Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Mưa bão qua đi, di sản còn gì?

Ngày 14 Tháng 12, 2020
Dải đất miền Trung mỗi năm lại đón một mùa bão lũ, các di tích nhà rường, nhà cổ, thành quách lăng miếu ở Quần thể di tích kiến trúc Huế (Thừa Thiên - Huế) và khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) năm nào cũng chìm trong nước. Cứ mỗi lần bão ập xuống là mọi nỗ lực trùng tu bảo tồn các hiện vật di sản dường như rơi vào nguy cơ “đổ xuống sông xuống biển”.

Nước chảy đá mòn

Những ngày qua, lượng mưa trong các đợt lũ đầu tháng 10/2020 tại Thừa Thiên Huế rất lớn và kéo dài quá nhiều ngày khiến tình trạng ngập lụt trên diện rộng. Tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích đã bị nước lũ tràn vào và ngập sâu, như: di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng cung Huế nước dâng ngập cả 1m. Ngoài ra, nhiều di tích khác dọc sông Hương cũng bị nước lũ tràn gây ngập nặng các đường đi, vùng đệm như lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị…

Ở tỉnh Quảng Nam, mưa lớn kéo dài cùng thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ khiến  nhiều nơi ở phố cổ Hội An nước lũ dâng lên. Cả khu phố cổ mênh mông nước, người dân phải hò nhau di chuyển, kê đồ đạc lên nơi cao hơn, chỉ có những ngôi nhà cổ là không thể di chuyển, đứng “chôn chân” trong nước.

Trước đó, cuối năm 2017, trận lũ lớn cũng khiến di sản ở Huế “chao đảo”. Do nước sông Hương dâng cao nên điện Hòn Chén (thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế) đã bị chia cắt hoàn toàn, đường vào lăng Thiệu Trị bị ngập sâu và nước trên sông Hương cũng đã vào đến nền của Nghinh Lương Đình. Những bức tường thành cổ rêu phong của kinh thành Huế bị lốc cuốn nghiêng, chân thành bị ngâm nước lún sụt.

Các lăng ven sông Hương bị ngập nước và bùn đất. Những công trình kiến trúc tráng lệ bằng gỗ sơn son thếp vàng có tuổi cả trăm năm luôn bị thử thách bởi mưa bão thường niên. Cũng tình trạng đó, chính quyền Hội An đã từng không dưới 2 lần lên tiếng kêu cứu về các công trình nhà cổ hàng trăm tuổi đã hóa ọp ẹp dưới gió bão dữ dằn và nước lụt thâm canh. Nhưng rồi, mỗi lần tiếng nhạc báo bão vang lên, cả hệ thống chính trị địa phương và mọi người dân lại hối hả tất bật lo chống đỡ, từ nhà cổ vẹo xiêu đến bờ kè sông sạt lở.

Ngoài di sản ở Huế và Quảng Nam, Việt Nam hiện có gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố khắp trên cả nước. Hệ thống di sản văn hóa có giá trị là nguồn tài nguyên của đất nước. Thế nhưng, không ít trong số đó đang kêu cứu bởi thiên tai, thời tiết, nhất là khu vực miền Trung. Chịu tác động của thiên nhiên khắc nghiệt: nắng nóng, mưa nhiều, nhất là lũ lụt thường xuyên, tình trạng biến đổi khí hậu, bão kèm theo gió mạnh, lốc xoáy hàng năm nên các kiến trúc cổ đứng trước nguy cơ bị “xói mòn” bởi sự tàn phá của tự nhiên.

Thiếu các hoạt động mang tính phòng ngừa thiên tai

Theo ông Michael Croft, trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, sự tàn khốc của thiên nhiên là vô cùng dữ dội. Con người không thể kiểm soát hoặc dự đoán tất cả những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Lũ miền Trung là một lời cảnh báo rằng biến đổi khí hậu không chỉ là lý thuyết hay một điều gì đó trừu tượng mà đang hiện hữu ngày càng rõ hơn.

 
Mưa bão qua đi, di sản còn gì? ảnh 1

Hội An những ngày lũ lụt.

Nói về sự tàn phá dữ dội của thiên tai với những di sản văn hóa tại những khu vực bị bão lũ miền Trung vừa qua, ông Michael Croft cho biết, văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã liên hệ với chính quyền địa phương để làm việc liên quan đến những di sản văn hóa ở Hội An và Huế. “Nhờ có sự phản ứng nhanh từ rất sớm và nhanh chóng của chính quyền địa phương trong việc thực hiện kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai nên thiệt hại đã được hạn chế hết mức có thể” – ông nói.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng khẳng định, trung tâm đã thực hiện các biện pháp che chắn và có phương án bảo vệ các công trình di tích đang trùng tu cũng như các điểm di tích một cách chi tiết nên công trình bị ảnh hưởng không đáng kể.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc ngâm nước lũ lâu sẽ khiến cho tuổi thọ của công trình lâu năm bị suy giảm. Dù hàng năm, công tác kiểm tra chống mối mọt, phương án gia cố, chống đỡ đối với các khu vực cần tu bổ, trùng tu tại các di sản vẫn được tiến hành đều đặn.

Trên thế giới, rất nhiều di sản đã phải đối mặt với nguy cơ bị nguy hiểm rình rập vì thiên tai lũ lụt, đơn cử như thành phố nổi Venice hứng trận lụt kỷ lục hồi tháng 11/2019 đã rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp. Ở đất nước Trung Quốc, trong trận lụt gần đây cũng khiến Chá Cao – một thị trấn cổ hơn 3.000 năm lịch sử, cách trung tâm thành phố Sào Hồ, tỉnh An Huy khoảng 20 km về phía Tây Bắc chìm trong nước. Nhiều năm trước, UNESCO đã liệt kê các hậu quả của biến đổi khí hậu đối với các Di sản thế giới ở khu vực Địa Trung Hải và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Di sản  vốn được coi là loại tài sản không thể tái sinh, không thể thay thế và có thể khai thác nhiều lần, qua nhiều thế hệ kế tiếp. Nhưng càng ngày, thiên tai do biến đổi khí hậu càng ảnh hưởng lớn đến các di sản. Tại Việt Nam, thực tế các hoạt động mang tính phòng ngừa tác động của sự biến đổi khí hậu đối với di sản vẫn chưa rõ ràng, vẫn chỉ dừng lại ở các hoạt động tu bổ theo kiểu “nước rút đến đâu chống đỡ đến đấy”.

Trong một cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Thế Hùng - Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã đưa quan điểm, để “cứu” di sản Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Ủy ban Di sản thế giới như: Lựa chọn hệ thống pháp lý đáp ứng việc thay đổi khí hậu; Nghiên cứu đáp lại trước sự tăng nhanh của các yếu tố gây nguy hiểm như: hỏa hoạn, khô hạn, lũ lụt nhằm hỗ trợ cho các kế hoạch quản lý tài sản; nghiên cứu kinh tế - xã hội, như phân tích quan hệ vốn lãi, định giá sự mất mát về kinh tế do sự thay đổi khí hậu và định giá ngẫu nhiên, cũng như những nghiên cứu tác động của thay đổi khí hậu đối với xã hội, đặc biệt đối với truyền thống hoặc cảnh quan văn hóa, nơi lối sống đóng góp cho giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Ngày Nay