Địa chỉ: Số 270/10D - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội

Thưởng lãm các loại hình văn hoá độc đáo trong "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" năm 2022

Ngày 27 Tháng 11, 2022
Không chỉ hướng đến việc xúc tiến các hoạt động liên kết giữa văn hóa và doanh nghiệp, cùng Doanh nhân, Doanh nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam, "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần IV" còn có ý nghĩa đặc biệt hơn, góp phần tạo dấu ấn trong mắt bạn bè quốc tế góc nhìn ấn tượng về di sản Văn hóa Việt Nam.
Trình diễn áo dài Cổ phục trong Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022
Trình diễn áo dài Cổ phục trong Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022
 

Hưởng ứng “Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam” 23/11/2022, tại không gian khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội) và Văn phòng chính phủ - Trung tâm Hội nghị (37 Hùng Vương), Liên Hiệp các Hội UNESCO Việt Nam - Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ Thuật Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp đã phối hợp tổ chức các hoạt động nhân “Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" lần IV năm 2022.

Sau lễ dâng hương 52 vị Vua tại Hoàng Thành Thăng Long, Ngày Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lân thứ IV năm 2022 chính thức được khai mạc. Sự kiên này là dịp để nhân dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước được thưởng lãm và trải nghiệm những loại hình văn hoá nghệ thuật và thể thao độc đáo của Việt Nam như: Thư pháp Việt, hát Then, hát Văn, Bài chòi, Quan họ, Chèo, Ví dặm, Ca trù, Hát xẩm, và các thể thức trống hội. Đặc biệt, Áo dài Việt được trình diễn như một điểm nhấn của sự kiện.

Thưởng lãm các loại hình văn hoá độc đáo trong "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" năm 2022 ảnh 1

Đoàn đại biểu làm lễ dâng hương 52 vị Vua tại Hoàng Thành Thăng Long

Thu hút đông đảo khách mời và đại biểu hơn cả là Diễn đàn "Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa". Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Ngày hội hội di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 4 diễn ra sáng nay tại 37 Hùng Vương, Hà Nội. Phiên thảo luận với sự điều phối của Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – TBT Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng các diễn giả: GS sử học Lê Văn Lan; Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch); Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam - Chủ tịch CLB áo dài Việt Nam.

Thưởng lãm các loại hình văn hoá độc đáo trong "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" năm 2022 ảnh 2

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – TBT Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng các diễn giả trong Diễn đàn "Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa"

Các đại biểu đều bày tỏ quan điểm, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp, doanh nhân.

Chia sẻ tại Diễn đàn, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng, bảo tồn và gìn giữ di sản văn hoá là vấn đề rất lớn và rất khó. Vị GS đã dẫn chứng một số câu chuyện cụ thể, từ đó gợi ra một vài suy nghĩ, quyết định về thái độ mà ở đây đối tượng là các doanh nghiệp doanh nhân.

Thưởng lãm các loại hình văn hoá độc đáo trong "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" năm 2022 ảnh 3

GS sử học Lê Văn Lan khẳng định vai trò bảo tồn giữ gìn di sản Việt Nam của các doanh nhân, doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng

"Trong thế giới di sản, chúng ta vừa chứng kiến di sản văn hóa trang phục và cũng chỉ khuôn vào trong câu chuyện áo dài, nhưng trong đó còn lễ phục, thường phục, ăn mặc nơi công sở, nơi du lịch ăn chơi thì rất mênh mông. Hay sang lĩnh vực văn hóa ẩm thực, cũng chỉ nói về di sản, nào là phở, bánh mì, những chiếc bánh gói lá, những chiếc bánh bóc lá đi chỉ để hiện hình trần trụi, đông tây cũ mới... Còn văn hóa làng nghề văn hóa giáo dục cực kỳ lớn và rộng rãi, nên ở phương diện nhà nước hoàn toàn khác với phương diện doanh nhân doanh nghiệp và ở từng lĩnh vực di sản văn hóa thì cũng có sự khác nhau" - GS Sử học Lê Văn Lan khẳng định - "Các di tích văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh đang trông chờ rất nhiều ở việc Nhà nước xã hội hóa, còn ở đây, trên phương diện là các doanh nhân doanh nghiệp đối với việc bảo tồn gin giữ di sản văn hóa thì như thế nào? Có thể nói, vai trò của các doanh nhân doanh nghiệp cực kỳ quan trọng”.

