Đại võ sư Phi Long - rồng đen quy ẩn
Ngày 01 Tháng 03, 2021
Với 87 lần thượng đài, 68 trận thắng knock out, chỉ 1 trận hòa, không có trận thua, vô địch Việt Nam năm 1966, vô địch Đông Dương năm 1968, đại võ sư Phi Long thực sự là nỗi khiếp đảm của các tay đấm trên khắp các sàn đấu Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Cả cuộc đời lừng lẫy khắp các sàn đấu và cống hiến nhiều cho sự nghiệp phát triển võ thuật đỉnh cao của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, nay tuổi đời đã cao, đại võ sư Phi Long chọn đỉnh đèo An Khê (Bình Định) xây dựng Tổ đường, dồn sức nghiên cứu và truyền bá võ học.
Nền võ thuật ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 từng chứng kiến một thời kì dài phát triển cực kì sôi động. Nhiều lò võ mở ra, nhiều sàn đấu được dựng lên, nhiều cuộc tỉ thí khốc liệt diễn ra đã tạo dựng nên những tên tuổi lớn, đưa khả năng thực chiến của võ Việt bước lên một đỉnh cao mới chứ không còn là trò “hữu danh vô thực” như người ta vẫn thường thấy ở các đám mãi võ chuyên bán thuốc múa quyền để kiếm sống trên đường phố.
Khi đó, các làng võ cổ truyền ở Bình Định nổi lên như cái nôi đào tạo và cung cấp võ sĩ chuyên nghiệp cho các sàn đấu ở khắp các tỉnh miền Nam. Tại đây, nhiều tên tuổi lớn đã xuất hiện. Đặc biệt, giai đoạn thập niên 60, cái tên Phi Long nổi lên như một hiện tượng lạ. Trên sàn đấu ông được mệnh danh là “độc cô cầu bại” với 87 lần thượng đài, 68 trận thắng knock out, chỉ 1 trận hòa, không có trận thua, vô địch Việt Nam năm 1966, vô địch Đông Dương năm 1968. Ngoài sàn đấu, cuộc đời của võ sĩ tài hoa, lãng tử này cũng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị.
Đại võ sư Phi Long tên thật là Trần Quốc Long, sinh năm 1944, người Đồng Phó (Tây Sơn, Bình Định). Ông sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp trung nông, có truyền thống võ học. Ông nội, cha và bác của ông đều là những người giỏi võ nổi tiếng trong vùng. Vì thế, ngay từ năm lên 6 ông đã theo bác học những thế quyền cước vỡ lòng đầu tiên. Năm lên 10 ông được cha đưa lên Kon Tum theo học ở trường dòng La San Kim Phước. Những tưởng mọi việc an bài, ai ngờ đến cuối năm đệ tam (lớp 10 bây giờ), Phi Long lại bỏ học về quê xin phép cha rước thầy võ về nhà để học.
Đại võ sư Phi Long, 75 tuổi, Chưởng môn phái Phi Long, vô địch Đông Dương năm 1968 và được biết đến như một tay đấm không có đối thủ với 87 trận bất bại (trong đó có 68 trận thắng knockout) trên khắp các võ đài miền Nam Việt Nam trước 1975. Ảnh: Thanh Hòa Đại võ sư Phi Long trong thế “hầu vương đoạt quả” (vua khỉ đoạt trái), một thế đánh điển hình cho lối đánh “dĩ nhu chế cương” (lấy yếu đánh mạnh) của môn phái Phi Long. Ảnh: Thanh Hòa Đại võ sư Phi Long trong thế “thanh xà xuất động” (rắn xanh rời hang), một thế đánh điển hình cho lối đánh uyển chuyển, biến hóa khôn lường của môn phái Phi Long. Ảnh: Thanh Hòa Đại võ sư Phi Long trong thế “hầu vương xuất thế” (vua khỉ ra oai). Ảnh: Thanh Hòa Tuy tuổi đã cao nhưng đại võ sư Phi Long vẫn còn rất khỏe mạnh, ngoài việc nghiên cứu, rèn luyện võ thuật ông còn có thú vui thích được gần gũi với thiên nhiên để tĩnh dưỡng tinh thần và sức khỏe. Ảnh: Thanh Hòa |
Vốn thương con lại biết Phi Long có biệt tài về võ học nên ông Trần Nghĩa Sỹ, cha Phi Long, đã đi khắp vùng tìm thầy giỏi về dạy cho con. Nhờ gia đình có điều kiện lại được cưng chiều, nên lúc bấy giờ Phi Long chẳng phải làm gì ngoài ngày hai bữa luyện võ. “Trong khi bạn bè trang lứa phải phụ cha mẹ làm ruộng, chăn bò, trông em… thì tôi ngày 2 buổi chỉ có mỗi việc học võ. Khẩu phần một ngày ngoài ba bữa cơm canh còn có 2 quả trứng gà ta, một li sữa bò và nải chuối mốc bồi dưỡng thêm”, võ sư Phi Long tâm sự.
