Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Rực rỡ sắc màu từ chương trình tái hiện Lễ Tiến xuân ngưu

Ngày 30 Tháng 01, 2021
Sáng 30-1, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Công ty Ỷ Vân Hiên tổ chức thể nghiệm thực hành Lễ Tiến xuân ngưu. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Tết Việt 2021 với chủ đề 'Tân Sửu nghênh xuân' tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

 

 

Tượng trâu đất trong Lễ Tiến xuân ngưu được sơn 5 màu theo ngũ hành, mang ý nghĩa tiêu trừ khí lạnh, đồng thời khích lệ nông nghiệp phát triển.

Lễ Tiến xuân ngưu là một nghi lễ lớn có từ thời Lê Trung Hưng (1533-1789). Sự kiện được triều đình chuẩn bị công phu với nhiều nghi thức long trọng, với hàm ý tống tiễn mùa đông, chào đón mùa xuân, cầu một năm mới bội thu, thịnh vượng, may mắn.

Theo đó, để chuẩn bị cho sự kiện này, cứ đến tháng 11 hằng năm, Bộ công đã được triều đình giao nhiệm vụ làm 1 tượng trâu đất lớn, 1 tượng thần Câu Mang lớn và hơn nghìn tượng trâu đất và thần Câu Mang nhỏ, tô màu theo ngũ hành. Trong đó, trâu đất mang ý nghĩa tiêu tan khí lạnh, còn thần Câu Mang là vị thần cai quản mùa xuân. Sau khi tượng trâu đất và thần Câu Mang được hoàn thành, triều đình tổ chức tế thần mùa xuân rồi đem chôn tượng thần Câu Mang ở nơi đất sạch; tổ chức lễ rước tượng trâu đất đến điện tiến vua.

Sau Lễ tiến xuân ngưu, bá quan được vua ban tượng trâu đất với hàm ý cầu chúc may mắn, thịnh vượng, bình an trong năm mới.

Lễ Tiến xuân ngưu được tổ chức tại điện Kính Thiên vào đúng ngày Lập xuân với sự tham gia của người đứng đầu triều đình và đầy đủ bá quan văn võ. Sau phần nghi thức là đến lễ Ban xuân ngưu cho các quan và các cung miếu trong kinh thành.

Chương trình thể nghiệm thực hành Lễ Tiến xuân ngưu tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên. Trong những bộ cổ phục được mô phỏng theo đúng nguyên mẫu cung đình, các tình nguyện viên cùng tái hiện đầy đủ các nghi thức cổ xưa, như: Rước xuân ngưu, Tiến xuân ngưu, Ban xuân ngưu và phép Đả xuân ngưu, tạo nên bầu không khí thành kính, trang trọng nhưng cũng không kém phần vui tươi, náo nức, rực rỡ sắc màu.

Lấy roi mây đánh lưng trâu tỏ ý trừ bỏ điều không may trong năm cũ.

Giáo sư Lê Văn Lan cho biết: "Nghi thức vua ban xuân ngưu cho các quan là nghi thức duy nhất chỉ có dưới triều Lê với ngụ ý "tống tiễn khí lạnh mùa đông", đón năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nghi lễ này cũng nhằm tỏ ý khuyến khích nông nghiệp, chăn nuôi, cày cấy phát triển".

Còn theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, đây là lần đầu tiên Lễ Tiến xuân ngưu được thể nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình với các nghi thức diễn ra tại sân Điện Kính Thiên.

"Việc tái hiện Lễ Tiến xuân ngưu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cung đình Thăng Long xưa, góp phần mang đến cho công chúng và du khách cơ hội tìm hiểu thêm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung, giá trị văn hóa phi vật thể cung đình Hoàng thành Thăng Long nói riêng", ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Nguồn Hà Nội Mớ
i