Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Bảo tồn âm nhạc truyền thống trong cộng đồng - những hướng đi cần lan tỏa - Bài cuối: Giải pháp bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống tại cộng đồng

Ngày 06 Tháng 11, 2022

Bảo tồn âm nhạc truyền thống là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Những giải pháp nào để âm nhạc dân tộc được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng? Ghi nhận của phóng viên về những ý kiến đóng góp của một số nhạc sĩ, nhà nghiên cứu. 

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: "Để âm nhạc truyền thống tồn tại phải tạo ra các sân chơi cũng như tổ chức liên hoan"

Người ta hát dân ca để làm gì, phải thỏa mãn câu hỏi này thì mới đưa được ra giải pháp. Khi Nhà nước phục dựng lại, người dân tham gia, lúc đầu rất hấp dẫn họ học hát, học đàn rồi trình diễn cho nhau xem. Cái cuối cùng của người hưởng thụ văn hóa đó, tức là phô diễn mình trước công chúng, trước bạn diễn, phô diễn mình trước cộng đồng. Vậy thì biện pháp quan trọng nhất mà UNESCO đã đặt ra, đó là phải tổ chức để cộng đồng được trình diễn nghệ thuật đấy, càng nhiều càng tốt. Nếu cộng đồng không có chỗ để trình diễn thì không còn hấp dẫn đối với người dân, điều đó dẫn đến người dân cảm thấy môn nghệ thuật đó không còn được quan tâm và người ta học môn nghệ thuật đó thì không có tác dụng gì. Vì thế, biện pháp tốt nhất để khích lệ người dân tham gia học các loại hình âm nhạc truyền thống đó là thường xuyên tổ chức các liên hoan. Có thể liên hoan cấp tỉnh, cấp huyện và cấp quốc gia. Liên hoan cấp quốc gia là liên hoan khích lệ người yêu âm nhạc một cách mạnh mẽ và lớn nhất.

Học sinh, sinh viên của Tổ chức FPT edu biểu diễn hòa tấu âm nhạc dân tộc tại chương trình Tích Tịch Tình Tang

Tổ chức các sân chơi trên truyền hình để người dân yêu âm nhạc truyền thống trên cả nước được tham gia và thể hiện bản thân. Để thực hiện được điều này rất cần có sự vào cuộc của truyền thông. Truyền thông đây không phải là cung cấp và đưa thông tin mà tạo ra nhiều sân chơi cho các thể loại âm nhạc, nghệ thuật truyền thống. Có được sân chơi trên truyền hình thì cộng đồng cùng được thưởng thức, cùng với đó là sự phấn khởi của người được trình diễn trên truyền hình để bản làng xem, con cháu xem, dân mình xem… Tâm lý của người dân, sự khát khao của người dân được biểu diễn trên truyền hình là rất lớn. Khi sân chơi được tổ chức càng nhiều thì người dân càng quan tâm và người tham gia các loại hình âm nhạc truyền thống sẽ càng đông.

Bên cạnh đó, đằng sau sự trình diễn trong các cuộc liên hoan của cộng đồng là sự háo hức của những người yêu nghệ thuật khi biết sắp có liên hoan. Họ rất náo nức, hồi hộp với công tác chuẩn bị, “bếp núc” của hậu trường… Cái quá trình tập luyện đó chính là sự phục hồi lại và nó làm cho nghệ thuật mới mẻ hơn.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền: "Những người yêu âm nhạc cổ truyền cần được tập huấn với “khuôn thức” đúng đắn"

Âm nhạc cổ truyền thường chia ra làm hai loại là âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp. Âm nhạc chuyên nghiệp là âm nhạc của những người kiếm sống bằng nghề. Âm nhạc dân gian là âm nhạc của những người dân lao động. Âm nhạc dân gian có những đặc trưng riêng và gần như chi phối toàn bộ âm nhạc chuyên nghiệp. Đặc trưng của âm nhạc dân gian là: tính tập thể, tính phi văn bản, tính thực hành xã hội…