Suốt mấy năm trời, Phi Long theo học võ với các võ sư giỏi như thầy Nguyễn Thái Sơn, người được mệnh danh là “Thần heo” vì nổi danh với trận tay không hạ thủ một con heo rừng lớn, hay như thầy Trịnh Thiếu Anh, người giỏi rất nhiều môn võ, kể cả quyền anh. Dường như vẫn thấy chưa đủ, Phi Long lại khẩn khoản xin cha tìm thầy giỏi hơn để học. Thấy con quá đam mê, ông Trần Nghĩa Sỹ đâm ra lo lắng. Ông cấm không cho Phi Long học võ và dọa: “Nếu học võ nữa sẽ chặt tay”. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau, Phi Long đã lặng lẽ trốn nhà sang huyện Phù Cát tìm võ sư Huỳnh Liễu (tức Hương Kiểm Kính) bái sư.
Sau này, võ sư Phi Long tiết lộ lí do học võ khá bất ngờ, đó là hồi ấy gia đình ông có ý định mở một đồn điền cao su trên Tây Nguyên, mà công nhân cạo mủ thời đó thành phần cũng khá phức tạp với đủ hạng người từ trốn lính, trốn tù từ dưới Sài Gòn dạt lên. Vì thế lúc đầu ông có ý định học võ trước là để phòng thân, sau là để có cái vốn cai quản đám nhân công bất hảo đó. Thế nhưng việc mở đồn điền thì không thành, còn niềm đam mê võ học thì ngày mỗi lớn khiến ông cứ thế dấn thân ngày càng sâu vào con đường võ nghiệp lúc nào không biết.
Thời đó thầy Hương Kiểm Kính rất nổi, học trò theo học rất đông. Theo thầy được 5 năm, Phi Long bắt đầu tham gia vào những trận thượng đài và sớm mang danh về cho môn phái bằng những trận thắng đầu đời. Hồi đó ở đất Bình Định, tiếng tăm của Phi Long nổi như cồn, nhiều võ sĩ đàn anh có thể trạng to khỏe như Minh Tinh, Thành Công, Trần Can, Thái Bình… nhưng khi so găng đều không qua được ông. Ví như Thái Bình, võ sĩ này nặng 82kg, còn Phi Long chỉ 62kg nhưng cũng không phải là đấu thủ của ông.
Loanh quanh mãi ở đất Bình Định cũng chán, Phi Long rời quê đi đầu quân cho các lò võ ở xa tận Tây Nguyên, Sài Gòn, thậm chí vào cả miền Tây với một mục đích là được đi đấu. Cũng cần phải nói thêm, thời đó phong trào đấu võ đài phát triển rất mạnh nên các lò võ thường tuyển võ sĩ giỏi về thi đấu cho mình, võ sĩ đánh cho võ đường nào thì mang họ của võ đường đó.
