Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Một Số Giải Pháp Giáo Dục Di Sản Văn Hóa Việt Nam Cho Học Sinh Các Cấp

Ngày 06 Tháng 10, 2021
( Nguồn Việt) Tóm tắt: Bài viết về một số giải pháp giáo dục di sản văn hóa Việt Nam cho học sinh các cấp nhằm đánh giá thực trạng công tác giáo dục di sản văn hóa Việt Nam đối với học sinh các cấp trong thời gian qua…, những lợi ích đạt được và những bất cập, khó khăn tồn tại và nguyên nhân?. Để từ đó có khuyến nghị các giải pháp cho các nhà hoạch định phát triển giáo dục di sản văn hóa Việt Nam đối với học sinh các cấp cũng như hướng tới mục tiêu phát triển bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam đối với học sinh các cấp.

TS. Nguyễn Phúc Lưu - GĐ Trung tâm UNESCO Phát triển VH&TT
    Abstract: The article is about some solutions to educate Vietnamese cultural heritage values ​​for pupils at all levels in order to assess the current situation of Vietnamese cultural heritage value education for pupils at all levels in the recent period time…, the benefits achieved and the shortcomings, existing difficulties and causes?. From there, there are recommendations for solutions for planners to develop the value of Vietnamese cultural heritage education for pupils at all levels as well as towards the goal of sustainable development of the value of Vietnamese cultural heritage  for pupils of all levels.
 Ban Lãnh đạo Trung tâm UNESCO Phát triển VH&TT 
Mở đầu:
Di sản văn hóa của Việt Nam là một hệ thống phong phú về tài nguyên Lịch sử - Văn hóa.Trong đó, nhiều giá trị văn hóa đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một dân tộc, một quốc gia và có ảnh hưởng toàn cầu – đó là di sản văn hóa thế giới. Tính đến tháng 12 năm 2020, Việt Nam có 28 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới trong đó có 19 di sản văn hóa (bao gồm 06 di sản văn hóa vật thể và 13 di sản văn hóa phi vật thể thế giới). Đây là những tài sản vô giá chung của toàn nhân loại. Ngoài ra Việt Nam còn có hàng ngàn di sản cấp quốc gia, cấp Tỉnh, thành phố…, trải dài đất nước từ Bắc - Trung - Nam, ở đâu có dấu chân con người đi mở cõi, ở đó có những di sản quý giá người xưa để lại cho đời nay. Văn hóa – Di sản văn hóa là cốt hồn của mỗi Dân tộc, nó khẳng định giá trị nhân văn, phẩm hạnh của Dân tộc, đồng thời định vị giá trị của Quốc gia đó trên Toàn cầu. Do vậy, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong đó, di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống… Còn di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…vv [4]. Do vậy, việc nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ về kho tàng di sản văn hóa dân tộc luôn là việc làm cần thiết. Đáp ứng đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm gắn học tập với thực tiễn, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai phương thức sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông đang được nhiều trường trung học vận dụng rất hiệu quả. Việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông được thực hiện chủ yếu ở các môn học: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn và Âm nhạc. Đây cũng là sự phối hợp giữa ngành giáo dục với ngành văn hóa, thể thao, du lịch và UNESCO trong thực hiện sử dụng di sản văn hóa trong dạy học [6].
Mục đích của việc đưa di sản vào trong trường học là để giúp học sinh hiểu biết về giá trị của các di sản, giáo dục các em ý thức gìn giữ, bảo vệ các di sản, qua đó xây dựng nhân cách, ý thức trách nhiệm, tình yêu quê hương đất nước của mỗi cá nhân – công dân đối với Tổ quốc. Giáo dục di sản cũng góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh. Chương trình đưa di sản vào trong trường học cần được các trường xây dựng linh hoạt, phù hợp với điều kiện vùng miền, văn hóa dân tộc và cũng phải phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường ở các khu vực: nông thôn, thành thị, miền núi, ven biển, hải đảo,... và mọi đối tượng học sinh trên khắp cả nước.