Tính tập thể, tính phi văn bản là một tác phẩm sáng tạo ra thì không phải của một người mà tác phẩm đó sẽ trở thành của cộng đồng, được truyền miệng từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác và không có văn bản. Và mỗi một lần như thế nó lại được bồi đắp, sáng tạo thêm. Cho đến ngày nay, những tác phẩm mà chúng ta nghe thấy là có sự đóng góp của rất rất nhiều thế hệ, lớp người. Và các tác phẩm hầu như không tồn tại trên văn bản, bản nhạc. Chính vì thế, âm nhạc cổ truyền gắn bó với các nghệ nhân thực hành, nếu nghệ nhân đó còn thì tác phẩm còn, nghệ nhân đó truyền dạy tiếp thì tác phẩm đó tiếp tục sống trong đời sống xã hội. Nhưng nếu nghệ nhân bị thất truyền (không dạy nữa hoặc không có học trò học nữa) thì tác phẩm đó sẽ - nói theo từ rất hay của giáo sư Tô Ngọc Thanh là “tác phẩm đó sẽ vĩnh viễn ra đi theo cái chết của lớp người già”. Điều đó cho thấy nó rất đồ sộ nhưng cũng rất mong manh.

Cùng với sự thay đổi của xã hội, lịch sử, các nghệ nhân không còn truyền dạy, nên âm nhạc cổ truyền đã bị đứt đoạn gần 50 năm và dần mất đi. Đặc biệt là cuối thế kỷ XX khi đất nước mở cửa, văn hóa nước ngoài tràn vào, nhiều thanh niên trong nước bị thuyết phục bởi những sản phẩm âm nhạc mới đó, nên việc quên đi âm nhạc của cha ông là điều tất nhiên. Đến đầu thế kỷ XXI, phong trào về nguồn tự thân trong giới trẻ dần dần phục hồi, giới trẻ có xu hướng muốn tìm về các giá trị của cha ông, chỉ tiếc là khi thế hệ trẻ muốn tìm về thì các thế hệ vàng - các nghệ nhân đã ra đi gần hết, chỉ còn một vài người, vì thế các bạn trẻ đã học mót, học qua băng đĩa. Cùng với đó, có nhiều câu lạc bộ hình thành theo phong trào như câu lạc bộ về ca trù, hát văn, xẩm… Chỉ có điều khi sống dậy, phục hồi lại thì nhiều khi nó bị biến đổi, sai lệch khá nhiều vì mạch truyền thống thưởng thức nhất, mạch lưu truyền (phi văn bản và các nghệ nhân) đã bị chặt đứt trong một thời gian dài. Khi phục hồi lại không còn nhiều nghệ nhân, nên chủ yếu học qua băng đĩa và tự học.

Chính vì thế, giải pháp để bảo tồn âm nhạc truyền thống là hãy làm đơn giản như những thế hệ đi trước đã từng làm. Nên tập huấn cho những người yêu âm nhạc cổ truyền để họ “chơi” cho đúng thông qua việc uốn nắn, điều chỉnh lại trên cơ sở băng hình cũ, và cần phải có những người đứng ra hiệu chỉnh lại. Sau đó tìm cách đào tạo ra những thế hệ đúng tiếp theo, đồng thời phải có môi trường cho họ tồn tại.

Bên cạnh đó với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc như chúng tôi thì cố gắng đi tìm hiểu, đúc kết lại, để chắp nối, cố gắng đưa ra những “khuôn thức” rõ ràng, đúng đắn như thế hệ các cụ đã từng truyền lại để các bạn trẻ được học tập rồi sau đó có thể truyền lại cho các thế hệ kế cận, mặc dù điều đó cũng rất khó khăn...

TS Trần Đoàn Lâm: "Thế hệ trẻ cần được “tắm mình” trong âm nhạc truyền thống"

Để âm nhạc truyền thống được bảo tồn và phát triển, thì chúng ta phải làm thế nào để thế hệ trẻ từ lúc bé đến khi lớn lên được “tắm mình” trong các làn điệu âm nhạc của dân tộc, từ đó họ mới yêu thương, tìm hiểu và thấy thấm được cái hay, cái tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc. Bên cạnh đó, phải đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường từ đó giúp các em hiểu về ý nghĩa cũng như gắn bó, học hỏi lâu dài với bộ môn này. Tôi thấy như Trường Đại học FPT đã đi đúng hướng khi đưa âm nhạc truyền thống trở thành môn học bắt buộc tại nhà trường. Trong quá trình học hỏi đó, đã phát hiện ra rất nhiều sinh viên tài năng trong việc sử dụng và chơi nhạc cụ truyền thống.

