- Di Sản Việt Nam
- Dự Án Tu Bổ Cầu Ngói Thanh Toàn và Vấn Đề Bảo Tồn, Phát Huy một Di sản Quý Của Cố Đô Huế
Dự Án Tu Bổ Cầu Ngói Thanh Toàn và Vấn Đề Bảo Tồn, Phát Huy một Di sản Quý Của Cố Đô Huế
Ngày 23 Tháng 07, 2021
( Nguồn Việt) Cầu ngói Thanh Toàn[1]. là một di sản độc đáo và rất quý của cố đô Huế. Đây là công trình kiến túc theo lối Thượng gia hạ kiều (trên nhà, dưới cầu), được xây dựng từ năm 1776, thời kỳ quân đội Lê Trịnh đang chiếm giữ đất Phú Xuân, do một người phụ nữ địa phương tên là Trần Thị Đạo,phu nhân của Tứ Xuyên Hầu Phan Trọng Phiên[2], cho xây dựng với mong muốn giúp dân làng Thanh Toàn đi lại được thuận tiện.
Với các giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, ngày 14/7/1990, di tích này đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia, loại hình Kiến trúc nghệ thuật. Tuy nhiên, trải qua thời gian và các biến động lịch sử, dù đã được trùng tu nhiều lần, nhưng đến thời gian gần đây, cầu ngói Thanh Toàn đã ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi cần phải được trùng tu, bảo tồn. Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn do Thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần tu bổ Di tích Huế thi công đã được triển khai từ trong gần một năm. Ngày 25/4/2021, Ủy ban nhân dân Thị xã Hương Thủy đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng cầu ngói Thanh Toàn.
Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con hói nhỏ bắt nguồn từ sông Như Ý chảy qua địa phận làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về phía Đông Nam. Có thể nói, di tích này là sự bổ sung rất có giá trị đối với hệ thống các di sản vật thể của cố đô Huế, tạo nên sự tiếp nối liền mạch từ thời các chúa Nguyễn qua thời kỳ Lê-Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn. Sự xuất hiện của cầu ngói Thanh Toàn là một nét son của thời kỳ bước đầu thống nhất quốc gia Đại Việt sau gần 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh. Cuộc kết hôn mang màu sắc lịch sử giữa Khâm Sai đại thần Phan Trọng Phiên và người thôn nữ tài ba thuộc dòng họ Trần ở làng Thanh Toàn của xứ Huế đã góp phần xóa đi những mặc cảm nặng nề giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài sau hằng trăm năm huynh đệ tương tàn.
Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người dân thoát khỏi cảnh ngăn sông cách chợ, bà Trần Thị Đạo dưới sự bảo trợ của chồng đã cho xây dựng chiếc cầu ngói này. Sự cống hiến của bà được đã các triều vua trong lịch sử vinh danh như một tấm gương về lòng vị tha, nhân hậu của người phụ nữ Việt. Chính vì vậy, Cầu ngói Thanh Toàn ngoài vẻ đẹp độc đáo về kiến trúc còn lưu danh đức hạnh của một đấng nữ lưu, lan tỏa tinh thần thiện nguyện của bậc tiền nhân đến bao thế hệ, khơi nguồn cảm hứng cho thi nhân mặc khách. Nhiều sáng tác của họ về cầu ngói vẫn còn truyền tụng đến ngày nay. Đặc biệt, hình ảnh chiếc cầu đã đi vào ca dao xứ Huế:
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui
Về mặt kiến trúc, với thức “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu) tiêu biểu của loại hình kiến trúc cầu gỗ cổ có mái che của thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, cầu ngói Thanh Toàn là di tích thuộc dạng hiếmhoi còn lại ở Việt Nam và duy nhất ở Thừa Thiên Huế. Đặc trưng của công trình này là sự thanh mảnh, nhẹ nhàng của hệ khung gỗ kết hợp với nghệ thuật trang trí pha trộn chất dân gian và cung đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Sự kết hợp này mang lại cho cây cầu dáng vẻ thanh thoát, yêu kiều như một tác phẩm thủ công tinh xảo. Vì vậy đến nay, cầu ngói Thanh Toàn vẫn được xem là một trong những cây cầu gỗ thuộc hàng đẹp nhất ở nước ta.
