- Góc Nhìn Văn Hóa
- Cô giáo Hoàng Thị Uyên – Gương sáng điển hình ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai
Cô giáo Hoàng Thị Uyên – Gương sáng điển hình ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai
Ngày 09 Tháng 05, 2025
(Nguonviet)Trong ngành giáo dục mầm non, có những giáo viên không chỉ mang trong mình tâm huyết với nghề mà còn sở hữu trái tim ấm áp, luôn sẵn sàng dành tình yêu thương và sự kiên nhẫn cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Hoàng Thị Uyên, giáo viên trường Mầm non Vĩnh Hưng, chính là một trong những tấm gương sáng ấy.

Cô giáo Hoàng Thị Uyên, giáo viên trường Mầm non Vĩnh Hưng,
Tốt nghiệp đại học khoa giáo dục đặc biệt trường đại học sự phạm Hà Nội, cô không chỉ vững chuyên môn bên giáo dục mầm non mà còn không ngừng nỗ lực trong việc nâng cao chuyên môn để giúp đỡ trẻ có nhu cầu đặc biệt. Hiện tại, bên cạnh công việc giảng dạy, cô Hoàng Thị Uyên còn theo học chương trình cao học để nâng cao chuyên môn và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục hòa nhập. Cô luôn tin rằng với lòng nhiệt huyết và tình yêu trẻ, mình sẽ không chỉ giúp trẻ khuyết tật hòa nhập mà còn hỗ trợ các em tự tin và mạnh mẽ bước vào cuộc sống.
.jpg)
Cô Hoàng Thị Uyên đánh giá và tư vấn phụ huynh về các mặt phát triển của bé
Trong những năm gần đây, tác động kéo dài của dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều vấn đề phát triển ở trẻ em, bao gồm chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động và giảm khả năng tập trung. Việc phải ở nhà trong thời gian dài đã hạn chế cơ hội giao tiếp của trẻ với bạn bè và môi trường xung quanh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của chúng. Thêm vào đó, sự bận rộn trong công việc đã khiến không ít phụ huynh phải phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ, như điện thoại thông minh, để quản lý và giám sát con cái. Điều này đã góp phần làm gia tăng khó khăn trong giao tiếp và phát triển kỹ năng xã hội của trẻ.


Cô Hoàng Thị Uyên hỗ trợ trẻ hòa nhập cùng các bạn trong lớp học
Chia sẻ về một số kinh nghiệm giảng dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt, cô Hoàng Uyên cho biết: Việc đầu tiên khi dạy trẻ hòa nhập cần phải xác định nhu cầu năng lực của trẻ. Đây là một việc làm bắt buộc trong giáo dục hòa nhập. Có tìm hiểu nhu cầu và khả năng của trẻ mới có thể xây dựng được kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ và các hoạt động hỗ trợ khác. Điểm quan trọng thứ hai là cần lựa chọn phương pháp và điều chỉnh chương trình giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy, cần tạo tình huống cho trẻ nói, dạy trẻ nói những câu ngắn gọn, đơn giản. Bên cạnh đó, khi dạy cần chia nhiệm vụ ra thành nhiều bước nhỏ, tách các mục tiêu học tập ra thành nhiều cấp bậc. Ngoài ra, cần hình thành cho trẻ những kỹ năng sống phù hợp và xây dựng mục tiêu giáo dục cho trẻ. Nhìn những học trò đặc biệt của mình tốt lên mỗi ngày là động lực để cô tiếp tục lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia với các em mắc chứng tự kỷ học hòa nhập.
.jpg)
Với sự nỗ lực không ngừng và lòng nhiệt huyết trong sự nghiệp giáo dục, cô Hoàng Thị Uyên đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Năm học 2015 – 2016, cô nhận giấy chứng nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố với đề tài “Một số biện pháp giáo dục trẻ tự kỷ hòa nhập trong lớp học mầm non”; Năm học 2020 – 2021, cô vinh dự nhận danh hiệu “Nhà giáo Hoàng Mai tâm huyết sáng tạo” do Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai trao tặng; Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, khẳng định vai trò tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giáo dục. Đặc biệt, cô được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt năm 2024” do ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai trao tặng.

Nguyễn Thị Tuyết Lê