- Bầu trời đồng đội
- Ra mắt sách "Nhật ký phi công tiêm kích" và giao lưu với Trung tướng, Anh hùng Lực lược Vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Đức Soát
Ra mắt sách
( Nguồn Việt) Sự kiện ra mắt sách "Nhật ký phi công tiêm kích" và giao lưu với Trung tướng, Anh hùng Lực lược Vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Đức Soát diễn ra lúc 9h thứ tư ngày 16/12 tại Hội trường Bảo tàng Phòng không - Không quân (173C Trường Chinh, Hà Nội).
Ghi chép lại, những chiến công anh hùng, những hi sinh to lớn của thế hệ phi công đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam thời kì đánh Mỹ, làm cơ sở giáo dục lịch sử truyền thống thế hệ trẻ tương lai của đất nước là việc làm cần thiết, đáng trân trọng. Cuốn sách "Nhật ký phi công tiêm kích" của Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát ra mắt thời điểm này chẳng những giúp bạn đọc hiểu rõ về những khó khăn, gian khổ của những người canh giữ bầu trời cho Tổ quốc mà còn giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, lý tưởng cống hiến và bảo vệ đất nước mình.
Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát |
Nhật ký là những suy nghĩ riêng tư, là sự trải lòng trước diễn biến của thời cuộc của cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, của một học viên chập chững bay trên không trung, của một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ.
Từ khát vọng thiên thanh…
Nguyễn Đức Soát bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20/3/1966, sau khi sang Liên Xô được 8 tháng và viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và ngừng lại ở ngày 31/12/1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của Nguyễn Đức Soát đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; Thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; Thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, giảng đường đại học…
Ở “mặt trận trên không”, hiên ngang đối đầu với những cỗ máy chiến tranh tối tân, hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ là một mốc son chói lọi của Không quân Nhân dân Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ.
… đến trang nhật ký của một phi công kiêm kích
Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27.
Cuốn sách "Nhật ký phi công tiêm kích" |
Chuyện của một người nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh; Thấy được những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh; Thấy được cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp…
Nhà thơ Hữu Việt bày tỏ: “Trong cuốn sách này không chỉ thuần những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, tác giả đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta - địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử… - ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong trắng, tận hiến tự - nhiên - ý - thức cho Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và quân đội, vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt, mọi khổ đau và mất mát để đi đến ngày chiến thắng".
Tại buổi giao lưu, bên cạnh tác giả Trung tướng - AHLLVT Nguyễn Đức Soát, khán giả còn có cơ hội lắng nghe nhà thơ Hữu Việt, phi công Lê Thanh Đạo (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng), đại diện Hội Nhà văn Việt Nam với những trao đổi hết sức thú vị.
Trích "Nhật kí phi công tiêm kích": Sân bay Đa Phúc, ngày 11/5/1968 Lần đầu cất cánh bay trên bầu trời Tổ quốc thân yêu… Tổ quốc mình đẹp thật! Từ trên nhìn xuống, ngô lúa, cỏ cây trang điểm cho mặt đất một màu xanh ngút ngàn. Dòng sông Hồng đỏ ngầu, cuồn cuộn lao ra biển, hai bên bờ là những làng mạc nhỏ bé, ẩn hiện trong biển cả của màu xanh. Lòng mình rộn lên một niềm vui không khác gì lần đầu được tung cánh. Đây là trời của mình, đất của mình, người của mình, mình có trách nhiệm gìn giữ. Thợ máy phục vụ khá đông. Hầu hết là bạn cũ. Họ rất nhiệt tình. Trách nhiệm bỗng tăng lên gấp bội. Hai chuyến kèm góc lao hơi cao, do thói quen. Bay đơn trên loại mới. Máy bay nhẹ tênh. Mình có cảm tình với nó ngay. Hạ cánh bình thường. Ngày 30/1/1972 Vừa đi trực về. Dạo này trực, hầu như bữa nào cũng xuất kích. Bọn tiêm kích của Mỹ thì quần thảo nhặng xị ở bên kia biên giới, khu Sầm Nưa, bản Ban. Chúng mình thì bay trấn ải ở bên này biên giới. Không thiếu những chuyến xộc thẳng vào khu chúng bay. Dạo này bọn Mỹ đã xuống gối, thường là thoái lui. Mình bay về, chúng lại lẵng nhẵng đuổi. Ngồi trên máy bay mà thấy thời gian trôi vùn vụt, dầu hao nhanh kinh khủng. Muốn kéo ngắn cự ly để mà được đánh, muốn hạ cánh, nạp dầu tiếp rồi lại bay lên. Những ngày đi trực là những ngày có ý nghĩa nhất. Những chuyến bay lên lao về phía địch là những chuyến bay đẹp nhất. Và niềm vui lớn nhất, khát khao dữ dội nhất là được thấy máy bay của kẻ thù bùng cháy ngay trước máy bay mình. |