“Khi đi đánh cho võ đường Lý Xuân Tạo ở các trận đài cánh Bắc Bình Định và Tây Nguyên thì tôi mang tên Lý Quốc Long. Từ Phú Yên trở vào đến Bình Thuận người ta biết tôi với tên Huỳnh Long vì tôi đánh cho người thầy Huỳnh Tiền biệt danh “cáo già miền Nam”. Còn vùng Sài Gòn đi xuống miền Tây, tôi mang tên Minh Long vì đánh cho võ đường của “võ vương” Minh Cảnh… Nói tóm lại, Phi Long, Lý Quốc Long, Minh Long hay Huỳnh Long đều là tôi cả”, võ sư Phi Long nói.
Do mang nhiều cái tên như vậy nên Phi Long cũng thường gặp may khi đi thách đấu, vì có khi người ta né Phi Long lại gặp Lý Quốc Long, né Lý Quốc Long thì lại gặp Minh Long… Nhờ đó mà số trận thượng đài của ông cũng nhiều hơn người khác.
Võ sư Phi Long cho biết, hồi ấy ông đi đấu võ đài không có ý lấy danh mà chỉ để kiểm tra tay nghề của mình đến đâu mà thôi. Khi đi đấu ông không theo cân chạn (hạng cân), chỉ cần nghe ở tỉnh nào có võ sĩ nổi danh nhất là ông tìm tới thách đấu. Cũng vì thế mà ông đã gặp không ít rắc rối sau những trận thượng đài do có kẻ ganh ghét tìm cách gây gổ, trả thù, nhưng bù lại khả năng thực chiến của ông ngày một cao hơn, thậm chí tiền kiếm được nhờ đấu đài cũng nhiều hơn. Võ sư Phi Long cho hay, lúc ấy, mỗi trận đấu của ông tiền bồi dưỡng của lò võ thì ít, nhưng tiền lèo (tiền thưởng của khán giả) thì rất nhiều. Có những trận đánh tiền ông kiếm về có thể mua được 10 chiếc xe Honda 67, loại xe máy nhập khẩu từ Nhật rất thịnh hành và có giá trị vào thời đó.
Những năm 60 là thời kì đỉnh cao sự nghiệp đấu đài của võ sư Phi Long. Đặc biệt, năm 1966, khi về đầu quân cho võ đường của “võ vương” Minh Cảnh, trong trận thượng đài tranh ngôi vô địch tại sân Tinh Võ ở Sài Gòn ông đã đánh bại võ sĩ Trần Cường người Biên Hòa và giành ngôi Vô định Việt Nam hạng Rồng (ngoại hạng). Hai năm sau, năm 1968, chính võ sư Minh Cảnh đưa ông sang Phnompenh (Campuchia) đấu với võ sĩ nước chủ nhà và giành danh hiệu Vô địch Đông Dương. Cũng sau trận thắng đó ông chính thức treo găng, giã từ sự nghiệp đấu đài và về quê Bình Định mở võ đường dạy võ.
Tâm sự về quãng đời lừng lẫy của mình, võ sư Phi Long cho biết có rất nhiều kỉ niệm, vui có, buồn có. Đáng nhớ nhất là có lần ông vào sân Tinh Võ thách đấu với Mã Thành Lèo, trung úy quân cảnh chế độ Sài Gòn, tay đấm người Hoa nổi tiếng vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuộc thách đấu bất thành nhưng sau này ông và Mã Thành Lèo trở nên thân thiết, hay trao đổi võ học với nhau.