Cầu ngói Thanh Toàn là một địa chỉ du lịch nổi tiếng, thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm, vì vậy, việc bảo tồn, tu bổ để khai thác, phát huy giá trị di tích này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch, kinh tế địa phương. Về mặt văn hóa, xã hội, đây cũng là địa điểm gắn liền với không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức lễ hội, vui chơi,… làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Cho đến trước khi được tu bổ, bảo tồn lần này, căn cứ vào các tư liệu lịch sử và kết quả khảo sát, đánh giá chi tiết về công trình, có thể xác định, cầu ngói Thanh Toàn đã được trùng tu ít nhất là 5 lần qua các thời kỳ khác nhau:Cho em về với một đoàn cho vui
- Giai đoạn 1776 – 1847: Cầu được xây dựng và có kiểu thức kiến trúc “thượng gia hạ kiều” khá phổ biến vào thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ 19.
- Giai đoạn 1847 - 1904: Năm 1844, dưới thời vua Thiệu Trị, cầu bị sụp đổ và bị cuốn trôi vì một trận lũ lụt lớn. Việc tu sửa cầu được thực hiện vào tháng 3 năm 1847 (có ghi lại trực tiếp vào thân cầu). Thời điểm này cầu có kích thước 18,75m và chiều rộng là 5,82m[3]. Phong cách này được giữ nguyên đến năm 1904, thời Thành Thái.
- Giai đoạn 1904 - 1945: Năm 1904, cầu bị đánh sập bởi trận bão lớn Giáp Thìn. Đến năm 1906, cầu mới được dựng lại với sự đóng góp của người dân và chính quyền. Trong lần tu sửa này cây cầu vẫn giữ được hình dáng kiến trúc theo lối cũ và chỉ thu hẹp kích thước tương ứng hai chiều là 16,85m và 4,63m[4]. Hình dáng kiến trúc cầu vào năm 1917 được H.Le Breton mô tả như sau: “ Cầu được xây theo kiểu kiến trúc “thượng gia hạ kiều” dịch sát nghĩa là “bên trên thì nhà bên dưới thì cầu”… Cây cầu này gồm có ba gian hoặc ba “vài”. Vài ở giữa được nâng cao lên so với hai vài hai bên, hai vài này đi xuống, chiều dốc nhẹ nhàng, về phía hai bờ của con lạch. Cây cầu được đặt trên 18 cột gỗ lim to lớn, sắp thành ba hàng, đóng sâu vào lòng sông. Một mái cầu lợp ngói nửa hình ống bao bọc ở bên trên. Trên một phía ở vài giữa, xây mặt về hướng đông, có một khám thờ nhỏ dành để thờ bà Trần Thị Đạo. Trên hai gian cầu hai bên, hơi nghiêng về phía 2 bờ có đặt những hàng ghế dài, trên đó người ta có thể ngồi hóng gió mát thật êm ái,…Chiều rộng của sàn nhà 4,70m, chiều cao của mái nhà có thể đi qua cầu bằng xe hơi,…Toàn thân cầu có chiều dài đến 17m”[5].
- Giai đoạn 1945 - 1975: Năm 1956, cầu ngói Thanh Toàn được tu sửa theo dáng dấp chung đã có từ lần tu sửa năm 1906 nhưng một số bộ phận bị thay đổi kể cả kích thước cầu với chiều dài tăng lên 17,8m và chiều rộng thu hẹp còn 4m, mái lợp ngói ống tráng men và xây tường đầu hồi khảm sành sứ. - Giai đoạn 1975 đến nay: Năm 1971 cầu được tu sửa thay đổi, các chân cột cầu vốn bằng gỗ thay bằng các cột trụ vuông xây bằng đá, mở rộng mố cầu lấn về phía lòng hói, dùng ngói ống tráng men thay thế bằng ngói liệt. Đặc biệt kích thước cầu thời điềm này được ghi nhận (trong hồ di tích, vào tháng 3-1990) là 20,18m, chiều rộng bằng hiện nay là 4,49m.
Năm 1991 là lần tu sửa gần nhất của cầu ngói Thanh Toàn do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được thực hiện. Kết quả đợt tu bổ này chủ yếu được thực hiện trên cơ sở nguyên trạng, giữ nguyên kích thước kiến trúc, hệ kết cấu gỗ, trang trí con giống bờ mái và tường đầu hồi. Sự điều chỉnh lớn nhất ở lần trùng tu này là phục hồi lại hệ cột gỗ lim chân cầu đã bị thay thế bằng cột đá năm 1971, tháo dỡ toàn bộ hệ móng cầu xây đá tôn tạo lại bằng kết cấu bê tông cốt thép[6], phục hồi mái lợp bằng ngói thanh lưu ly câu đầu trích thủy.ấ
- Tu bổ tổng thể cầu ngói Thanh Toàn có diện tích 89m2 với kích thước 5mx17,8m.