  1. Thực trạng giáo dục di sản văn hóa cho các cấp học sinh tại các trường
Thực trạng giáo dục di sản văn hóa cho các cấp học sinh ở trường, theo một số điều tra, khảo sát giáo viên ở một số trường Trung học Cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai và một số các tỉnh, thành khác… cho thấy, phần lớn giáo viên đều cho rằng giáo dục di sản trong dạy học là việc làm rất cần thiết [1].  Các giáo viên đều đã chỉ ra được mục đích của việc giáo dục di sản cho học sinh là giúp học sinh hiểu được thế nào là di sản và giá trị di sản, các loại di sản văn hóa, sự phân bố, ý nghĩa và vai trò của di sản, ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản. Nội dung giáo dục giá trị di sản mà các giáo viên thường giáo dục cho học sinh chủ yếu là ý nghĩa, vai trò và giá trị của di sản văn hóa. Trong khi trên thực tế, các di sản văn hóa ngày càng xuống cấp, cần được bảo vệ thì việc giáo dục ý thức và trách nhiệm bảo tồn các di sản vẫn chưa được sâu sắc. Ngoài ra, mức độ tiến hành giáo dục di sản cho học sinh qua bài dạy địa lí nhìn chung còn thấp, chỉ 40% giáo viên là thường xuyên thực hiện giáo dục di sản, đặc biệt vẫn có những giáo viên rất hiếm khi chú ý đến việc này. Về phương pháp của giáo viên trong việc giáo dục di sản văn hóa: qua dự giờ cho thấy, đa số giáo viên đều kết hợp nhiều phương pháp để giáo dục di sản cho học sinh [1]. Tuy nhiên, phương pháp được giáo viên sử dụng nhiều vẫn là các phương pháp truyền thống (ý nghĩa – vai trò của di sản). Các phương pháp có tác dụng đến hoạt động nhận thức của học sinh còn ít được sử dụng, thậm chí không áp dụng như phương pháp điều tra khảo sát, tham quan thực tế. Các giáo viên đều cho rằng không đủ thời gian cho bài học và cũng khó áp dụng vì thiếu nguồn kinh phí...vv. Về hình thức tổ chức dạy học khá đa dạng: Một số trường ở cấp học phổ thông đã khuyến khích học sinh tham gia các lễ hội truyền thống tại địa phương, đó cũng là một trong những hình thức tuyên truyền và duy trì các loại hình văn hóa phi vật thể và cũng chính là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để duy trì môi trường sống cho những thể loại nghệ thuật cổ truyền. Tuy nhiên, hình thức chiếm ưu thế nhất chủ yếu vẫn là hình thức dạy học theo lớp (50%), khả năng huy động học sinh làm việc không cao. Các hình thức như trò chơi học tập, dạy học ngoài trời,... có khả năng phát huy tính độc lập, sáng tạo của học sinh thì ít được sử dụng. Bên cạnh, các phương tiện dạy học được sử dụng nhiều nhất là phim ảnh (50%); sách giáo khoa và số liệu thống kê (20%). Giáo dục di sản văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, theo đánh giá của giáo viên là thiếu phương tiện dạy học (50%), thiếu thời gian và các hướng dẫn. Chính vì vậy, mức độ đạt được mục tiêu khi giáo dục di sản văn hóa cho học sinh còn thấp. Theo đánh giá của giáo viên thì các mục tiêu đề ra của việc giáo dục di sản văn hóa nhìn chung mới chỉ đạt mức khá (70%), mức cao (20%), rất cao (10%) [1].

