Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Ngày 13 Tháng 12, 2020
( Nguồn Việt) Gặp bà trong một sớm mùa Đông Hà Nội đẹp trời, giữa lúc đang tất bật chuẩn bị cho các tiết mục trong chương trình “Ngày Hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ 2 – 11/2019” do Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao tổ chức. Bà vẫn thế, trẻ trung, nhanh nhẹn, hoạt bát và lúc nào cũng thường trực nụ cười trên môi.
.Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám 
(Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám)
 Bất chợt, tôi gọi vui bà là “cô gái U80”, chỉ hỏi han được dăm ba câu sau đó bà lại chạy bên này, sang bên kia khu vực sân khấu của sự kiện để nhắc nhở các anh, chị, em diễn viên trong đoàn lo chuẩn bị cho buổi khai mạc sắp đến giờ. Đứng từ xa quan sát về phía sân khấu, cả một không gian hoành tráng, nhộn nhịp cờ hoa, áo màu, đạo cụ và những con người; Họ là Ban tổ chức, Diễn viên, Ban nhạc… nổi bật giữa cửa Đoan Môn - Hoàng Thành – Thăng Long. Dường như linh khí đang hội tụ về đây, những việc họ đang làm kia như duyên nghiệp, sứ mệnh mà Ông, Cha đã trao truyền cho họ phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy nó.

Đoàn nghệ thuật Trống Hội Thăng Long, tiền thân là câu lạc bộ (CLB) Đàn hát Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam do nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám làm trưởng đoàn. Đoàn là đơn vị thành viên tiêu biểu của Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao, hiện đang tham gia rất tích cực cho các hoạt động Văn hóa và Thể thao của Trung tâm, bất kể ngày nào, nắng hay mưa đoàn đều đáp ứng các yêu câù của tổ chức. Một lần tôi hỏi vui: Sao cô Tám có tuổi rồi, không nghỉ ngơi cho khỏe mà tham gia hoạt động nhiều quá vậy, có đủ sức không..? Bà chỉ trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi luôn muốn được cống hiến vì cộng đồng”. Ôi, thật trân quý! Tấm lòng đó của bà có lẽ cũng như của toàn bộ các thành viên trong đoàn, họ đều đồng tâm một lòng cống hiến cho xã hội không màng lợi danh, có mấy ai được thế.

Vì quá ngưỡng mộ những con người đầy nhiệt huyết, say mê với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, sẵn sàng cống hiến vô điều kiện cho cộng đồng, đặc biệt là người phụ nữ trưởng đoàn có vóc dáng nhỏ bé ấy. Ngay sau sự kiện, tôi đã đi tìm hiểu về bà nhiều hơn… và một lần đến gặp bà tại nhà riêng trong một con ngõ nhỏ nằm trên đường Lạc Long Quân, Hà Nội.

Bà sinh ra và lớn lên ở Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình nơi có những làn điệu Chèo và múa rối nước truyền thống . Cuộc sống lao động, sản xuất cùng với những làn điệu dân gian đã thấm vào tâm hồn bà từ đó. Trong những năm tháng chiến tranh, khi miền Bắc ngập chìm trong bom đạn của giặc Mỹ, những làn điệu ấy bằng lời ca, tiếng hát của bà là nguồn cổ vũ tinh thần chiến đấu cho đồng đội. Sau này, đất nước thống nhất, bà vẫn tiếp tục niềm say mê ca hát; Công tác ở nhiều các cơ quan khác nhau bà luôn đóng góp tích cực cho hoạt động văn nghệ phong trào. Một niềm vinh dự đã đến, năm 1987, bà được Chủ tịch nước Trường Chinh trao tặng Huân chương kháng chiến Hạng Ba, điều đó càng tiếp thêm động lực cho bà phấn đấu.

Những thành tích của Đoàn nói chung và của riêng bà Nguyễn Thị Minh Tám, ngày càng gây được tiếng vang, uy tín với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài… Sự năng nổ, nhiệt tình trong công việc cũng như trong cuộc sống của bà đã được các tổ chức, đoàn thể tín nhiệm, giao cho đảm nhiệm nhiều vai trò, trọng trách khác nhau như: Phó Chủ nhiệm Hội Cựu chiến binh Phật tử Quán Sứ; Chủ nhiệm Hội Bơi lội Người cao tuổi quận Cầu Giấy; Chủ nhiệm CLB Những người yêu dân ca quận Cầu Giấy; Phó ban văn hóa Trung tâm UNESCO PT VH&TT…
 

Các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá suốt nhiều năm qua: Thường xuyên truyền dạy sáng tác, biên đạo, dàn dựng các làn điệu múa hát cổ truyền như: Múa Cung đình, múa Cờ, múa Sinh tiền, múa Chén, múa Đăng, múa Quạt, hát Chèo, hát Chầu văn, trống Hội và hát Xẩm vv.. Trong số các môn được bà truyền dạy thì môn hát Xẩm được bà rất chú trọng; bên cạnh đó còn dạy 13 đoàn trống, trong đó có 3 đoàn trống Tế và trống Rước. Tất cả những bộ môn trên được bà tổ chức truyền dạy trên khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Trong chương trình Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2019 và kỷ niệm 22 năm CLB Đàn và Hát dân ca Đài tiếng nói VN bà đã dựng thành công màn trống khai mạc đánh theo nhạc (Liên khúc trống hội) rất hoành tráng - nhạc và lời của nhạc sĩ Dân Huyền và Ngọc Phan, có sự tham gia của các nghệ sĩ Thúy Ngần, Anh Tú, Xuân Chiều và các anh, chị em khác trong đoàn…

Giai đoạn từ 1998 – 2012, thực hiện nghị quyết TW5 của nhà nước, suốt 15 năm bà liên tục được chính quyền địa phương nơi bà sinh sống khen tặng. Có rất nhiều các giấy khen, bằng khen, vinh danh của các tổ chức: UNESCO Việt Nam và Trung ương Giáo hội - Phật giáo VN.
Bên canh đó, các hoạt động thể thao của bà không thể không nhắc đến: Suốt mấy chục năm qua, bà chính là một VĐV Lướt ván và Bơi lội, đã tổ chức các lớp dạy cho hàng ngàn người biết bơi, cứu sống 13 người chết đuối. Những thành tích đóng góp của bà đã được Trung ương Hội thể thao dưới nước Việt Nam tặng “Huy hiệu Vàng” vì sự nghiệp Thể thao dưới nước Việt Nam; Và được tặng hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc, Đồng… ở các giải toàn quốc.

Không thể kể hết những thành tích đã cống hiến của bà cho nhà nước, cộng đồng, và các tổ chức… Có thể nói một thành tựu trong cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ, nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám thật đáng kính nể và trân trọng; suốt đời cống hiến vì nghệ thuật và thể thao Việt Nam, bà chính là “Nghệ sĩ – Nghệ nhân Ưu Tú” trong lòng chúng tôi và xứng đáng được nhà nước công nhận danh hiệu ấy.
Nhân dịp năm mới Canh Tý, tôi kính chúc bà và gia đình cũng như toàn thể các thành viên trong đoàn Trống hội Thăng Long một mùa xuân dồi dào Sức khỏe và Hạnh phúc.

Thế Sơn