh anh khác thường, tận trung tận hiếu có nhiều công lao xả thân vì dân vì nước.

Dòng họ 18 Quận công

Về Kinh Bắc nghe chuyện Võ miếu Đại Trung ảnh 1

Tượng thờ 1 trong 6 vị võ quan.

Dũng Quyết xưa thường gọi làng Guột - là nơi được các võ quan chọn để mở lò võ và huấn luyện quân sĩ. Đồng thời cũng là nơi trao truyền cho con cháu thao lược các môn quyền cước, binh khí, võ vật, binh thư. Vì vậy, miếu Đại Trung ngoài vai trò Võ miếu thờ các võ Quận công triều Lê, còn là nơi tưởng nhớ các vị tổ sư môn võ vật của làng Guột.

Theo Thiếu tướng - TS Nguyễn Xuân Năng (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), Bắc Ninh là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Với số lượng di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, những võ công kiệt xuất, mưu lược tài ba có nhiều đóng góp quan trọng cho quê hương đất nước đã làm nên một vùng Kinh Bắc văn hiến.

Họ Nguyễn Đức là một gia tộc lớn ở huyện Quế Võ cũng như ở Bắc Ninh hiện nay. Các chi họ Nguyễn Đức hiện phân bổ ở nhiều nơi trong cả nước. Dòng chính (đại tôn) hiện ở Quế Ổ, xã Chi Lăng (Quế Võ). 

Dòng họ có tới 18 vị Quận công, trong đó có 3 vị được phong Vương (Ân Quận công Nguyễn Đức Nhuận đời thứ 9, Hiểu Quận công Nguyễn Đức Uông đời thứ 11 và Hội Quận công Nguyễn Đức Thân đời thứ 12). Cùng với đó là 2 Tạo sĩ, 76 tước hầu, 4 người đậu Hương cống...

Nhà sử học Lê Quý Đôn từng nhận xét: “Thời Lê trung hưng, ở Quế Ổ có một dòng họ to và mạnh nhất Kinh Bắc”. Còn sách “Lê Quý kỷ sự” ca ngợi: “Họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ từ khi Lê trung hưng trở về sau nối đời làm tướng, trong họ có tới 18 người được phong tước Quận công, họ hàng to và mạnh nhất ở Kinh Bắc”. 

Sách: Đại Việt sử ký toàn thư, Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh, Gia phả họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ... đều có ghi chép về các võ tướng dòng họ Nguyễn Đức trong lịch sử.

Hiện nay, những di tích gắn trực tiếp đến quá trình phát sinh, phát triển của dòng họ Nguyễn Đức, có đến trên 40 địa phương trong cả nước có con cháu dòng họ này. Riêng ở huyện Quế Võ có 3 địa điểm được coi là nơi khởi nguồn cho sự hiển hách của dòng họ. 

Trong đó lăng và nhà thờ 18 vị Quận công ở thôn Quế Ổ (xã Chi Lăng) và miếu Đại Trung thôn Dũng Quyết (xã Việt Hùng) là những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị trực tiếp gắn với 18 vị võ Quận công.

Miếu Đại Trung được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Đây là nơi thờ phụng các danh quan tiêu biểu của chi ất họ Nguyễn Đức, gồm 6 vị Quận công: Hùng Quận công, hiệu là Đức Điện, đời thứ 7; Cẩm Quận công, hiệu là Đức Thiện, đời thứ 8; Ân Quận công, hiệu là Đức Nhuận, đời thứ 9, được gia phong tước “Đại Vương”; Quế Quận công, hiệu là Đức Uyên, đời thứ 10; Chiêm Quận công, hiệu là Đức Tự, đời thứ 10; Giao Quận công, hiệu là Đức (khuyết tên), đời thứ 11.

Về Kinh Bắc nghe chuyện Võ miếu Đại Trung ảnh 2

Võ miếu Đại Trung được xây dựng cách nay trên 360 năm.

Về Kinh Bắc nghe chuyện Võ miếu Đại Trung ảnh 3

Miếu Đại Trung vẫn khá toàn vẹn và độc đáo.