Học Sinh Trung tâm Tiếng Anh thi tìm hiểu về các di sản thế giới được UNESCO công nhận
Việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Qua đó, bài học trở nên sinh động, hấp dẫn và giúp học sinh hứng thú, tiếp thu bài tốt hơn. Sau một thời gian triển khai việc đưa di sản vào dạy học cho các trường từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, có thể khẳng định giáo dục di sản trong trường học là một việc làm cần thiết. Theo nhiều địa phương, chương trình giáo dục di sản đã chứng tỏ hiệu quả trong công tác giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn truyền thống, lịch sử cho học sinh. Một số mô hình và phương pháp tiếp cận cho thấy mang lại hiệu quả giáo dục cao đối với học sinh. Học sinh rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia vào các hoạt động trên lớp và trải nghiệm ngoài lớp học. Ở các tỉnh miền núi, nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, từ chỗ rất rụt rè, ít nói đã trở nên tự tin trong giao tiếp, trao đổi và trình bày ý kiến với bạn học, thầy cô giáo. Kết quả các em thu được không chỉ là kiến thức mà còn là nhận thức về các giá trị di sản và tổng hòa các các kỹ năng khác nhau, trong đó có nhiều kỹ năng sống.
Tuy nhiên, việc đưa di sản vào dạy học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh cũng còn khá nhiều tồn tại. Tổ chức tham quan, học tập trải nghiệm tại di sản vẫn chỉ mang tính h́ình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”. Hầu hết, các di tích hay bảo tàng tại Việt Nam chưa có những chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, đủ để lại những bài học ấn tượng sâu sắc cho khối kiến thức mà các em học sinh được tiếp thu trên lớp học. Việc đưa di sản vào trong trường học cũng gặp khó khăn nhất định, nhất là trong việc lựa chọn di sản để tích hợp vào bài học và thời gian để tổ chức các hoạt động ngoại khóa... vv. Ngoài ra, số lượng trường học tổ chức được các buổi học như trên không nhiều. Theo các trường, việc dạy và học trong những năm qua chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu, khái quát chứ chưa được chú trọng. Hơn nữa, việc sắp xếp thời gian để học các nội dung liên quan đến đưa di sản văn hóa vào nhà trường là cực kỳ khó khăn về mặt thời gian. Do đó, đối với các trường thật sự có tâm huyết, các giáo viên sẽ phải linh hoạt về thời khóa biểu, bố trí dạy bù... Ngoài ra, kinh phí để sử dụng cho việc dạy và học cũng hạn chế, nhiều phụ huynh ngại yếu tố an toàn cho con em nên mỗi lần trường tổ chức học tập trải nghiệm tại di sản luôn phải thuyết phục. Theo các chuyên gia, chương trình giáo dục trong nhà trường hiện nay quá thiên về truyền thụ kiến thức để phục vụ cho các kỳ thi cử, nên đôi khi các trường ít chú trọng đến các kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc, do đó, việc phối hợp đưa di sản văn hóa vào nhà trường càng bị coi là một hình thức quá mới mẻ, ít được quan tâm. Trong khi đó, số lượng di sản văn hóa hiện nay đa dạng và phong phú nhưng chưa được tận dụng nguồn học liệu này vào chương trình học tập,…vv.

Học sinh các trường tham gia học ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa việt
 
2. Một số giải pháp giáo dục di sản văn hóa Việt Nam cho học sinh các cấp:Thứ nhất, để tránh tình trạng nặng nề, quá tải cho học sinh, việc giáo dục di sản cần phải đa dạng trong hình thức tổ chức dạy và học. Tùy điều kiện của từng địa phương và đặc thù của từng bậc học, cấp học mà mỗi trường có một cách tổ chức phù hợp. Phương thức tổ chức dạy học các nội dung di sản văn hóa trong trường học bao gồm lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (nội khóa hoặc ngoại khóa); xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có chủ đề liên quan đến di sản có tính chất điển hình và hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, khai thác các nội dung khác của di sản văn hóa thông qua tư liệu, hiện vật; tổ chức các hoạt động giáo dục tại di tích.Tùy hoàn cảnh và đối tượng mà khuyến khích các hình thức giáo dục di sản khác nhau. Ở thành phố thì giáo dục ở các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn là quan trọng. Ở vùng núi, vùng xa xôi hẻo lánh không có bảo tàng, xa các di tích thì tập trung giáo dục các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn của các dân tộc, theo đặc trưng và văn hóa riêng của từng dân tộc, từng vùng miền trên địa bàn trường…vv.