Tình yêu của các bạn trẻ với Xẩm - Ảnh: Ngô Văn Hảo

Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tại các trường học, thì đối với nghệ nhân tại cộng đồng nhân dân, việc truyền dạy thì cũng phải có những chính sách hỗ trợ để họ yên tâm làm nghề. Ngày xưa nghệ nhân hát xẩm, hát chầu văn… có thể sống bằng nghề, nhưng ngày nay số nghệ nhân sống bằng nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đồng thời, rất cần các phương tiện thông tin đại chúng hỗ trợ trong việc quảng bá các chương trình âm nhạc của dân tộc. Nếu trước kia thế hệ chúng tôi được nghe rất nhiều về chèo, dân ca nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam và trên truyền hình, đến giờ thì còn khá ít, thời lượng về âm nhạc cổ truyền đã bị cắt dần và thay thế bằng âm nhạc hiện đại. Vì thế làm cho người dân ít được tiếp cận hơn với âm nhạc truyền thống.

Hiện nay có rất nhiều nhóm, câu lạc bộ do những người yêu âm nhạc truyền thống thành lập của những người cao tuổi cũng như của các bạn trẻ. Bên cạnh sự yêu thích, đam mê với nghệ thuật, họ còn mở các lớp dạy miễn phí các thể loại âm nhạc dân tộc cho mọi người. Điều đó rất tốt cho việc lan tỏa âm nhạc truyền thống tại cộng đồng. Tuy nhiên, các câu lạc bộ không nên trông chờ quá nhiều vào việc hỗ trợ kinh phí hoạt động mà hãy tìm cách hoạt động bằng xã hội hóa và Nhà nước sẽ tạo khung pháp lý công nhận tư cách hoạt động của câu lạc bộ đó.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của truyền thông, cộng đồng, mỗi cá nhân, cùng chung tay đóng góp thì âm nhạc truyền thống sẽ được bảo tồn và phát huy trong thời đại ngày nay.

TS Phạm Minh Hương - Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc: "Bảo tồn những loại hình âm nhạc truyền thống đang sống không chỉ cần thiết mà còn là cấp bách"

Yếu tố truyền thống là sự khẳng định bản sắc riêng của mỗi đất nước, mỗi dân tộc, vì thế trong bất kỳ giai đoạn nào thì việc bảo tồn những giá trị truyền thống đều là điều hiển nhiên cần thiết đối với mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn toàn cầu hóa với sự giao thoa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực như hiện nay thì việc bảo tồn bản sắc dân tộc nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng lại càng cần thiết. 

May mắn là so với nhiều quốc gia, nhiều dân tộc khác trên thế giới, chúng ta hiện vẫn còn cơ hội để tiếp cận với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống vì nó vẫn còn tồn tại trong các cộng đồng như một thực thể sống tức là vẫn đang được duy trì thực hành, hoặc vẫn còn những nghệ nhân am hiểu, có khả năng thực hành; chứ không phải chỉ ở dạng tư liệu tĩnh trong các bảo tàng hay kho lưu trữ. Cho nên việc bảo vệ, bảo tồn những loại hình âm nhạc truyền thống đang sống không chỉ cần thiết mà còn là cấp bách, vì nếu không làm ngay, thì chỉ một thời gian nữa chúng sẽ mai một và theo chân các nghệ nhân ra đi, sẽ không thể tìm thấy trong môi trường cộng đồng nữa.

Để bảo tồn âm nhạc truyền thống muốn hiệu quả và bền vững, theo tôi, cần phải có các biện pháp cụ thể dành riêng cho từng nhóm thể loại hoặc từng thể loại phù hợp với hiện trạng tồn tại của chúng, cũng như vai trò của chúng trong nhu cầu về mặt tinh thần của cộng đồng. Tôi cho rằng đối với những loại hình yêu cầu cần có những môi trường thực hành truyền thống không thể thích ứng phù hợp với những môi trường thực hành mới nhưng vẫn còn các nghệ nhân nắm giữ thì chúng ta có thể sưu tầm khai thác theo phương thức hồi cố (thu thập thông tin qua lời kể, qua thực hành mẫu tại chỗ), rồi lưu trữ lại trong kho tư liệu dưới dạng tư liệu, để đến một thời điểm nào đó, khi cộng đồng cần, thì chúng ta sẽ trả lại cho cộng đồng phục hồi lại chúng - đó là dạng bảo tồn tĩnh.