Đại võ sư Phi Long (thứ tư, trái sang) là thành viên của Ban Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển võ dân tộc Bình Định. Ảnh: Tư liệu Đại võ sư Phi Long và các môn sinh tập trung tại Tổ đường để chuẩn bị cho chuyến đi làm từ thiện ở quê nhà Bình Định. Ảnh: Tư liệu Đại võ sư Phi Long với lớp võ sinh nhỏ tuổi ở quê nhà Bình Định. Ảnh: Tư liệu Đại võ sư Phi Long với hai nữ đệ tử tại quê nhà Bình Định. Ảnh: Tư liệu Đại võ sư Phi Long với đệ tử là võ sư Thanh Bình (tỉnh Quảng Bình) tại Tổ đường trên đèo An Khê (Bình Định). Ảnh: Tư liệu Hai đệ tử người Australia trong chuyến về thăm sư phụ Phi Long tại Tổ đường trên đèo An Khê (Bình Định). Ảnh: Tư liệu |
Ngoài những chuyện vui cũng có những chuyện không hay khiến ông nhớ mãi. Ví như chuyện năm 66 ở Cam Ranh, năm 67 ở Biên Hòa, chỉ vì ông thắng đối thủ mà bị đám lính tráng Việt Nam Cộng hòa thua độ cay cú quăng lựu đạn và bắn súng mưu sát tưởng chết. Hay như năm 68, khi ông lên Kon Tum thách đấu võ sĩ người gốc Campuchia, người này là lính binh chủng tăng thiết giáp Việt Nam Cộng hòa, chưa hết hiệp 1, Phi Long đã hạ đối thủ nằm sàn. Điên tiết, đám lính bạn bè chiến hữu của võ sĩ này kéo nhau ra phong tỏa Quốc lộ 14 tìm bắn Phi Long khiến ông phải lánh nạn ở Kon Tum hơn 1 tháng sau mới về được đến nhà. Hoặc có những võ sĩ đấu thua đem lòng oán hận đã thuê giang hồ tìm cách xử ông. Những chuyện kiểu như vậy võ sư Phi Long gặp nhiều và cũng đã lường trước trong cuộc đời bôn ba khắp các sàn đấu của mình nên ông thấy bình thường, không trách giận hay thù oán ai, nhờ đó mà về sau có người hối hận tìm đến xin lỗi, có người trở thành bạn thân.
Sau năm 1975, võ sư Phi Long được mời làm Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tây Sơn, Bình Định. Năm 1980, Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Nghĩa Bình (hợp nhất từ hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định trước đây) mời ông về làm huấn luyện viên bộ môn đối kháng cho đội tuyển võ thuật cổ truyền của tỉnh, rồi phụ trách huấn luyện võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung, gần đây ông lại được mời vào Ban Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển võ dân tộc Bình Định, Việt Nam...
Cả cuộc đời lừng lẫy khắp các sàn đấu và cống hiến nhiều cho sự nghiệp phát triển võ thuật đỉnh cao của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, nay tuổi đời đã cao, đại võ sư Phi Long chọn đỉnh đèo An Khê (Bình Định) xây dựng Tổ đường để vui với gió, làm bạn với trăng sao, dồn sức nghiên cứu và truyền bá võ học. Sở dĩ võ sư Phi Long chọn đèo An Khê bởi theo ông đó là điểm giữa của hai vùng Tây Sơn thượng và Tây Sơn hạ, hai vùng đất có ý nghĩa rất đặc biệt trong việc khởi dựng nên cái nôi võ cổ truyền Bình Định quê hương ông. Và cũng từ ngày về đây ông được giới võ lâm yêu mến đặt cho biệt hiệu “rồng đen quy ẩn”.
Con rồng lừng lẫy một thời nay tuy nói về ở ẩn nhưng dường như vẫn còn chưa dứt hẳn với nghiệp võ. Bởi học trò của ông nay đã lên đến mấy nghìn người, võ đường mở ở khắp mấy chục tỉnh thành trên cả nước, lại có cả ở Úc và Mỹ. Năm vài ba bận học trò các nơi lại về An Khê, trước là để thăm thầy, sau là để kiểm tra trình độ, thọ giáo thêm những tuyệt chiêu. Thỉnh thoảng ông cũng xách xe máy đi thăm thú đây đó, có lúc hứng lên “một mình một ngựa” chạy một lèo cả mấy trăm cây số khỏe như đám thanh niên vừa mười tám đôi mươi. Thế mới thấy ở cái tuổi 75 nhưng thần lực của “rồng đen” xem ra vẫn còn dồi dào và khang kiện lắm/.
Theo Báo Ảnh Việt Nam