Thứ hai, đối với giáo dục di sản văn hóa vật thể: Hình thức giáo dục giá trị của các di sản có hiệu quả nhất đó là tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dạy học tại nơi có di sản văn hóa, tổ chức tham quan và trải nghiệm tại nơi có di sản văn hóa. Các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như môn Địa lí và Lịch sử được xem là một môn có nhiều cơ hội để giáo dục di sản văn hoá hơn hẳn những môn khác. Nắm bắt được thế mạnh đó thì giáo viên ở các trường THCS và THPT cần thiết xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động nội khóa, ngoại khoá giáo dục di sản văn hoá cho học sinh. Đây là phương pháp dạy học tích cực, vừa truyền thụ cho học sinh những kiến thức cần thiết, rèn luyện kĩ năng vừa thực hành được thái độ, tình cảm, ý thức bảo vệ văn hoá bản sắc dân tộc, đồng thời nâng cao hứng thú học tập các môn khoa học xã hội cho học sinh...vv. Khai thác các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn và nhà trường đóng vai trò như là nguồn tri thức, là phương tiện dạy học, giáo dục đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết về di sản văn hóa cho học sinh. Hiện nay, nhiều trường học đã tận dụng những thế mạnh về di sản của địa phương mình để giúp học sinh nâng cao tri thức cũng như giúp cho học sinh trân quý hơn về những giá trị di sản văn hóa do ông cha để lại. Tuy nhiên, về phía nhà trường và giáo viên phải bảo đảm các yêu cầu như lập kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị và tiến hành bài học, đi khảo sát thực địa, liên hệ với các cơ quan quản lý di sản,... Qua buổi học tập và trải nghiệm tại di sản, các học sinh sẽ hiểu được giá trị từ những di sản của địa phương, thấy yêu quí trân trọng và tự hào hơn về quê hương mình, từ đó có thái độ và hành vi đúng đắn, có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Thứ ba, đối với giáo dục di sản văn hóa phi vật thể: Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cũng có nhiều hình thức đem lại hiệu quả cao như dạy học thông qua các phương tiện truyền thông, đa phương tiện, đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường, giáo viên hướng dẫn cho các em học sinh tự tổ chức và thực hành các hoạt động liên quan đến văn hóa dân tộc như trò chơi dân gian; lễ hội của các dân tộc; dân ca, truyền thống của các dân tộc,…vv. Do vậy, trong những cách thức này, giáo viên chính là người hướng dẫn, điều phối hoạt động học và học sinh trở thành người lĩnh hội tri thức một cách chủ động. Kết quả các em thu được không chỉ là kiến thức mà còn là nhận thức về các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và tổng hòa các kỹ năng, trong đó bao gồm nhiều kỹ năng sống.

Sinh viên Học Viện Múa Việt Nam tìm hiểu vể Văn Hóa Di Sản Việt Nam trong Ngày Hội Di Sản Văn Hóa Việt Nam lần III do Trung tâm UNESCO Phát triển VH&TT tổ chức
Trên thực tế, hiện nay việc lựa chọn di sản gì vào bài học nào, lựa chọn những thông tin và hình thức nào để giáo dục giá trị di sản văn hóa phi vật thể, chính là trăn trở của nhiều giáo viên. Do vậy, cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương cần phải có sự đồng nhất trong việc hướng dẫn các cấp học, trước tiên cần phải lựa chọn trên danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại để đưa vào giáo dục là ưu tiên thứ nhất, sau đó ưu tiên thứ hai là lựa chọn những di sản trên địa bàn, cộng đồng ở đâu thì chúng ta lấy di sản ở đó, tìm những gì gần gũi và bình dị để tích hợp vào bài giảng, có như vậy giáo viên mới dễ sử dụng và các em học sinh sẽ nhớ một cách thiết thực về văn hóa của chính mình. Ngoài ra, mỗi tỉnh cần có thống kê di sản văn hóa phi vật thể chi tiết và theo thứ tự ưu tiên theo lứa tuổi, cấp học để đưa di sản đến gần hơn với học sinh, Ví dụ: đối với tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng là địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc Tày, Nùng nên giáo viên cần nghiên cứu và lồng ghép những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của hai dân tộc này như hát sli, hát lượn, đàn tính, hát then, lễ hội lồng tồng,…vv.
