Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Chuyện của ‘cây đại thụ’ Nguyễn Trực Luyện

Ngày 24 Tháng 05, 2021
Trong bất cứ lĩnh vực nào mình tham gia, Nguyễn Trực Luyện luôn là một tên tuổi lớn, luôn là người tiên phong để mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc cho những năm về sau. Nguyễn Trực Luyện là một nhà văn hóa lớn, một kiến trúc sư lớn và là một nhân cách lớn.
Chuyện của ‘cây đại thụ’ Nguyễn Trực Luyện
 

Đánh giá về ông, bạn bè, đồng nghiệp, những người biết và từng gặp mặt đều có chung một nhận xét, Nguyễn Trực Luyện là một con người rất hòa mục, nho nhã, nhưng trong công việc, đặc biệt là khi đấu tranh cho sự đúng đắn của nghề kiến trúc, ông không ngại va chạm, tìm mọi cách để bảo vệ lẽ phải.

86 năm cuộc đời, giông bão đi qua cuộc đời của Nguyễn Trực Luyện rất nhiều nhưng khi đối diện với cuồng phong của cuộc sống ông luôn tiếp cận, đối diện, xử lý với một tâm thế bình tĩnh, yên cả. Có rất nhiều bạn bè, tri kỷ của ông bảo rằng, không một ai có thể biết được sóng ngầm trong con người của Nguyễn Trực Luyện vì tất cả đều được ông giấu kín, tự mình giải quyết, tự mình vượt qua…

Nhà văn hóa, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện sinh năm 1935 ở Hà Nội trong một gia đình có truyền thống kiến trúc khi cụ thân sinh là là KTS Nguyễn Cao Luyện. Lĩnh hội được tư tưởng cũng như có sự định hướng từ nhỏ, trải qua nhiều khúc quanh của lịch sử đất nước nhưng Nguyễn Trực Luyện vẫn trau dồi, học hỏi để mà sau này trở thành một kiến trúc sư đại tài.

Năm 1946, khi mới 11 tuổi, ông đã theo bố lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1952, khi đã 17 tuổi, ông mới học lớp 7. Năm 1953 thì dừng học và được cử đi phục vụ chiến dịch, làm việc trong Ban vận tải tiền phương, có nhiệm vụ theo dõi vận tải lương thực ra mặt trận. Kháng chiến thắng lợi, chàng thanh niên Nguyễn Trực Luyện về Hà Nội học xong kỳ I lớp 9 thì được cử sang Liên Xô học trung cấp ngành Phát động lực ở Trường Kỹ thuật điện Leningrad.

Sống 1 năm ở Leningrad, thấy học kỹ thuật không phù hợp, mà thành phố thì có nhiều công trình kiến trúc đẹp, lúc nào cũng thôi thúc ước ao được làm kiến trúc sư, nên Nguyễn Trực Luyện nhiều lần viết thư xin Đại sứ quán cho chuyển sang học kiến trúc. Một thời gian sau người ta chấp nhận cho ông vào học ở Trường Đại học Kiến trúc Moskva, cùng với các ông Huỳnh Lẫm, Trịnh Nhưng, Vũ Thuộc. Đây cũng là những người Việt Nam đầu tiên học kiến trúc ở Liên Xô.

Tốt nghiệp đại học ở Moskva xong về nước, năm 1963, KTS Nguyễn Trực Luyện được phân công làm ở Vụ Thiết kế Tiêu chuẩn do KTS Nguyễn Văn Ninh làm vụ trưởng. Những năm đó, phong trào chống “xét lại” rất căng thẳng, nhất là đối với những ai học Liên Xô về, nên cuối tuần phải tập trung nghe chuyện “thời sự”.

Cuối năm 1963, KTS Nguyễn Trực Luyện tham gia cuộc thi thiết kế Cung Văn hóa Lao động Thủ đô với phương án theo phong cách hiện đại, mạng lưới cột hình lục giác, mái hình gấp nếp như kiểu của Nervi.

 

Khoảng năm 1982 – 1983, KTS Nguyễn Trực Luyện được cử sang Liên Xô để cùng với các KTS nước bạn thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh thì ở Việt Nam diễn ra Đại hội Hội KTSVN lần thứ III. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất và cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ KTS đầu tiên, những người tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với thế hệ thứ hai, những người được đào tạo dưới chế độ XHCN. Đại hội đã bầu KTS Nguyễn Trực Luyện làm Tổng thư ký trong khi vắng mặt. Lúc mới về nước, ông vừa tiếp tục làm Bảo tàng Hồ Chí Minh với tư cách là viện phó Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng, vừa làm công tác hội.

Đối với các hoạt động của UNESCO tại Việt Nam và của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Nguyễn Trực Luyện là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lên tổ chức tập hợp rộng rãi các tổ chức, công dân Việt Nam trên phạm vi quốc gia và người Việt Nam ở nước ngoài tự nguyện tham gia, đóng góp vào các hoạt động theo mục tiêu, lý tưởng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã được ghi nhận trong Công ước thành lập UNESCO.

Là Chủ tịch đầu tiên, những năm tháng ban đầu đầy khó khăn của Liên hiệp các Hội UNECO Việt Nam, nhà văn hóa, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đã cùng với các thành viên trong Ban chấp hành, trong Hiệp hội (sau này là Liên hiệp) lần lượt vượt qua.

Ngay từ ngày đầu thành lập, với vai trò là Chủ tịch, nhà văn hóa, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đã khẳng định, vai trò của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là phải thúc đẩy việc truyền bá các mục tiêu, chương trình hoạt động của UNESCO, thông tin kiến thức về khoa học, giáo dục, văn hoá và thông tin truyền thông, là những lĩnh vực hoạt động chuyên môn của UNESCO, thông qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước, tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia, bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới.

Trong những năm sau này, nhà văn hóa, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện dù không tham gia Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam như trước nhưng ông vẫn luôn theo sát các hoạt động của tổ chức. Những tư duy, quan điểm và kinh nghiệm của ông là những bài học lớn để các thế hệ sau này xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam vững mạnh như ngày hôm nay.
Theo Ngày Nay