- Tôn tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
- Tôn tạo tổng thể đoạn hói kéo dài 100m, rộng khoảng 6,8m bắt đầu từ Cầu bê tông nằm phía Tây đến ngả ba nối vào sông Như Ý.
Quan điểm, nguyên tắc trùng tu bảo tồn lần này là:
- Bảo tồn, tu bổ kiến trúc Cầu Ngói Thanh Toàn trên cơ sở nguyên trạng mang dấu ấn kiến trúc của lần tu bổ năm 1906 dưới thời Thành Thái, đồng thời tôn trọng và kế thừa những biến đổi về vật liệu lợp mái, tường đầu hồi do cộng đồng dân cư địa phương thực hiện năm 1956 và kết quả bảo tồn năm 1991.
- Ưu tiên cho bảo quản yếu tố gốc, tu bổ nếu cần thiết, chỉ phục hồi khi đủ thông tin khoa học.
- Gia cường hợp lý để đáp ứng điều kiện sử dụng hiện tại.
- Đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu hiện tại: hoạt động văn hóa - lễ hội, hoạt động du lịch.
Theo đó, trong suốt quá trình triển khai, dự án đã luôn tuân thủ Luật Di sản Văn hóa và các quy định về pháp luật trong trùng tu di tích; tiếp thu các kết quả nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật; tiếp thu những kinh nghiệm và công nghệ đã áp dụng trong công tác bảo tồn công trình gỗ truyền thống tại Huế. Trong thiết kế tu bổ cũng như thi công luôn bảo vệ tối đa các yếu tố nguyên gốc của công trình di tích hiện hữu; chỉ thay thế phục hồi các chi tiết và bộ phận kiến trúc khi có đủ căn cứ khoa học và cần thiết cho sự bảo tồn hoặc cho chính sự tồn tại của các cấu kiện bộ phận của di tích. Các thành phần thay thế hoặc phục hồi phải luôn đảm tính chân xác về chất liệu, thẩm mỹ cũng như công nghệ chế tác. Dự án cũng luôn ưu tiên sử dụng phương pháp và vật liệu truyền thống trong quá trình tu bổ phục hồi. Các vật liệu mới chỉ được sử dụng với mục đích gia cường nhưng cần đảm bảo đồng nhất với vật liệu gốc về màu sắc hoặc ẩn giấu để không ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung.
Để đảm bảo cho di tích vững chắc, có tuổi thọ lâu dài, dự án đã tính toán chính xác kết cấu chịu tải trọng và tác động của nền móng và của công trình; đề xuất bổ sung những biện pháp bảo quản (chống rêu mốc, vi sinh vật xâm hại, chống suy thoái vật liệu theo thời gian…). Bên cạnh, phần tôn tạo của dự án chủ yếu là tôn tạo cảnh quan và bổ sung hạ tầng kỹ thuật có quy mô và hình thức phù hợp, hài hòa với không gian của di tích đồng thời cần thiết cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích về sau.
Sau gần một năm nỗ lực thi công với sự giám sát chặt chẽ của Ban quản lý dự án và các cơ quan chuyên môn, trong đó nổi bật là vai trò quản lý nhà nước và chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao, Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn đã hoàn thành đúng tiến độ, được tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng đúng thời hạn.
Sự thành công của Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn đã tạo nên cơ sở vững chắc để Thị xã Hương Thủy xây dựng một đề án khai thác, phát huy giá trị cụm di tích cầu ngói Thanh Toàn một cách thiết thực, hiệu quả và bền vững, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ. Sự thành công của dự án này cũng đưa lại nhiều kinh nghiệm quý cho việc triển khai các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích của địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới./.
Tài liệu tham khảo
1. E.Gras (1998), “Cây cầu”, in trong Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H, 1917), tập IV, Bản dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.2. Le Breton (1998), “Cầu ngói và vườn Huế”, in trong Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H, 1930), tập XX, Bản dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
3. R. Orband (1998), “Cầu ngói Thanh Thủy”, in trong Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H, 1917), tập IV, Bản dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
4. Phan Thuận An (2008), Huế Xưa và Nay- Di tích và danh thắng, Nhà xuất bản văn hóa Thông tin.
5. Hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia Cầu ngói Thanh Toàn năm 1990 của sở Văn hóa thông tin Tỉnh Thừa Thiên Huế.
6. Kết quả khảo sát cầu ngói Thanh Toàn tháng 8/2018.
Theo TS. Phan Thanh Hải