Các hoạt động giáo dục di sản văn hóa cần phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em học sinh và giảm thiểu sự hàn lâm hóa kiến thức trong dạy học. Điều này sẽ tạo nên sự thích thú, say mê tìm tòi của học sinh, thoát khỏi sự gò bó theo các giờ giảng trên lớp trước đây. Việc khai thác và sử dụng tài liệu về di sản để tiến hành giảng dạy cũng cần sự nhuần nhuyễn. Cụ thể, giáo viên phải tiến hành chọn lọc kỹ và xác minh tính chân thực của các tài liệu về di sản. Đặc biệt, phải biết chọn lọc những tài liệu điển hình nhất, sắp xếp các tài liệu đó thành hệ thống phù hợp với tiến trình bài học kết hợp với các phương tiện trực quan trong giảng dạy nhằm giúp học sinh ghi nhớ dễ dàng cả về hình ảnh và thông tin...vv.

Các trò chơi văn hóa dân gian được tái hiện lại
Thứ tư, tăng cường sự liên kết phối hợp chặt chẽ liên ngành: liên kết đối với những nhà quản lí di sản, những cán bộ làm việc tại các di sản với ngành giáo dục và ngành du lịch. Cụ thể, xây dựng các chương trình tour giáo dục di sản văn hóa chuyên đề cho các đối tượng học sinh theo các cấp học khác nhau, điều này thể hiện cách thức truyền đạt cùng một nội dung trong thuyết minh tại các di sản cho các đối tượng học sinh là phải khác nhau (học sinh tiểu học/học sinh trung học cơ sở (THCS)/học sinh THPT/khách tham quan,...) nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong giáo dục di sản văn hóa. Do vậy, nếu chỉ sử dụng chung một phương pháp truyền đạt nội dung cho tất cả các đối tượng học sinh thì rất dễ dẫn đến việc học sinh có thể chán do không tiếp thu kịp hoặc không tập trung nghe và kết quả là hiệu quả giáo dục thấp. Bên cạnh đó, rất cần có những hoạt động tương tác cho học sinh tại các di sản. Ở mỗi điểm di sản, đặc biệt là những di sản văn hóa - lịch sử đã được công nhận là di sản cấp quốc gia nên xây dựng các phòng tương tác với các mô hình, trang thiết bị phù hợp với di sản để học sinh có không gian trải nghiệm và sáng tạo. Nhằm nâng cao chất lượng của những hoạt động giáo dục di sản tại điểm đến, các cơ quan quản lý cần có cơ chế phối hợp bằng cách bố trí chuyên gia, hướng dẫn viên để hỗ trợ các trường trong việc giới thiệu, dẫn dắt và giúp học sinh trải nghiệm, tìm hiểu di sản một cách thuận lợi nhất.
Thứ năm, đối với ngành giáo dục nói chung và từng giáo viên giảng dạy ở các cấp nói riêng trước hết cần xây dựng kế hoạch, chương trình, hoạt động giáo dục liên quan đến di sản phù hợp với tâm lí, lứa tuổi, nhận thức của học sinh. Giáo dục di sản có hiệu quả thì cần phải xác định được chủ đề, đối tượng là học sinh tiểu học phải khác so với học sinh THCS và khác so với học sinh THPT. Bên cạnh đó, để chương trình giáo dục di sản có chất lượng thì phải có sự kết nối chặt chẽ giữa giáo dục với phụ huynh học sinh, giáo viên với ban giám hiệu nhà trường và giữa nhà trường với phòng giáo dục, sở giáo dục của mỗi địa phương.