Tinh thần thượng võ

Lý lịch di tích Miếu Đại Trung do Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh) biên soạn năm 1991 đã nêu bật những giá trị cơ bản của di tích cũng như các vị võ tướng được thờ.

Hùng Quận công, tên thật là Đạt, tự là Trí, thụy Hùng Lĩnh, là con thứ hai của Tài Quận công. Ông được tiến cử là Phụ quốc Thượng tướng quân, Hữu Đô đốc, tặng phong Thái Bảo Hùng quận công. Ông là người tài danh một thời, đã nhiều lần theo Quốc vương đi chinh phạt các nơi, lập được nhiều chiến công, được phong An Bắc quân Đô đốc.

Cẩm Quận công, tên chữ là Cương Hào, tên thụy là Khang Uy, có nhiều công lao với đất nước nên được phong Tiền đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân An Bắc quân.

Ân Quận công, tên chữ là Trung Lương, tên thụy là Kiêm Dũng, húy Đức Nhuận - người có tài lược, khí phách hơn người, ông lấy việc thao giỏi võ nghệ làm hướng tiến thân, ông được phong Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Bắc quân Đô đổc Thái tế.

Quế Quận công (con của Ân Quận công) cũng là người có khí chất tinh anh khác thường (khí bẩm anh nghị), nghề vũ rất mạnh, mã mâu rất giỏi. Trong các cuộc khảo sát ở võ trường, Quế Quận công luôn đứng ở hạng vô địch. Quế Quận công thường theo cha đi đánh chúa Nguyễn Hiền ở Phú Xuân, Thiên Lộc, Hưng Nguyên tới cửa Nhật Lệ.

 

Bản thân là người rất chịu khó học hỏi. Khi cha mình vì trung quân mà phải tuẫn tiết, ông đã nối giữ nghiệp binh của cha đánh Mạc Nghiệt ở Cao Bằng, đánh Bảo tặc ở Tuyên Quang. Ông được vua rất mực yêu mến, gả em gái út của mình cho con trai Quế Quận công.

Trong gia phả còn ghi lại một cách sống động câu chuyện tỉ thí võ công của Quế Quận công với một người tên Trung Quận công giỏi việc dùng mâu. Ông đã chiến thắng sau chưa đầy một hiệp giao đấu trước sự thượng lãm của chúa Trịnh và đông đảo văn võ bá quan. Từ đó, ông được vua rất yêu mến, ai gièm pha gì vua cũng không nghe.

Quế Quận công không chỉ tinh thông võ nghệ, uyên thâm mưu lược, giỏi cầm quân, ông còn chỉ huy giúp dân phòng, chống thiên tai. Phụng mệnh vua trông coi việc đắp đê Vĩnh Bảo - Hải Phòng, ông đã chủ động mang tiền của nhà ra phục vụ đắp, kè đê. 

Nhân dân trong vùng hết sức cảm kích trước công đức và tấm lòng của Quế Quận công, đã lập miếu thờ, đến nay vẫn còn (hiện nay tại miếu Đại Trung còn lưu giữ được chiếc cọc gỗ, vật chứng có giá trị quan trọng phản ánh việc kè đê, phòng chống thiên tai, giúp nhân dân tại Vĩnh Lại, Hải Dương).

Nhậm Quận công là con trưởng của Quế Quận công, ông là người có chí khí anh hào, tinh thông võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung cực kỳ thiện nghệ.

Giao Quận công là con Chiêm Quận công. Khi còn ít tuổi đã mồ côi cha, song nhờ đức tính kiên trì, ham học hỏi, chuyên tâm đọc kinh sách đến nỗi hầu như không ra khỏi phòng, nên không sách nào không thuộc, lại thích chuyện đàm đạo binh cơ, luật võ càng tinh thông. Khi triều đình mở khoa thi, ông ra ứng thi Bác cử, đỗ Tạo sĩ và là người khai khoa Tạo sĩ.

