Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Ngày 07 Tháng 03, 2023

Cách đây 50 năm, dược sĩ Đào Kim Long là người đầu tiên phát hiện ra sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh. Năm 2017, sâm Ngọc Linh được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm quốc gia và được xem là 'quốc bảo' Việt Nam.

Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu chỉ có trên núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, ở độ cao 1.200 m đến hơn 2.500 m. Nơi đây khí hậu quanh năm mát lạnh, phủ kín sương giăng. Ít ai ngờ rằng dưới những tán rừng già, xưa nay đang ẩn chứa cả kho tàng thiên nhiên ban tặng.

Về thánh địa sâm Ngọc Linh

Theo bà con người Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), sâm Ngọc linh - cây “thuốc giấu” ở đây có từ xa xưa. Đây là phương thuốc độc đáo chuyên dùng để điều trị vết thương, uống lúc đau ốm. Để tránh cho cây bị săn lùng vô tội vạ, nhiều câu chuyện huyền bí cũng được thêu dệt.

“Vua sâm” Ngọc Linh A Sỹ tại vườn sâm. Ảnh: LÊ KIẾN

“Vua sâm” Ngọc Linh A Sỹ tại vườn sâm. Ảnh: LÊ KIẾN

Ông A Sỹ (50 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri) có thâm niên tiếp xúc với cây thuốc này hơn 40 năm. Ông cũng được mệnh danh là “vua sâm” dưới chân núi Ngọc Linh.

Qua nhiều lần hẹn, tôi mới được ông gật đầu chia sẻ câu chuyện về sâm. Ông Sỹ nói: “Hàng chục năm trước, cây “thuốc giấu” ở trên núi rất nhiều, bà con hái lúc nào cũng được nhưng chỉ dùng khi đau ốm, bị thương. Chỉ cần lấy củ nhai, đắp vào vết thương sẽ lành rất nhanh. Bình thường, dân trong làng đi săn bắt không muốn đụng đến cây “thuốc giấu”, nó sẽ không may, đi săn không được, có khi mất tiền. Vì thế, trên rừng có rất nhiều sâm và ít bị người ta lấy”.

Nhắc tới đây, ông Sỹ hoài niệm: “Hồi nhỏ, có khi tôi còn được người ta cho cả túi to, bỏ vào áo nặng quá nên vứt lại trong bụi, không thèm lấy. Dân có sâm cũng không biết bán cho ai. Thỉnh thoảng có người bảo lên rừng hái vài ký về đổi ít mắm muối thôi. Giờ nó có giá cao, thành ra quý hiếm, muốn kiếm củ sâm tự nhiên vô cùng khó”.

Bí thư A Sỹ đồng ý dẫn tôi tham quan vườn sâm. Theo chân ông, chúng tôi đi qua ba chốt cửa rừng được khóa chắc chắn do thanh niên trong làng canh gác. Càng vào sâu đường đi chỉ còn lối nhỏ, khí lạnh áp da người. Người dẫn đường “dọa” nếu tự ý đi bậy có thể dính chông, dính bẫy. Nếu vô ý giẫm phải sâm cũng dễ “mang họa”.

Tại đây, dưới những tán rừng cổ thụ, hàng ngàn cây sâm được chăm sóc rất bài bản. Thậm chí ở những mỏm đá, hốc cây cũng có những cây sâm lên xanh tốt. Với loại “thần dược” này, bà con rất kín tiếng, ít khi tiết lộ thông tin về vườn sâm của mình. Nếu khách lạ hỏi vườn ở đâu, bao nhiêu năm tuổi hoặc muốn gia chủ dẫn đi xem được coi là điều “đại kỵ”. Chỉ có những người họ cực kỳ tin tưởng mới được dẫn vào vườn. Theo quy định, người lạ muốn vào phải được người có vị thế trong làng dẫn đi, coi như giấy thông hành.

Hiện tại, mỗi ký sâm Ngọc Linh có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng tùy vào năm tuổi. Với cành lá giá 13-15 triệu đồng/kg, riêng mỗi hạt có giá ít nhất 100.000 đồng. Đối với những cây to, lâu năm giá có thể lên đến hàng tỉ đồng.