Thứ sáu, ngành giáo dục cần phải chuẩn hóa khung bài giảng cho giáo dục di sản văn hóa và có hướng dẫn chi tiết trong việc xây dựng bài giảng giáo dục di sản văn hóa đối với giáo viên các cấp. Ngoài ra, giáo viên các cấp cũng cần chủ động sưu tầm tư liệu về di sản và xây dựng bài học phù hợp, nghiên cứu kĩ những nội dung, kiến thức liên quan đến các chủ đề tích hợp giáo dục di sản và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại nơi có di sản. Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý di sản khi tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm cần phải giúp học sinh trải nghiệm, tìm hiểu di sản một cách thuận lợi nhất. Giáo viên cần giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh trước và trong buổi đi trải nghiệm, chia học sinh thành các nhóm nhỏ, sau buổi trải nghiệm các nhóm phải có sản phẩm báo cáo theo hình thức thảo luận nhóm, trao đổi, nhận xét về sản phẩm của nhau, như vậy chắc chắn học sinh sẽ thấy rất thú vị và khả năng ghi nhớ bài học của học sinh sẽ cao hơn.
KẾT LUẬN:
Để giáo dục nhận thức về di sản văn hóa đối với học sinh các cấp có hiệu quả, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa ngành giáo dục, ngành văn hóa và có sự tham vấn của ngành du lịch từ Trung ương đến các địa phương. Hơn nữa, trong quá trình dạy và học ở các trường cho học sinh các cấp, cần có sự nỗ lực phối hợp của nhà trường, giáo viên và cha mẹ phụ huynh học sinh trong việc lồng ghép nội dung giáo dục di sản văn hóa vào trong mỗi bài học cũng như việc tổ chức các buổi ngoại khoá, dạy học theo chủ đề sẽ giúp cho học sinh tiếp cận với di sản nhiều hơn, phát triển kĩ năng học tập, tự lĩnh hội kiến thức và kích thích hứng thú học tập cho học sinh. Tổ chức cho học sinh học và trải nghiệm tại di sản văn hóa sẽ giúp các em hiểu biết rõ hơn về di sản văn hóa của dân tộc, có tình yêu di sản và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Do vậy, lợi ích và hiệu quả từ phương pháp giáo dục này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn nhất định từ hình thức giáo dục qua di sản văn hóa, cần sự đổi mới, kiên trì cũng như sự đồng thuận của nhiều phía, đặc biệt là sự quyết tâm của ngành giáo dục. Chính vì vậy, để có hiệu quả giáo dục di sản văn hóa, điều cần nhất là sự chủ động từ phía ngành giáo dục, sau đó tiếp đến là công tác triển khai từ phía các nhà trường…vv. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan như văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tạo nên “sức hút” cho công tác giáo dục di sản văn hóa đối với học sinh các cấp.
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Dương Quỳnh Phương và Đỗ Văn Hảo, 2019. Di sản và vấn đề giáo dục di sản cho học sinh Trung học phổ thông. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.
  2. Nguyễn Thế Hùng,  2007. Phát huy giá trị di tích phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng
     và phát triển đất nước. Tạp chí Di sản văn hóa, số 20. 
3   Nguyễn Thị Bích Thủy, 2012. Bảo tồn và phát huy Di sản văn Hóa Thăng Long – Hà Nội. Tạp chí VHNT số 335, tháng 5.
4. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009 và 2011), Luật Di sản Văn hóa số 28/2011/QH10 được thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2011 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đã được thông qua 2009.
5. UNESCO, 1972. Công ước về việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới.
6. Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông – phương thức dạy học phát triển các kĩ năng thực hành, năng lực của học sinh. Ngày truy cập 14/9/2021, địa chỉ truy cập:https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=4817
7. Giáo dục di sản văn hóa trong trường học. Ngày truy cập 14/9/2021, địa chỉ truy cập: http://baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/giao-duc-di-san-van-hoa-trong-truong-hoc-71942.html
8. Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường còn thưa vắng. Ngày truy cập 14/9/2021, địa chỉ truy cập: https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/giao-duc-di-san-van-hoa-trong-nha-truong-con-thua-vang-1491849379
TS. Nguyễn Phúc Lưu  
Ths. Trương Minh Tiến
Trung tâm UNESCO Phát triển VH&TT

 
  1.