Vẻ độc đáo của Võ miếu cổ

Về Kinh Bắc nghe chuyện Võ miếu Đại Trung ảnh 4

Di vật cọc gỗ của Quế Quận công vẫn được lưu giữ trong miếu.

Là di tích lịch sử tiêu biểu minh chứng cho truyền thống thượng võ của Kinh Bắc, miếu Đại Trung còn là một trong số hiếm di tích vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc từ khi khởi dựng cách đây hơn 360 năm. 

Đây là di tích võ lược rất đáng quan tâm do triều đình nhà Lê khởi dựng xuất phát từ sự cảm phục khí chất đại trung đại nghĩa của Ân Quận công trong trận Dũng Quyết (miền Trung, năm Canh Tý 1660).

Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngay với ba chữ “miếu Đại Trung” cũng được triều Lê ban tặng chứ không phải do người dân hay dòng họ tự đặt rồi gắn lên.

Tổng thể di tích gồm 5 gian tiền tế và phần hậu cung - miếu trong. Kiến trúc phần hậu cung khá đặc biệt với mái vòm dày 0.7m, tường dày 1.2m – 1.35m. Vật liệu chính là gạch, vôi, mật mía và cát nên rất chắc chắn. Riêng 5 gian Tiền tế được gia tộc tu bổ vào năm 1974 thu gọn còn 3 gian 2 dĩ xây dựng bằng gỗ lim, gạch ngói đơn giản nhưng khá chắc chắn, đúng theo phong cách kiến trúc thời Lê.

Hiện nay, di tích còn lưu giữ nhiều tư liệu chữ viết như gia phả, bản gốc sắc phong của các triều đại, hoành phi, câu đối… đều rất có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Trung Hưng. 

Đáng chú ý là những hiện vật bằng đá, hình trụ, hình khối có niên đại thời hậu Lê và Lê Trung Hưng được chạm khắc họa tiết hoa văn rõ nét, không rườm rà nhưng sống động, đạt trình độ cao về thẩm mỹ nghệ thuật, đồng thời thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt và tính bền vững trường tồn.

Từ cổng di tích vào có đôi chó đá tư thế ngồi chầu cao 90cm, dáng vẻ hiền từ, vững chãi. Tiếp đến là đôi voi đá cao 117cm dáng phủ phục. Đối diện là đôi ngựa đá cao 150cm được chạm đủ yên cương, chuông nhạc. Bên trái có một chiếc thống đá đường kính 130cm, xung quanh chạm khắc hình cây cỏ, mây, nước và 4 chữ Thọ ở 4 phía. Bên phải có một cây hương đá hình trụ, vuông 4 mặt khắc chữ Hán.

Trong hậu cung cũng có một cây hương đá 8 mặt, chân đế là đài sen, 4 phía chạm hoa, mây, lá và chữ Hán. Ngoài ra còn một ban thờ bằng đá, một tấm đá nguyên khối gắn trên tường với 3 chữ “miếu Đại Trung”, có cột đồng trụ, sấu đá và đôn bằng đá hình bán nguyệt… Tất cả những hiện vật này được bài trí hài hòa, thể hiện được nét tôn nghiêm, cổ kính trong tổng thể khu di tích.

Điều này thể hiện trước hết ở tính nguyên gốc của miếu. Do điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, sự biến động của lịch sử xã hội, qua thời gian, nhất là chiến tranh liên miên, sự thay đổi của các vương triều phong kiến nên trong cả nước còn rất ít những di tích giữ được nguyên vẹn về kiến trúc như miếu Đại Trung.

theo giaoducthoidai.vn 

hỗ trợ trực tuyến

Email: nguonviet.unesco@gmail.com

Sản phẩm nổi bật

  • Hành trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh của nữ doanh nhân Kon Tum Nguyễn Thị Duyên (Giám đốc

    Hành trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh của nữ doanh nhân Kon Tum Nguyễn Thị Duyên (Giám đốc

  •  Khát Vọng

    Khát Vọng " Biến cát biển thành vàng" của Doanh Nhân Phù Tường Nguyên Dũng