Đồng quan điểm, nhà báo Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, TBT Tạp chí Ngày Nay cho biết, tính đến nay, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO nâng lên tầm giá trị toàn nhân loại, cùng với gần 20 địa danh và hàng chục loại hình văn hóa phi vật thể khác đang chờ đợi để được Nhà nước và UNESCO xem xét đưa tiếp vào danh sách di sản thế giới. Việt Nam thực sự là một đất nước có tiềm năng văn hóa và có lợi thế để phát triển các ngành kinh tế dựa trên khai thác giá trị kinh tế của di sản.

Thưởng lãm các loại hình văn hoá độc đáo trong "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" năm 2022 ảnh 4

Nhà báo Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, TBT Tạp chí Ngày Nay phát biểu tại Diễn đàn

"Công tác bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa cần được ưu tiên chú trọng, nhất là khi đất nước đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ" - ông Trần Văn Mạnh khẳng định. Theo đó, trong Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (năm 2003), UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa: “không có văn hóa nếu không có sự tham gia tự giác của người dân và cộng đồng”.

"Bàn về vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản... Khi những di sản có giá trị được khai thác ‘đúng mức’ sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành du lịch và các ngành liên quan như khách sạn, dịch vụ ăn uống, thương mại và bán lẻ, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Ở chiều ngược lại, các doanh nhân, doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản cần có kế hoạch đầu tư trở lại vào việc bảo tồn di sản như một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, tự nguyện, tự giác trích một phần những khoản thu được từ khai thác di sản để quay ngược trở lại đóng góp và thúc đẩy hơn nữa công tác bảo tồn và gìn giữ di sản" - ông Trần Văn Mạnh nói thêm.

Ngoài câu chuyện về vai trò của doanh nghiệp trong công tác bảo tồn di sản, Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV còn mang đến góc nhìn đa chiều về tà áo dài cổ phục Việt Nam, với cuộc trình diễn Bộ sưu tập áo dài Di sản của NTK Hương Queen và áo dài của doanh nhân ba miền.

Thưởng lãm các loại hình văn hoá độc đáo trong "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" năm 2022 ảnh 5
Thưởng lãm các loại hình văn hoá độc đáo trong "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" năm 2022 ảnh 6

Trình diễn Bộ sưu tập áo dài Di sản của NTK Hương Queen

Trải qua chiều dài lịch sử ngàn năm, chiếc áo dài đã trở thành dấu ấn văn hóa đậm nét của người Việt Nam. Nghệ nhân Đỗ Trịnh Hoài Nam - Chủ tịch CLB áo dài Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện thiết kế những chiếc áo dài cho các chính khách, lãnh đạo và cả những doanh nhân, ông luôn đưa câu chuyện về văn hóa, họa tiết đặc trưng của đất nước để có thể truyền tải những câu chuyện về văn hóa Việt Nam. Ông Nam hi vọng rằng cộng đồng doanh nhân cùng nhau xây dựng, đóng góp trong việc lan tỏa những hình ảnh đẹp của áo dài Việt Nam, đưa vào đó những hình ảnh về văn hóa Việt để giao lưu văn hóa.

Thưởng lãm các loại hình văn hoá độc đáo trong "Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam" năm 2022 ảnh 7

Nghệ nhân Đỗ Trịnh Hoài Nam - Chủ tịch CLB áo dài Việt Nam chia sẻ câu chuyện về chiếc áo dài

Chiều cùng ngày, Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam đã dành thời gian tôn vinh các làn điệu dân ca được UNESCO công nhận, đồng thời trình diễn võ thuật UNESCO, Festival Văn hóa Nghệ thuật Thiếu Niên, Nhi Đồng UNESCO do các đoàn nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam thực hiện.
Theo Ngaynay.vn