Đồ ngự dụng bằng gốm sứ trong Hoàng thành
( Nguồn Việt) Đồ ngự dụng (đồ dùng sinh hoạt của vua) bằng chất liệu gốm sứ được tìm thấy khá nhiều trong quá trình khảo cổ tại khu di tích 18 Hoàng Diệu (Hà Nội). Những di vật gốm sứ tại đây cho thấy trình độ chế tác đồ gốm của thợ thủ công Thăng Long đã đạt tới đỉnh cao của thời kỳ đó.
Những đồ gốm tráng men trắng, men ngọc có niên đại từ thời Lý thực sự gây bất ngờ lớn cho bất kỳ ai bởi độ tinh xảo của những sản phẩm ấy. Gốm men trắng thời Lý đạt được độ trắng mịn và óng như gốm Tống, vốn được tiếng là đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật làm gốm. Chất lượng gốm men trắng thời Lý và gốm Tống tương đồng đến mức, người ta chỉ có thể phân biệt được đâu là gốm trắng thời Lý, đâu là gốm trắng thời Tống qua độ đậm nhạt của màu men, xương gốm hay kỹ thuật tạo dáng. Nhóm bát đĩa trang trí hoa cúc dây, hay nhóm bát đĩa khắc chìm hoa sen tráng men ngọc cũng là nhóm sản phẩm đạt đẳng cấp ngang bằng gốm Tống. Loại gốm này có chất lượng cao với nước men màu xanh ngọc đậm, xương gốm trắng, mịn. Những mảnh gốm phế thải và những mảnh khuôn in hoa cúc dây được tìm thấy trong quá trình khảo cổ giúp các nhà khoa học khẳng định rằng đồ gốm men trắng, men ngọc được tìm thấy ở đây chính là sản phẩm của thợ thủ công nước ta dưới thời Lý.Đồ gốm tráng men ngọc cũng là dòng đồ gốm đẹp của thời Lý. Hoa văn trang trí cho những đồ vật này thường gắn với đề tài hoa lá, hoặc hình rồng hết sức tinh xảo, sinh động.
Đồ gốm ngự dụng thời Lý thường có màu sắc và hoa văn trang trí trang nhã, nhưng cũng rất cầu kỳ, tinh mỹ. Hình tượng trang trí được sử dụng nhiều nhất vẫn là hoa sen, hoa cúc, hình rồng, tiên nữ… Đó đều là những đề tài mang màu sắc phật giáo, phương Đông rất điển hình.
Đồ gốm thời Trần có sự kế thừa đồ gốm thời Lý nên về cơ bản tương tự như gốm thời Lý. Tuy nhiên, đồ gốm thời Trần cũng có những nét riêng, đó là dòng gốm hoa lam. Dòng gốm này phần lớn là bát đĩa vẽ cành hoa cúc, vân mây hình khánh, chim phượng hay hoa lá bằng màu nâu sắt hoặc màu xanh.
Bên cạnh đồ sứ trang trí hình tượng rồng 5 móng dành riêng cho nhà vua, tại khu vực Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ còn tìm được rất nhiều đồ gốm được trang trí bằng hình chim phượng là đồ dùng của các bà hoàng.Thời Lê, đồ gốm ngự dụng tráng men trắng mỏng trang trí hình rồng có chân 5 móng sắc nhọn, khỏe khoắn, ở giữa in chữ Quan, và đồ gốm hoa lam cao cấp vẽ hình rồng, phượng với đường nét rất tinh xảo được đánh giá là đạt đến đỉnh cao của sự hoàn hảo. Đồ sứ trắng mỏng thời Lê chủ yếu là loại bát đĩa nhỏ, có xương gốm mỏng như vỏ trứng, khi soi trước ánh sáng có thể nhìn thấy hoa văn trang trí lớp trong. Rồng 5 móng in nổi là biểu tượng của rồng đế vương, dấu hiệu rõ ràng nhận biết rằng đó là đồ ngự dụng. Chữ Quan ở giữa lòng đĩa có thể hiểu là sản phẩm của lò quan (quan diêu), hay đồ dùng dành cho vua quan (quan dụng). Do được chế tạo với loại xương gốm rất mỏng nên trọng lượng của những vật dụng này rất nhẹ.
Ngoài bát, đĩa, thạp, chậu, bình hoa, đế đèn, các nhà khảo cổ còn tìm được những bình vôi khá nguyên vẹn cùng những dụng cụ ăn trầu đi kèm. Điều đó chứng tỏ, phong tục ăn trầu cũng rất phổ biến trong Hoàng cung.
(Theo Hoangthanhthanglong.vn)