Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Nhà hát online: Xu thế tất yếu của nghệ thuật biểu diễn

Ngày 29 Tháng 07, 2021
 Nhà hát, sân khấu online được dự đoán sẽ là cách thức phù hợp nhất để đưa những màn trình diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tới khán giả trong mùa dịch.
Chương trình nghệ thuật "Những ngôi sao bất tử" được phát sóng trực tuyến tối ngày 27/7 trên kênh VTV2. (Ảnh: Thể thao & Văn hoá)
Chương trình nghệ thuật "Những ngôi sao bất tử" được phát sóng trực tuyến tối ngày 27/7 trên kênh VTV2. (Ảnh: Thể thao & Văn hoá)
 

Cơ hội thưởng thức nghệ thuật cho mọi khán giả

Qua gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các nhà hát, các sân khấu đóng cửa, các đơn vị nghệ thuật trên cả nước không thế tổ chức biểu diễn, do đó các chương văn hóa nghệ thuật có quy mô, có chất lượng cao trên sân khấu, trên truyền hình hầu như không còn, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng bị ảnh hưởng lớn.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị và bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngay từ giữa năm 2020, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Trong hai ngày 27/7 và 28/7, đã có 2 chương trình nghệ thuật trực tuyến do Cục nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo các nhà hát xây dựng và biểu diễn phục vụ khán giả. Đó là "Những ngôi sao bất tử" do các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên) thực hiện và “Tổ quốc trong tim” do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thực hiện

Nhà hát online: Xu thế tất yếu của nghệ thuật biểu diễn ảnh 1
Nghệ sĩ ưu tú Đức Long - một trong những nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật trực tuyến “Tổ quốc trong tim”. (Ảnh: Hà Nội mới)

Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên, thực hiện trong các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTT&DL. Sau này, hoạt động này sẽ được nhân rộng ra các đoàn nghệ thuật trong cả nước sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm.

Hình thức phát trực tuyến này đã giúp các nhà hát tổ chức được các sự kiện nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh, tạo cơ hội cho khán giả trên khắp mọi miền đất nước có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật sân khấu, cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp góp phần giúp các nhà hát, các nghệ sỹ quảng bá rộng rãi nét hay, nét đẹp của các chương trình nghệ thuật mà không cần phải tới xem trực tiếp.

 

Một chiến lược lâu dài

Theo ông Dương, Cục đã làm việc với các nhà hát trực thuộc Bộ lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình. Không chỉ vậy, Bộ còn đề nghị một số đài truyền hình như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, một số đài phát thanh - truyền hình tỉnh, thành phố… để phối hợp phát sóng các chương trình biểu diễn của các nhà hát. Các đơn vị trên hoàn toàn ủng hộ đề nghị này.

Nhà hát online: Xu thế tất yếu của nghệ thuật biểu diễn ảnh 2
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. (Ảnh: Lệ Thủy/Vietnam+)

Với thế mạnh của 12 nhà hát trực thuộc Bộ và lực lượng nghệ sỹ diễn viên tài năng nhất trong cả nước, các chương trình nghệ thuật này sẽ là những chương trình, vở diễn tiêu biểu với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ kịch nói, nghệ thuật sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương), múa rối, xiếc, cho đến các thể loại âm nhạc, múa đương đại...

Ông Trần Hướng Dương cũng kỳ vọng, các hoạt động nghệ thuật này sẽ diễn ra thường xuyên, ngay cả khi các hoạt động biểu diễn trực tiếp được cho phép trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Các nhà hát sẽ làm chương trình song song cả online lẫn diễn trực tiếp.

“Việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khẩu trực tiếp đóng băng, mà là xu thế phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong thời đại hiện nay," ông Dương khẳng định.
Theo ngaynay.vn