Còn đối với những thể loại âm nhạc truyền thống vẫn có khả năng thích ứng với môi trường, nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ hiện đại của cộng đồng, hoặc những thể loại âm nhạc vẫn đang được duy trì thực hành, chúng ta có thể bảo tồn dưới dạng động bằng cách khôi phục, khuyến khích nhân rộng thực hành chúng trong cộng đồng trong môi trường nguyên bản truyền thống được tạo dựng lại hoặc trong những môi trường thực hành mới nhưng không làm mất đi cái bản sắc cốt lõi của thể loại. Bởi, nhiều khi có những thể loại âm nhạc truyền thống, nếu cứ cố khôi phục và giữ như nguyên bản truyền thống trong khi chúng không còn phù hợp thích ứng với nhịp sống hiện nay, thì vừa tốn kém mà không có hiệu quả lâu dài.

Đối với loại hình âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng thì đương nhiên không thể đưa ra môi trường sống bình thường và biến đổi nó, nhưng có thể chắt lọc những thành tố nghệ thuật không mang tính thiêng của nghi lễ để bảo tồn và phát huy trong những môi trường khác ngoài môi trường tín ngưỡng. Đối với những loại hình âm nhạc khác thì chúng ta có thể phục hồi, bảo tồn hoặc phát huy, làm mới dựa trên những đặc trưng cốt lõi của thể loại và đưa vào trong sinh hoạt đời thường. Đó là phương thức giúp cho âm nhạc truyền thống vẫn có được một đời sống riêng trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc làm mới vẫn phải tuân thủ theo những quy tắc truyền thống của loại hình âm nhạc đó, vì nếu làm mới quá đà bằng các phương thức khác thì vô hình trung sẽ làm biến dạng, mất đi bản sắc. 

Âm nhạc dân tộc được nhiều bạn trẻ lựa chọn và yêu thích

TS, NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng - Trưởng Khoa Âm nhạc Truyền thống, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh: "Làm thế nào để cho các em học sinh có thể tiếp cận với âm nhạc dân tộc từ bậc tiểu học, trung học rồi đại học"

Trong nhiều năm gần đây, ở TP.HCM, Sở Giáo dục kết hợp với các trường tổ chức những giờ học ngoại khóa giới thiệu về âm nhạc dân tộc. Các trường đã chủ động mời các đoàn nghệ thuật như đoàn Bông Sen, nhà hát Trần Hữu Trang, đến các câu lạc bộ: Tiếng hát quê hương, Trung tâm nghệ thuật của nghệ sĩ Vân Anh… cùng nhiều nhóm nhạc đến các trường học để tổ chức chương trình ngoại khóa cho các em học sinh. Qua các buổi nói chuyện, xem biểu diễn, các em học sinh được hiểu biết về loại hình âm nhạc của cha ông, góp phần khơi dậy cho các em tình yêu âm nhạc dân tộc.

Hiện nay, bên cạnh các chương trình về âm nhạc truyền thống của Nhạc viện TP.HCM, hay các buổi diễn cố định ở phố đi bộ do Sở VHTT TP.HCM thực hiện, thì việc đưa âm nhạc dân tộc vào học đường của các trường tiểu học, một số trường trung học đã được triển khai ở diện rộng. Nhưng tôi thấy, sự quan tâm đối với âm nhạc dân tộc một cách bài bản, chính quy hơn cả là Trường Đại học FPT đã đưa bộ môn âm nhạc dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường. Điều đó làm cho các em được tiếp xúc, tìm hiểu, qua đó các em sẽ thích thú, yêu thương, và hãnh diện với nhưng giá trị mà cha ông đã để lại.

Vì thế, để âm nhạc dân tộc có chỗ đứng vững chắc, được mọi người quan tâm nhiều hơn, theo tôi cần phải có chiến lược cụ thể, lâu dài, đó là làm thế nào để cho các em học sinh có thể tiếp cận với âm nhạc dân tộc từ bậc tiểu học, trung học rồi đại học. Nhà nước xây dựng lộ trình, chương trình học từ đơn giản đến phức tạp, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các trường học để các nghệ sĩ có thể đến đó giới thiệu, biểu diễn về âm nhạc dân tộc…

Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn cho các chương trình nghệ thuật truyền thống, nhất là với các chương trình mang tính chất bảo tồn. Với sự đầu tư một cách chỉn chu về chiều rộng và cả chiều sâu, việc lan tỏa âm nhạc truyền thống sẽ ngày càng phát triển và lan tỏa mạnh mẽ.