"Núi vàng” chờ khai phá

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết năm 2002 ông lên vùng Tu Mơ Rông làm công tác Đoàn thanh niên, thời điểm đó bà con rất nghèo, chưa có trao đổi hàng hóa như bây giờ. Riêng sâm Ngọc Linh ở đây rất nhiều, bà con để giàn bếp dùng khi cần. Ông từng được bà con quý, cho vài củ sâm, có khi cả ký. Còn về lý do đến nay diện tích sâm trên địa bàn còn ít (khoảng 1.700 ha) là do bà con sợ trộm, sợ thất bại nên chưa mạnh dạn làm.

Tuy nhiên, có nhiều hộ sớm nhận ra giá trị của sâm Ngọc Linh nên tiên phong trồng, nay đều thành tỉ phú. Điển hình như hộ các ông A Sỹ, Tôn, Chung, Lâm, Hình… thu cả tỉ đồng mỗi năm. Tính riêng ba xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây có gần 70 hộ giàu, thu nhập từ 500 triệu đến 10 tỉ đồng/năm.

“Vua sâm” A Sỹ tiết lộ: “Từ năm 2003, tôi đã trồng sâm Ngọc Linh. Hồi đó bà con đi rừng tìm thấy cây tự nhiên, tôi đều thu mua rồi mang lên rừng trồng. Năm 2009, tôi bắt đầu công bố việc mình trồng sâm và vận động bà con cùng trồng. Nhưng thời gian đầu bà con không tin có hiệu quả, sợ mất cắp nên ít người theo”.

Núi Ngọc Linh, nơi có loài cây đặc hữu sâm Ngọc Linh. Ảnh: LÊ KIẾN

Núi Ngọc Linh, nơi có loài cây đặc hữu sâm Ngọc Linh. Ảnh: LÊ KIẾN

Mỗi ký sâm Ngọc Linh có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng tùy vào năm tuổi.

Theo ông Sỹ, từ năm 2016-2017, sâm Ngọc Linh có giá cao đỉnh điểm, dễ dàng bán được cả trăm triệu đồng/kg thì người dân mới mạnh dạn, ồ ạt trồng sâm. Đến nay toàn xã Măng Ri có hơn 400 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh với khoảng 30 ha. “Hiện tôi trồng được khoảng 100.000 gốc sâm, mỗi năm bán gần chục lon hạt sâm (mỗi lon 120 triệu đồng) và bán khoảng chục ký sâm củ (mỗi ký 90 triệu đồng)” - ông A Sỹ tự hào nói.

Ông Sỹ vui vẻ nói dân vùng núi Ngọc Linh đang ngồi trên núi vàng, cái chính là có biết lấy hay không. Nếu cây không bệnh tật, thời tiết thuận lợi thì dân sẽ giàu thôi.

Anh A Ly (thôn Ngọc La, xã Măng Ri) chia sẻ: “Trước đây lo sợ bị mất trộm nên không dám trồng, sau khi được anh A Sỹ vận động và liên kết với công ty nên không sợ nữa. Hằng năm bán hạt cũng có rất nhiều tiền, chỉ cần một cây ra 60 hạt là bán 6 triệu đồng”.•

Bài 2: Giới nghiên cứu ngỡ ngàng về sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh - cây thoát nghèo chủ lực

Sâm Ngọc Linh đã góp phần thay đổi rất lớn về nhận thức của người dân địa phương, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội. Thời điểm tách huyện năm 2005, toàn huyện có 90% hộ nghèo, nay đã giảm còn khoảng 50%.

Sâm Ngọc Linh được xác định là cây thoát nghèo chủ lực của địa phương. Huyện hiện có 11 xã, 28 vạn dân, 95% là đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Năm 2022, huyện Tu Mơ Rông chứng kiến chuyển biến kỷ lục, người dân mạnh dạn vay vốn gần 40 tỉ đồng để trồng sâm. Ông VÕ TRUNG MẠNH, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông